Khu vực khai quật khảo cổ học trong nội Thành nhà Hồ

Ngày 24-1, tại huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức hội nghị đầu bờ báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích Thành nhà Hồ trong năm 2020.

Khu vực khai quật khảo cổ học trong nội Thành nhà Hồ.

Khu vực khai quật khảo cổ học trong nội Thành nhà Hồ.

Ngày 24-1, tại huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức hội nghị đầu bờ báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích Thành nhà Hồ trong năm 2020.

Tham dự có Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Hoàng Đạo Cương; lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cùng đông đảo các nhà khoa học, khảo cổ học, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử.

Năm vừa qua, cơ quan chuyên môn tiến khai khai quật khảo cổ học tổng diện tích 8.000m2 tại hai hố khai quật ký hiệu 20.TNH.H1 (4.500m2) và 20.TNH.H2 (3.500m2). Kết quả bước đầu cho thấy, về cơ bản địa tầng và tầng văn hóa ở các hố khai quật năm 2020 tương tự như các hố khai quật từ năm 2004 và 2010 với các dấu tích kiến trúc, các lớp đất đắp gia cố thời Hồ và Lê Sơ. Cơ quan chuyên môn đã xác định được bốn dấu tích kiến trúc thời Hồ, hai lớp kiến trúc thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng với các di tích móng cột gia cố, bó nền, nền kiến trúc; tìm thấy nhiều loại vật liệu kiến trúc như: Gạch trang trí hoa cúc, hoa sen, hoa đồng tiền thời Lý-Trần, hoa dây thời Lê sản xuất tại Thăng Long, gạch vuông, gạch chữ nhật, gạch có in chữ Hán được sản xuất tại Thành nhà Hồ cùng nhiều mảnh gốm men thời Trần-Hồ và thời Lê Sơ.

Đối chiếu thư tịch, đặc biệt là khu vực Nền Vua (hố 20.TNH.H1) xuất lộ một tổ hợp kiến trúc tương đối hoàn chỉnh, bao gồm kiến trúc chính ở trung tâm, phía trước có hai kiến trúc cổng và dấu tích hệ thống hành lang bao quanh. Từ tên gọi Nền Vua cùng vị trí, quy mô, bố cục kiến trúc, có thể đây là kiến trúc quan trọng bậc nhất ở khu trung tâm của kinh đô nhà Hồ. Với hố khai quật phía Đông (hố 20.TNH.H2) bước đầu nhận diện được năm đơn nguyên kiến trúc thời Hồ, bao gồm một kiến trúc chính ở trung tâm có chín gian, kết hợp với một số kiến trúc có quy mô nhỏ hơn, hệ thống dấu tích hành lang bao quanh được xây cất quy chuẩn, cẩn thận và dấu tích kiến trúc triều Hồ được nối tiếp thời Lê Sơ, Lê Trung Hưng.

Với kết quả khai quật năm 2020, các nhà khoa học, khảo cổ học cho rằng đây là nguồn tư liệu mới, có giá trị lịch sử, văn hóa rất cao, góp phần tìm hiểu kiến trúc Thành nhà Hồ qua các thời kỳ lịch sử tại khu vực Chính điện và phía Đông thành; tạo cơ sở phục vụ các dự án nghiên cứu, khôi phục kiến trúc Thành nhà Hồ trong những năm tới. Thứ trưởng VHTT&DL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: Việc khai quật khảo cổ được tiến hành bài bản, nghiêm túc, khoa học và kết quả thu được tiếp tục khẳng định giá trị to lớn và nổi bật của Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ. Các đơn vị có liên quan cần sớm hoàn thiện báo cáo khai quật, trong đó ghi nhận chính xác hiện trạng, kết quả khai quật thời gian qua; đồng thời có biện pháp bảo vệ, bảo quản các hiện vật, các hố khai quật. Thứ trưởng Bộ VHTT&DL đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn di sản, chú trọng khắc phục tình trạng sạt lở các đoạn tường thành, giải phóng mặt bằng phần diện tích đất canh tác trong lòng di sản, tiếp tục triển khai công tác khai quật khảo cổ học đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát huy giá trị di sản.

MAI LUẬN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/di-san/khu-vuc-khai-quat-khao-co-hoc-trong-noi-thanh-nha-ho-632829/