Khu vui chơi dành cho trẻ em còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn!

Chỉ trong vòng chưa đến 4 tháng, liên tiếp 2 vụ tai nạn đuối nước trẻ em xảy ra tại công viên nước Thanh Hà (đặt tại khu đô thị Thanh Hà - Mường Thanh thuộc phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội) - nơi được cho là có cơ sở vật chất hiện đại hàng đầu miền Bắc. Điều này đủ gióng lên hồi chuông cảnh báo về những bất cập trong công tác đảm bảo an toàn tại các khu vui chơi nói chung và khu vui chơi dành cho trẻ em nói riêng...

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực nhằm cung cấp góc nhìn đa chiều, mổ xẻ những tồn tại trong công tác quản lý cũng như vận hành các khu vui chơi dành cho thiếu nhi, từ đó tư vấn những kiến thức cũng như kỹ năng cần thiết để những sự cố đáng tiếc như vừa qua sẽ không còn lặp lại.

Bà Lê Quỳnh Lan - Quản lý kỹ thuật Chương trình trẻ em và giới, Tổ chức Plan International tại Việt Nam:

Cần đánh giá những yếu tố rủi ro của các loại hình vui chơi theo độ tuổi!

Thưa bà, vừa qua tại Công viên nước Thanh Hà xảy ra liên tiếp hai vụ trẻ em đuối nước. Bà bình luận gì về sự việc này?

Với 2 trẻ em vui chơi cùng tử vong ngay tại một công viên nước thì đây là vấn đề đáng báo động một cách nghiêm trọng vì thiếu đi những biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ. Mặc dù đây là khu vui chơi có đủ các điều kiện cơ sở vật chất nhưng có lẽ còn thiếu những quy định, những con người được đào tạo hướng dẫn an toàn cho trẻ em nên mới để xảy ra hai vụ đuối nước trong vòng ít tháng.

Câu chuyện này cũng liên đới trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cấp phép và giám sát doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ vui chơi nói chung và đặc biệt vui chơi cho trẻ em nói riêng. Các đơn vị, tổ chức cung cấp dịch vụ này cần phải đảm bảo các yếu tố an toàn cho người đến vui chơi. Tôi nghĩ đây là một lỗ hổng khá lớn trong công tác quản lý các điểm cung cấp các dịch vụ cho trẻ em tại Việt Nam hiện nay.

Trước đó, ngày 2.6.2019, công viên này đã phải đóng cửa vì có một bé trai 3 tuổi đuối nước tại khu vực sông lười. Rõ ràng để xảy ra một trường hợp trẻ em đuối nước nhưng chưa có sự thay đổi về quản lý cũng như nhắc nhở, giám sát doanh nghiệp để tiếp tục xảy ra một vụ việc nữa cho thấy các cơ quan quản lý chưa làm hết trách nhiệm của mình.

Sau sự cố trẻ chết đuối, Công viên nước Thanh Hà treo biển tạm đóng cửa (Ảnh chụp ngày 26.9)

Sau sự cố trẻ chết đuối, Công viên nước Thanh Hà treo biển tạm đóng cửa (Ảnh chụp ngày 26.9)

Hiện Việt Nam đã có những văn bản pháp luật hay những quy định về đánh giá đảm bảo an toàn cho các khu vui chơi, đặc biệt là công viên nước chưa, thưa bà?

Hiện nay các khu vui chơi đông người đã có quy định nhưng đó là các quy định đảm bảo an toàn nói chung. Trẻ em là đối tượng đặc biệt nên các quy định đảm bảo an toàn ở các khu vui chơi dành cho trẻ em phải tách riêng.

Bên cạnh đó, việc quy định trách nhiệm giữa các đơn vị vẫn có lỗ hổng. Đối với trẻ em bất cứ lỗ hổng nào đó hay bất cứ sự bất cẩn nào đó hoàn toàn dẫn đến rủi ro và hậu quả đáng tiếc.

Ở hồ bơi, bể bơi có những quy định về người cứu hộ, nhưng đối với công viên nước lớn như vậy với nhiều địa điểm ngóc ngách, không biết các quy định có được áp dụng ở những hạng mục khác ngoài bể bơi hay không?!

Với kinh nghiệm là một tổ chức làm về vấn đề bảo vệ trẻ em, tôi cho rằng, các khu vui chơi cho trẻ em trước khi đưa vào hoạt động, cần đánh giá rủi ro và có biện pháp quản lý rủi ro cụ thể.

Tôi cho rằng, trước khi cấp phép hoạt động cho các khu vui chơi trẻ em, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vui chơi cho trẻ em cần có những đánh giá rủi ro để đưa ra những cảnh báo và có những biện pháp rất cụ thể, nhằm đảm bảo an ninh an toàn.

