Khu vực kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ phải được ngăn cách với khu vực để ở

Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quy định, nhà ở kết hợp kinh doanh, khu vực kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ phải được ngăn cách với khu vực để ở.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sáng 28/8. (Ảnh: DUY LINH)

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sáng 28/8. (Ảnh: DUY LINH)

Sáng 28/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Quy định đầy đủ hơn về phòng cháy đối với nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh

Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, dự thảo lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý có 61 điều, giảm 4 điều do chỉnh lý, ghép các nội dung quy định có tính tương đồng.

Về phòng cháy với nhà ở, ông Tới cho hay, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở, nhà ở, nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà cho lưu trú, nhà cao tầng, khu chung cư, trung tâm đô thị lớn.

Có ý kiến đề nghị tách thành 2 điều quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; đồng thời bổ sung các quy định, giải pháp mang tính đột phá trong công tác phòng cháy đối với các loại hình này, nhất là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới. (Ảnh: DUY LINH)

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới. (Ảnh: DUY LINH)

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An Ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu tách nội dung này ở Điều 18 về phòng cháy đối với nhà ở và Điều 19 về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh. Đồng thời, bổ sung quy định đầy đủ, phù hợp hơn đối với hai loại hình này tại dự thảo bảo đảm yêu cầu về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn.

Theo đó, Điều 19 quy định nhà ở kết hợp kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn, trong đó khu vực kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ phải được ngăn cách với khu vực để ở.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) bày tỏ tán thành với quy định nói trên, bởi thực tế ở một số vụ cháy vừa qua, giữa khu vực kinh doanh và nhà ở không có sự ngăn cách nên khi xảy ra cháy gây hậu quả lớn.

Nhắc đến tình trạng cháy nổ diễn biến phức tạp ở các khu đô thị và nơi đông người, đại biểu nhấn mạnh yêu cầu sớm hoàn thiện Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn để bảo đảm các điều luật khi vào thực tiễn dễ áp dụng, chặt chẽ, có tính răn đe với chủ kinh doanh các công trình.

Tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy không được làm khó người dân và doanh nghiệp

Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) nhận định hệ thống các tiêu chuẩn, quy định về phòng cháy chữa cháy đã góp phần định hình hệ thống quy định, kỹ thuật, giảm rủi ro và thương vong.

Theo thống kê, các bộ, ngành đã xây dựng 230 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, nhưng đại biểu Ngọc nêu bất cập khi có tiêu chuẩn vừa được ban hành đã được thay đổi bằng tiêu chuẩn mới, thậm chí “3 năm 3 quy chuẩn”, chỉ việc đọc và hiểu các tiêu chuẩn đã rất khó khăn cho triển khai thực hiện.

“Một số tiêu chuẩn thiếu thực tế, không có tính khả thi, do đó các bộ ngành cần phối hợp rà soát, sửa đổi các tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy đảm bảo thống nhất, tránh gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân”, đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình). (Ảnh: DUY LINH)

Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình). (Ảnh: DUY LINH)

Nữ đại biểu đoàn Hòa Bình cũng đề cập tình trạng xây dựng nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ không theo quy hoạch, không phép, sai phép không bảo đảm quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cháy cho công trình, xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả thương tâm.

Nơi xảy ra cháy thường là chung cư xuống cấp, dịch vụ karaoke, nhà trọ, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà ở ngõ hẻm, ngách nơi chứa chất dễ cháy.

Từ thực tế đã nêu, đại biểu Ngọc đề nghị phân biệt rõ, các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh dễ cháy nổ cần quy định khắt khe về phòng cháy chữa cháy, không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy phải chuyển hình thức sản xuất kinh doanh. Còn với cơ sở sản xuất ít xảy ra cháy, dễ dàng cứu chữa, quy định về quy chuẩn có thể dễ hơn để giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) cũng nêu thực tế là tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy đang quy định quá cao khiến doanh nghiệp rất sợ.

“Có doanh nghiệp chỉ đầu tư 1 tỷ đồng nhưng nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy chữa cháy phải mất 2-3 tỷ đồng, lớn hơn nhiều tiền đầu tư”, ông Minh đặt vấn đề không biết luật lần này có giải quyết được bất cập vừa nêu hay không.

Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ được trình Quốc hội tiếp tục thảo luận và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới.

VĂN TOẢN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khu-vuc-kinh-doanh-co-nguy-co-chay-no-phai-duoc-ngan-cach-voi-khu-vuc-de-o-post827218.html