Khuất một cây đa cây đề

Trong làng điện ảnh xứ ta, diễn viên Thế Anh, người vừa qua đời lúc sáng sớm 29.9, là một nhân vật mang tính biểu tượng. Ông là người của một thời, lôi cuốn khá nhiều thế hệ, lứa tuổi, cả miền Bắc lẫn trong Nam sau này.

Diễn viên Thế Anh với chiếc răng khểnh 'lừng lẫy' - Ảnh: Internet

Diễn viên Thế Anh với chiếc răng khểnh 'lừng lẫy' - Ảnh: Internet

Đám thanh niên ở miền Bắc những năm 60 - 70 hầu như đều biết ông, nhất là bọn con gái. Cũng như bọn trai choai choai chúng tôi mê cô Ái Vân - chị Nhung điện ảnh vậy. Trong cặp sách, sổ tay, bóp ví chúng tôi đứa nào cũng thủ ảnh Ái Vân, thì trong tài sản cũng như trái tim bọn nhi nữ luôn có ảnh chàng Thế Anh đẹp giai với cái răng khểnh. Giá như họ, Ái Vân và Thế Anh ấy, có bảo lao vào lửa, nhảy xuống giếng, chúng tôi cũng chẳng phân vân. Thế mới khiếp.

Thế Anh sừng sững giữa làng phim ảnh miền Bắc, cũng như Hùng Cường, Trần Quang, Chánh Tín, Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh... ở miền Nam vậy.

Tôi có người bạn gái rất thân hồi đầu những năm 70. Khi đoàn kịch nói trung ương (tức nhà hát kịch Việt Nam bây giờ) kéo nhau về Hải Phòng diễn, dựng rạp ở hồ Quần Ngựa, người ta tới coi rần rần. Vé 1 đồng vào rạp, nhiều buổi không còn chỗ. Người ta tới xem kịch một phần, phần kia là coi mặt idol của mình, những Thế Anh, Đoàn Dũng, Nguyệt Ánh, Trúc Quỳnh, Thanh Tú… Đêm đêm họ diễn, ban ngày các idol thả bộ thăm thú phong cảnh đất cảng. Bạn gái tôi ôm tập vở ra công viên Quần Ngựa học bài ôn thi, gặp ngay các bác idol, tha nhồ ngắm nhìn miễn phí, chiêm ngưỡng thỏa sức. Các bác khi ấy mới ngoài 30 thôi cũng được dịp trời cho tán tỉnh gái Phòng vốn rất đành hanh và xinh đẹp. Bác Đoàn có vẻ mê bạn tôi, thư đi tin lại mấy lần, còn bác Thế thì tôi không biết, nhưng chắc ối cô chết mê chết mệt bác í. Cuối cùng, đoàn kịch nhổ trại đi diễn nơi khác, tất nhiên mọi chuyện dừng lại ở đấy, chỉ còn những dư âm trong sổ tay, qua thư từ một thời gian nữa về sau. Giờ thì các bác đều đã ra người thiên cổ cả rồi, bác Đoàn Dũng đi trước, hôm nay tới lượt bác Thế Anh.

