Khu vườn tuổi thơ tôi

Tuổi thơ dường như ai cũng có một khu vườn của riêng mình. Chốn yêu thương ấy luôn chất chứa rất nhiều kỷ niệm.

Đó có thể là câu chuyện mẹ kể về sự tích chim đại bàng đến ăn khế ngọt rồi đền ơn bằng vàng thỏi. Hay là một khu rừng có cô công chúa xinh đẹp đang ngủ mơ màng chờ ngày hoàng tử đến đánh thức mà kết thành đôi. Hoặc trong một buổi sớm mai đầy nắng, có mấy đứa trẻ tung tăng đùa giỡn, rồi chặt vài tàu lá chuối lợp thành căn chòi nhỏ trên một góc vườn xa xa để chơi đồ hàng náo nhiệt.

Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

Tôi cũng có một khu vườn trong ký ức. Trìu mến đặt cho tên gọi là “khu vườn tuổi thơ tôi”. Nó đơn sơ, không giống như trong chuyện cổ tích, mà gần gũi tựa như còn vương vấn đâu đây.

Căn nhà bông so đũa ngó ra bờ hồ gió lộng. Phía sau là một mụ quýt gai góc đầy mình. Cạnh đó là hai con bưởi sinh đôi, một nằm cạnh bờ mương và đứa còn lại sống giữa liếp. Chị em nó chẳng thuận thảo chút nào. Bởi đứa cạnh bờ mương thì xanh tươi, rồi còn bày đặt ngã ngớn xuống mặt nước mà phất phơ cành lá vui đùa mỗi ngày. Con kia sống trên đất thịt mà lại èo uột hơn. Vậy là hục hặc. Mỗi khi gió lên là chúng đưa giọng chê bai lẫn nhau, đứa thì nói mày chẳng mơn mởn nên thua chị kém em, kẻ trêu chọc lại thân bà dị tật mà õng ẹo soi bóng nước làm dáng khó ưa.

Mụ quýt già lắm rồi, sống cô đơn bên bờ mương đối diện với hai con bưởi. Tuy vậy, có năm mụ cũng mơn mởn lên thấy rõ. Rồi do sung sức nên mụ đẻ trái khá nhiều làm lắm kẻ thèm thuồng. Hẳn nhiên da thịt mướt mượt hơ hớ là do ông chủ tẩm bổ bằng một mớ sình bùn dưới đáy nước nên mới hồi xuân như vậy. Nói thật, không phải riêng mụ mà cho cả vườn. Mụ quýt vốn chẳng ưa hai con bưởi do chúng ngon ngọt lắm. Ngày xưa, khi bưởi to, bưởi nhỏ chưa về đây thì ông chủ quan tâm đến mụ lắm. Trưa nào cũng ra thăm còn với tay hái mấy trái xuống để nhấm nháp. Đến lúc có hai đứa sinh đôi kia thì ông ta lơ là mụ thấy rõ. Mùa trái đến, ông ra thăm thú mấy đứa “gái tơ” rồi còn leo lên thân con bưởi to nằm cạnh bờ mương mà vuốt ve, âu yếm ra chiều quan tâm lắm. Rồi lâu lâu lại vặt xuống một quả to mà chóp chép rồi còn quăng vỏ về phía mụ. Có năm, mụ sum suê là vậy mà ông cũng chẳng đoái hoài mấy. Chắc bởi cái bản tính chua loét cố hữu không bỏ được của mụ chứ đâu nữa.

Rồi mụ giận. Nhưng đâu làm gì được nên đành tâm sự cùng ả hạnh gần bên. Ả kia nói, chị còn được ông chủ đến thăm chứ như em đây thì có bao giờ ông ấy nhìn đâu. Thôi thì mụ cũng được an ủi phần nào. Mà không nhìn đến ả là phải rồi. Thân mình thì cứ tong teo, gai góc tua tủa. Chơi chung với mụ quýt nên tính tình cũng chanh chua không bao giờ thấy ngon ngọt với ai cả. Nghĩ đến là phát chán. Hỏi ông chủ thương sao nổi.

Nghe bọn nhỏ nói, lão sầu riêng già gần đó cũng than thở, tao sống bao nhiêu năm ở mảnh đất này mà ông ấy tưởng chừng như không có mặt. Mà cũng phải thôi, cái thân ốm yếu gần đất xa trời nên bất lực có cho nổi trái nào đâu. Ông chủ còn nuôi là may mắn lắm rồi, dám đòi hỏi gì thêm. Không khéo ông ấy cho vài nhát búa là đi đốt lò như chơi. Thôi biết thân biết phận mình vậy. Đoạn lão nói một mình: “Bưởi to, bưởi thơm tho hỏi làm sao không thích. Ai như bọn mày còm nhom, nhỏ xíu nhìn phát chán, ai mà thèm!”

Nghe vậy, thằng xoài cát phía bên kia bờ mương rung lá mà cười ha hả. Bởi nó cũng thuộc dạng được cưng chìu. Vì biết làm ngọt và cũng khá thơm tho nên ông chủ cũng ưu ái lắm. Thêm nữa, khu vườn chỉ có mình nó là loại thịt ngon nên làm sao không thương cho được. Bởi còn lại chỉ thấy mấy thằng xoài thanh ca nhỏ xíu hay là xoài hôi nên chán phèo.

Lẻ loi nhất có lẽ là lão khế ở tuốt ngoài cuối vườn. Thân thể thì tàn tạ, còn trái cứ chát chát, chua chua chẳng ai muốn nếm thử. Cho nên cứ lây lất, thui thủi một mình mà trơ cùng tuế nguyệt. Gần đó, còn có cụ bưởi da xanh ruột hồng nhưng không hợp thổ nhưỡng nên cho trái cứ đắng nghét nên ông chủ cũng chẳng thèm đoái hoài. Đáng lẽ cả hai phải ở cùng với lão sầu riêng già mới đúng. Để mà than thở rồi an ủi với nhau rằng ông chủ còn nuôi ngày nào là may mắn ngày ấy. Đừng có trách phận làm chi mà chẳng được gì.

Vô tư nhất có lẽ là đám dừa và chuối. Bởi vì chúng nó đông lại có giá trị kinh tế nên cứ nhởn nhơ chẳng thèm quan tâm đến ai cả. Vậy mà ông chủ thương lắm. Lâu lâu lại móc mương quăng lên đùng đùng vun gốc chuối để cho buồng sum suê. Hay khi khác lại mướn người đến dọn dẹp, rửa cổ dừa cho sạch để dễ đơm bông kết trái. Bởi còn câu có phần không cần gì lo là vậy. Lâu lâu, ông chủ lại nhắn mấy bà hàng đến mà bán vài buồng chuối, ít chục dừa cùng mớ xoài cát để lo một ít nhu yếu phẩm trong nhà và cải thiện bữa ăn gia đình.

Về đây. Để nghe. Nghe tôi kể rằng, ở bên hồ, có căn nhà bông so đũa. Một ả quýt già thỉnh thoảng lại hồi xuân. Cùng mấy con bưởi tơ thơm ngon, ngọt lành. Với thằng xoài cát kêu ngạo nhưng dễ thương. Và đám dừa trái có cái thứ nước thanh thanh bên cạnh mấy khóm chuối trái no tròn, ngọt hương dân dã. Và còn nữa … còn nữa … trong khu vườn tuổi thơ tôi...

Chuyện Làng Quê

Lê Trung Lương

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/khu-vuon-tuoi-tho-toi-a16253.html