Khu vực Đông Nam Á đang là điểm dịch nóng nhất châu Á

Khu vực Đông Nam Á hiện đang là một điểm dịch nóng nhất châu Á, khi trong ngày 2/7, có 10/11 nước ghi nhận các ca COVID-19 mới và 7 quốc gia ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19.

Nhân viên phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại một khu chợ ở Bangkok, Thái Lan, ngày 21/6/2021. Ảnh: THX

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 2/7, các nước ASEAN ghi nhận thêm 48.371 ca COVID-19, đưa tổng số ca bệnh tăng lên 4.996.185 ca. Đồng thời, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 96.146 người dân trong khu vực, sau khi có thêm 899 ca tử vong được ghi nhận trong ngày hôm qua.

Khu vực Đông Nam Á hiện đang là một trong những điểm dịch nóng nhất châu Á. Trong ngày 2/7, trừ Brunei, 10 nước thành viên ASEAN còn lại đều ghi nhận các ca COVID-19 mới và 7 quốc gia ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Việt Nam và Campuchia.

Ổ dịch nghiêm trọng nhất trong khu vực hiện vẫn là Indonesia. Ngày 2/7, Indonesia lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 trong 1 ngày cao chưa từng có với 25.830 ca nhiễm và 539 ca tử vong. Số ca tử vong trong ngày hôm qua tại Indonesia cao hơn tất cả các nước ASEAN khác cộng lại, đồng thời cũng cao nhất châu Á (hơn cả Ấn Độ).

Đây là ngày thứ 7 liên tiếp số ca mắc COVID-19 tại Indonesia ở mức trên 20.000 ca. Kể từ khi công bố hai ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 2/3/2020, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 2.228.938 trường hợp dương tính và 59.534 ca tử vong.

Trong vòng 24 giờ qua, Indonesia đã tiến hành xét nghiệm tổng cộng 153.608 mẫu bệnh phẩm, thấp hơn so với mức 155.191 mẫu vào ngày 1/7. Số bệnh nhân COVID-19 đang được chăm sóc tại các bệnh viện hoặc tự cách ly đã tăng thêm 13.713 người so với hôm 1/7, lên mức 267.539 người.

Các trường hợp mắc COVID-19 tại Indonesia đã tăng vọt vài tuần sau kỳ nghỉ lễ xả chay Eid al-Fitr kéo dài. Tỷ lệ kín giường bệnh tại các cơ sở được chỉ định chữa trị bệnh nhân COVID-19 hiện đã vượt 90% tại một số khu vực, trong khi hàng trăm nhân viên y tế cho kết quả dương tính, trong đó có một số trường hợp tử vong.

Trước đó ngày 1/7, Tổng thống Indonesia Widodo thông báo áp đặt lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp từ ngày 3-20/7 với các biện pháp nghiêm ngặt hơn tại 122 huyện và thành phố tại Java - hòn đảo tập trung 60% trong tổng số 270 triệu dân của Indonesia, cũng như tại Bali - hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng với hơn 4 triệu dân.

Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines ngày 2/7 thông báo 6.192 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 1.424.518. Số ca tử vong trong 24 giờ qua là 177, nâng tổng số ca tử vong lên 24.973.

Trong nỗ lực ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan và từng bước mở cửa nền kinh tế, Philippines mới đây đã mở đợt tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 35 triệu người lao động. Philippines đã nhận được hơn 9 triệu liều vaccine, hầu hết do công ty công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc cung cấp. Philippines cũng đã xét nghiệm cho hơn 14 triệu người trên tổng số 110 triệu dân, kể từ khi dịch bùng phát hồi tháng 1/2020.

Malaysia tình hình vẫn rất đáng quan ngại, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh suốt mấy tuần vừa qua. Trong ngày hôm qua, Malaysia có số ca bệnh mới đứng thứ hai trong khu vực, với 6.298 ca được ghi nhận cùng với 73 ca tử vong. Đến nay, số ca bệnh tại nước này đã lên tới 765.949 ca và số trường hợp tử vong hiện là 5.327 người.

Tại Thái Lan, ngày hôm qua, nước này có thêm 6.087 ca mắc COVID-19 mới và thêm 61 ca tử vong. Giới chức Thái Lan cũng cảnh báo tình hình dịch bệnh có thể tồi tệ hơn trong bối cảnh biến thể Delta hiện đang lây lan nhanh ở nước này.

Theo ông Kumnuan Ungchusak, cố vấn Bộ Y tế Thái Lan, số người tử vong do COVID-19 có thể lên tới 2.800 người trong tháng 9, tăng 900 người so với tháng trước.

Trong một nỗ lực nhằm giảm thiểu số bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, giới chức Thái Lan ngày 2/7 thông báo sẽ đẩy nhanh việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người già và những người dễ bị tổn thương về mặt y tế. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á ghi nhận số ca tử vong ở mức cao nhất trong 3 ngày liên tiếp.

Ban đầu nhà chức trách Thái Lan dự định tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các nhóm này đầu tiên, song sau đó vaccine được chuyển sang tiêm cho công nhân, các cộng đồng có số ca nhiễm lớn và người dân trên đảo Phuket trước khi mở cửa trở lại điểm du lịch này cho khách quốc tế trong tuần này.

Phát biểu với báo giới, quan chức y tế cấp cao Thái Lan Sopon Mekton cho biết từ nay đến cuối tháng 7 sẽ có ít nhất 50% số người già và những người có bệnh lý nền ở nước này được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ước tính hiện có khoảng 17 triệu người thuộc 2 nhóm này, song chỉ có 0,7%, tương đương 83.000 người trên 60 tuổi và 3,1% số người có bệnh lý nền đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19.

Tính đến nay, khoảng 2,8 triệu người trong tổng số hơn 66 triệu người dân Thái Lan đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. Thái Lan dự kiến sẽ nhận được 10 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca trong tháng này, song cho đến tháng 9 tới, chỉ có khoảng 5 triệu liều được đưa tới Thái Lan mỗi tháng.

Tại Campuchia, Bộ Y tế nước này ra thông cáo xác nhận trong ngày 2/7 có thêm 966 ca mắc mới và 32 người tử vong vì COVID-19, mức cao nhất từ trước đến nay. Trong số các ca mắc mới có 192 ca nhập cảnh và 774 ca lây nhiễm cộng đồng. Như vậy, Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 52.350 ca mắc COVID-19, trong đó 45.508 người đã khỏi bệnh và 660 người tử vong.

Trước diễn biến xấu của dịch COVID-19 trong nước và số ca nhập cảnh mắc bệnh ngày càng nhiều, gây lo ngại về biến thể Delta xâm nhập và lây lan nhanh, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã kêu gọi lao động Campuchia tại Thái Lan nên ở nguyên tại chỗ, không nên vội vàng đổ về nước trong lúc này để tránh làm lây lan dịch bệnh.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khu-vuc-dong-nam-a-dang-la-diem-dich-nong-nhat-chau-a-post142112.html