Trong trường hợp là các khu vui chơi như công viên nước cho trẻ em thì cần phải đánh giá những nguy cơ rủi ro có thể xảy ra đuối nước ở tất cả các hạng mục, các khu vực vui chơi, các nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích, thậm chí cả nguy cơ bị xâm hại tình dục…

Ở các đô thị khác trên thế giới, quy trình đánh giá rủi ro tại các khu vui chơi trẻ em được thực hiện như thế nào và cơ quan nào chịu trách nhiệm, thưa bà?

Mỗi một quốc gia có những cơ quan quản lý khác nhau đối với địa điểm công cộng hay các khu vui chơi.

Ở các nước phát triển, bất cứ nơi đông người nào đều có những quy định đảm bảo an toàn rất rõ ràng. Đặc biệt, đối các khu vui chơi liên quan đến trẻ em thì sẽ có những cơ quan giám sát, cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý trẻ em bên cạnh cơ quan quản lý nhà nước về các dịch vụ đó.

"Hiện, khu vui chơi giải trí, nhất là khu vui chơi dưới nước, chúng ta không có các thông tư hoạt động, hướng dẫn. Chúng ta mới chỉ có cấp phép hoạt động cho bể bơi, trong khi những bể như bể tạo sóng, máng trượt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn thì lại không có thông tư hướng dẫn về việc đánh giá, cấp phép", một đại diện Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội trả lời Zing.vn.

Đó có thể là bộ phúc lợi xã hội hoặc trẻ em - những cơ quan chuyên môn tham gia vào quá trình giám sát và quá trình xây dựng tiêu chí tiêu chuẩn an toàn cho các khu vui chơi và quy định độ tuổi rõ ràng tại từng khu vui chơi.

Để những vụ tai nạn đáng tiếc như vừa rồi không còn lặp lại, theo bà thì cần phải làm gì?

Vấn đề an toàn đối với trẻ em trở thành tiêu chí đầu tiên của bất kỳ dịch vụ nào mở ra để cung cấp cho trẻ em phải được nhắm đến. Tôi nghĩ là các cơ quan quản lý nhà nước, cấp phép các khu vui chơi, có thể liên quan đến ngành văn hóa thể thao và du lịch nhưng cơ quan đó không có đủ các chuyên môn liên quan đến bảo vệ trẻ em, cho nên theo tôi cần có sự vào cuộc của ngành thương binh xã hội (Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội, các phòng thương binh xã hội ở các địa phương...), các cơ quan liên quan như công an, đoàn thanh nhiên tham gia vào quá trình giám sát và xây dựng các tiêu chí về an toàn.

Đối với vấn đề an toàn về cơ sở vật chất, cần đánh giá những yếu tố rủi ro của các thiết bị vui chơi theo độ tuổi. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động giám sát chặt chẽ và kiểm tra định kỳ thường xuyên và đột xuất trong suốt quá trình các khu vui chơi đi vào hoạt động.

Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức của xã hội nói chung và người lớn nói riêng, cần quan tâm và đặt vấn đề an toàn cho trẻ em lên hàng đầu, cần nhìn nhận trẻ em là đối tượng bảo vệ đặc biệt.

Cùng với trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ, cha mẹ, phụ huynh và người giám hộ cần giám sát chặt chẽ trong quá trình trẻ vui chơi để đảm bảo an toàn.

Ông Lê Đức Long - Trưởng bộ môn bơi lội, Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh:

Giám sát chặt chẽ khi cho trẻ bơi

Thưa ông, khi trẻ em tham gia các hoạt động vui chơi dưới nước, những nguy cơ nào có thể xảy ra?

Nguy cơ xảy ra khi tham gia các hoạt động đuối nước, đặc biệt với trẻ em có nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Các yếu tố khách quan có thể do khu vui chơi giải trí chưa đảm bảo an toàn về cơ sở vật chất ví dụ như các trò chơi chưa đảm bảo an toàn và chưa kiểm tra, hỏng hóc nhưng chưa được bảo trì, sửa chữa. Rồi đến các biển báo, rào chắn chưa được thiết kế phù hợp để ngăn các khu vực đảm bảo an toàn đối với trẻ em.

Ngoài ra, khu vui chơi chưa đảm bảo an toàn vệ sinh do đông người bơi hoặc do xử lý nước chưa được tốt, hoặc các hệ thống âm thanh để nhắc nhở người vui chơi chưa được trang bị hoặc người sử dụng hệ thống âm thanh chưa giám sát hết nội dung.

Đặc biệt, cũng có thể do sự giám sát của nhân viên cứu hộ, có thể chưa đủ năng lực trong quá trình làm việc thiếu trách nhiệm chưa giám sát hết hoạt động của người vui chơi đặc biệt đối với trẻ em. Nguyên nhân nữa là xử lý sự cố chưa kịp thời hoặc chưa có kiến thức nên công tác xử lý sự cố chưa được hợp lý .