Thế Anh nổi tiếng với vai trung úy Phương vở Nổi gió của nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm, cả diễn kịch lẫn đóng phim, cùng một vai. Đương thời, cụ Đào là số 1 về kịch cách mạng. Vở Nổi gió được đưa vào sách giáo khoa, còn gọi là sách Trích giảng văn học, chương trình lớp 7, lớp cuối cấp 2. Hội diễn văn nghệ của nhà trường, hầu như mọi trường cấp 2 trên miền Bắc, thể nào cũng có tiết mục kịch Nổi gió. Lớp 7 tôi học cũng dựng trích đoạn này, thầy Ngô Minh Phất, giáo viên dạy văn, đồng thời là giáo viên chủ nhiệm, kiêm luôn phần đạo diễn. Thằng Trần Hùng dân thành phố sơ tán, nhà nó sát cầu Niệm, đẹp trai, lại có răng khểnh giống hệt răng Thế Anh, đóng vai trung úy Phương. Cái Hoàng Ngọc Châm, cũng gái sơ tán, cao lớn, đẹp ngời ngời, vai chị Vân. Thằng Cước (tôi phải gọi bằng chú, nhưng trong lớp thì thằng tuốt) vai lính Sáu. Gầy gò đen đúa xấu xí như tôi, tất nhiên thầy Phất chả để mắt. Coi bọn nó diễn, cả đám chúng tôi cứ há hốc mồm nuốt lấy từng lời. Khi thằng Hùng trung úy Phương tới thăm nhà tù chị Vân, thì thào “chị Vân, chị Vân, em đây, Phương đây” thì chị Vân - Trâm trừng mắt “Mày đâu phải em tao. Em tao là một thanh niên có lý tưởng, tiền bạc không thể mua chuộc, hư danh không thể làm mờ ám lương tâm”, rồi chị hát “Ta như con chim bay ngang trời, con cá lặn giữa biển khơi, ta cưỡi mây cưỡi gió, cưỡi sóng đại dương, ta đi khắp năm châu bốn biển”, cả đám khoái chí vỗ tay rầm trời. Cái Châm diễn khéo lắm, chả khác diễn viên Thụy Vân tị nào. Phải công nhận, những đứa sơ tán đều đẹp trai đẹp gái, tài hoa, hơn đứt đám ba đời bắt cua chúng tôi. Sau này, dứt bom, thằng Hùng về lại phố, nhưng nó bỏ học, có thời chữa xe đạp, rồi giàu lắm bởi kiêm buôn hàng lậu do thủy thủ tàu Vosco đánh về. Cái Châm đi học Liên Xô, làm chức to to ở Bộ Giáo dục, chẳng may bị ung thư mất sớm khi chưa đầy 50, ai cũng tiếc.

Hồi ấy theo thời thế, thấy vở Nổi gió quá lẫy lừng, nhưng bây giờ đọc lại ngẫm lại thì nghĩ khác. Cũng khuôn sáo ta thắng địch thua, thế ta là thế đứng trên đầu thù. Đẹp trai tài giỏi như trung úy Phương cuối cùng cũng tỉnh ngộ về với cách mạng. Văn học minh họa, phải đạo chỉ có thể dập vào khuôn đó, không khác được.

Nhiều người khen Thế Anh với đỉnh cao trung úy Phương, chứ theo tôi, đỉnh của idol Thế Anh phải là vai Dư trong phim Đường về quê mẹ của đạo diễn Bùi Đình Hạc, và vai bác sĩ Huy trong phim Tiền tuyến gọi của Phạm Kỳ Nam. Trong phim Đường về quê mẹ còn có Lâm Tới vai chính - anh chiến sĩ tên Núi, nữ nghệ sĩ Trúc Quỳnh vai bà mẹ, đều diễn hay tuyệt. Dư và Núi khiến lớp trẻ thấy "cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù". Tôi thích Dư cũng như Huy của Thế Anh chứ không thích trung úy Phương, càng không thích Ba Duy trong phim Mối tình đầu của đạo diễn Hải Ninh. Ba Duy chỉ là hình ảnh chắp vá và tạo dựng khá vụng về, bởi Thế Anh cũng như Hải Ninh chưa đủ thời gian để kịp hiểu con người Sài Gòn, không toát lên được chiều sâu của nhân vật. Sau này, có dịp gặp gỡ những con người thực Sài Gòn, tôi thấy đúng như vậy.

Hôm nay, Thế Anh đã về với bạn bè của ông ở thế giới bên kia. Tôi cầu nguyện cho ông, idol của thế hệ tôi, diễn thành công những vai mới nơi cõi vĩnh hằng, hoặc thỏa sức rong chơi, chứ không phải vất vả trong sân khấu tạm cuộc đời này, với vai thành vai bại.

Nguyễn Thông

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/khuat-mot-cay-da-cay-de-122302.html