Khu vực kinh tế hợp tác sẽ có nhiều khởi sắc
Năm nay và trong thời gian tới, khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) được kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc, TS. Đỗ Mạnh Khởi, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết trước thềm Diễn đàn Kinh tế hợp tác - hợp tác xã năm 2023.
Năm nay, khu vực doanh nghiệp đối mặt rất nhiều khó khăn, vậy khu vực kinh tế tập thể thì sao, thưa ông?
Dự kiến, đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng 31.700 HTX, 158 liên hiệp HTX và 73.000 tổ hợp tác. Về số lượng, số HTX tăng khoảng 8%, liên hiệp HTX tăng 26,4% và tổ hợp tác tăng 2,8%. Tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 1.718 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất - kinh doanh, có trên 4.339 HTX nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản cho thành viên, chiếm 24,5% tổng số HTX nông nghiệp. Như vậy, khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã càng ngày càng đi đúng hướng, bởi tỷ lệ này trước năm 2015 chỉ đạt 5-7%.
Nhưng thưa ông, đó chỉ là bề nổi. Thực chất hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể như thế nào?
Chỉ có thể dùng từ “rất ấn tượng” để nói về hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, bởi bất chấp khó khăn của khu vực doanh nghiệp, năm 2022, các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể đều tăng rất ấn tượng so với năm trước.
Cụ thể, doanh thu bình quân tăng 35%, lãi bình quân tăng 71% so với năm 2021. Thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên đạt 56 triệu đồng, tăng 4%.
Tuy nhiên, cũng như khu vực doanh nghiệp, năm 2022, khu vực kinh tế hợp tác gặp khó khăn, phải cơ cấu lại hoạt động sản xuất - kinh doanh, buộc phải cho khoảng 9% số người lao động chính thức (có hợp đồng lao động) nghỉ việc, nên tổng số lao động làm việc trong khu vực kinh tế hợp tác năm 2022 ước khoảng 976.300 người.
Ông có thể giải thích, vì sao khu vực kinh tế hợp tác vẫn phát triển, trong khi khu vực doanh nghiệp gặp khá nhiều khó khăn?
Hoạt động sản xuất của nước ta phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu. Từ tháng 10/2022, hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn và bắt đầu suy giảm so với cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài “thống trị” mảng xuất khẩu của Việt Nam, nên khi thị trường thế giới gặp biến, xuất khẩu suy giảm, thì lập tức doanh nghiệp gặp khó khăn. Trong khi đó, khu vực kinh tế tập thể, HTX chủ yếu xuất khẩu hàng nông sản. Từ đầu năm đến nay, hàng nông, lâm sản xuất khẩu đem về 20,6 tỷ USD, tăng 11,2% và chiếm gần 8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Xuất khẩu tăng là một trong những nguyên nhân khiến khu vực kinh tế hợp tác tiếp tục đà tăng trưởng.
Một nguyên nhân nữa, cùng được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; gia hạn, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất... như khu vực doanh nghiệp, nhưng khu vực kinh tế tập thể, HTX tuyệt đại đa số có quy mô nhỏ, nên hoạt động linh hoạt hơn, các chính sách dễ được thực thi hơn.
Cụ thể, khu vực kinh tế hợp tác đã được hỗ trợ những gì kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, thưa ông?
HTX, liên hiệp HTX cũng được hưởng các chính sách hỗ trợ về gia hạn thời gian nộp thuế, giảm lãi suất tiền vay 2%/năm, giảm tiền thuê đất...
Theo khảo sát của Liên minh HTX cấp tỉnh, tính đến thời điểm cuối năm 2022, có 83,6% tổng số HTX nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản được giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước; hơn 104.000 lao động trong khu vực HTX được hỗ trợ 76 tỷ đồng tiền thuê nhà; khoảng 81,7% tổng số HTX và người lao động được gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Trên 12% tổng số HTX được giảm thuế giá trị gia tăng; hơn 74% tổng số HTX vận tải được giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Các HTX vay vốn tại ngân hàng thương mại được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; một số ít HTX nông nghiệp, vận tải, du lịch vay vốn tại ngân hàng thương mại được giảm lãi suất 2%. Bên cạnh đó, có 252 HTX, liên hiệp HTX vay vốn ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam và các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, thành phố để phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Cũng theo khảo sát kể trên, đã có khoảng 401.000 lao động trong khu vực kinh tế hợp tác được hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, với số tiền 211 tỷ đồng. Năm 2023, nhiều chính sách hỗ trợ này được tiếp tục áp dụng và khu vực kinh tế hợp tác cũng được thụ hưởng bình đẳng như doanh nghiệp.
Ông kỳ vọng gì vào sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX?
Khu vực kinh tế tập thể, HTX chắc chắn sẽ phát triển, bởi Luật Hợp tác xã năm 2023 đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Luật Hợp tác xã năm 2023 có rất nhiều điểm mới so với luật hiện hành, như hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên; mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho kinh tế tập thể, HTX phát triển; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh tế tập thể; cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ...
Trong đó, chính sách hỗ trợ, chính sách mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho kinh tế tập thể, HTX phát triển rất được quan tâm. Luật trao quyền cho HTX, liên hiệp HTX tự quyết định việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài, sau khi đáp ứng đủ nhu cầu của thành viên, phát triển thị trường bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác. Khi HTX được rộng cửa cung cấp hàng hóa, dịch vụ ra xã hội, thì hoạt động năng động hơn, hiệu quả hơn.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khu-vuc-kinh-te-hop-tac-se-co-nhieu-khoi-sac-d200905.html