Nguyên nhân chủ quan là do người tham gia vui chơi, trẻ em rất hiếu động hoặc do trẻ em bị các bệnh lý không đảm bảo khi tham gia vui chơi ở dưới nước, đặc biệt là do trẻ em không chấp hành các nội quy nguyên tắc đảm bảo an toàn và các nội quy của bể bơi.

Xét về hai nguyên nhân này, theo đánh giá về vấn đề chuyên môn, chủ yếu là do sự giám sát chưa được tốt khi đưa trẻ đi chơi ở các khu vui chơi giải trí này.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia các khu vui chơi giải trí dưới nước, theo ông cần quan tâm điều gì?

Thứ nhất luôn kiểm tra kỹ các cơ sở vật chất để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia khu vui chơi. Cụ thể các cơ sở tổ chức các khu vui chơi giải trí phải được cấp phép hoặc được sự giám sát của các đơn vị cơ quan chức năng để làm sao đảm bảo cho trẻ được vui chơi an toàn.

Thứ hai là khi trẻ vui chơi trong môi trường nước cần thiết phải có sự giám sát chặt chẽ của người lớn, đặc biệt là nhân viên cứu hộ ở các bể bơi đều phải được tổ chức tập huấn thường niên và phải đảm bảo vấn đề chuyên môn làm sao nhắc nhở các trẻ em khi vui chơi được đảm bảo an toàn. Nếu như có sự cố xảy ra thì trực tiếp các nhân viên cứu hộ phải biết xử lý để xử lý tình huống.

Phụ huynh khi đưa trẻ em tham gia ở các khu vui chơi giải trí này thì phụ huynh phải nắm được tình hình của trẻ. Trẻ bị bệnh lý không phù hợp với đi bơi thì không nên cho trẻ đi bơi. Trẻ mệt mỏi cũng không nên cho trẻ đi bơi hoặc khi trẻ quá no, hoặc quá đói đều không nên cho trẻ đi bơi. Trong quá trình bơi cũng yêu cầu trẻ mặc trang phục bơi cho phù hợp.

Cái quan trọng nhất là đối với các bậc phụ huynh, các cơ sở tổ chức hoạt động vui chơi cần làm sao trang bị kiến thức, kỹ năng để làm sao để cho trẻ được an toàn.

Thời điểm xảy ra sự cố đuối nước chỉ có 4 cứu hộ

Ông Dương Ngọc Thỏa, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lương (quận Hà Đông, Hà Nội), cho biết ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn đuối nước ngày 22.9.2019, UBND phường Phú Lương đã tiến hành và lập biên bản, đình chỉ hoạt động của Công viên nước Thanh Hà.

Chính quyền phường cho rằng, đã hoàn thành các nội dung thuộc thẩm quyền, còn Công viên nước Thanh Hà đủ điều kiện về mặt quản lý Nhà nước.

Ông Dương Ngọc Thỏa, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lương.

Ông Dương Ngọc Thỏa, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lương.

Theo ông Thỏa, chính quyền phường, quận chỉ quản lý khi công ty đã đủ điều kiện hoạt động. Bởi, kinh doanh khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em là một trong những loại hình kinh doanh có điều kiện.

Khi Công ty TNHH Dịch vụ giải trí và thể thao Thanh Hà trình các giấy tờ liên quan, như giấy chứng nhận công ty đã đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao do Sở Văn hóa và Thể thao cấp, trong đó có hoạt động của bể bơi tại khu lô đất A22- KĐT Thanh Hà và giấy tờ về nhân sự, đào tạo tập huấn và các trang thiết bị liên quan… về cơ bản công ty đã đủ điều kiện để hoạt động.

Về cấp phép cũng như quản lý về các điều kiện an toàn, là thuộc thẩm quyền thuộc Sở Văn hóa và Thể thao. Tuy nhiên mới đây, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao trả lời báo chí lại cho rằng, đó chưa phải là cơ quan cuối cùng cấp phép cho khu vực sông Lười, và không thuộc thẩm quyền của Sở này, trong khi sông Lười là một thành phần thuộc khuôn viên Công viên nước Thanh Hà.

"Theo chúng tôi, khi Sở đã cấp phép cho các hoạt động trong khuôn viên công viên đó thì chắc chắn không thuộc thẩm quyền của phường, cũng không thuộc thẩm quyền của quận mà từ cấp Sở", Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lương cho hay.

Nguyên nhân vụ việc vẫn đang được điều tra, làm rõ tuy nhiên, theo thông tin Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lương thì tại thời điểm xảy ra sự cố, chỉ có 4 cứu hộ đang làm việc. Ngoài ra, người trực camera cũng có một phần thiếu trách nhiệm, nếu như theo dõi sát sao màn hình camera quan sát có thể phát hiện kịp thời.

Minh Hân

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/khu-vui-choi-danh-cho-tre-em-con-tiem-an-nhieu-nguy-co-mat-an-toan-20714.html