Khuất tất trong bản án của TAND TP. Thủ Đức: Hợp đồng vô hiệu vì vi phạm luật cấm

Mặc dù Hợp đồng hợp tác (HĐ) giữa 2 đơn vị được ký kết trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định (NĐ) với những điều cấm, nhưng do việc thỏa thuận HĐ có hiệu lực xảy ra sau ngày NĐ đã có hiệu lực, vì thế các luật sư cho rằng: Hợp đồng đó vô hiệu.

Ngày 9/6, báo Nhà báo & Công luận có bài viết, "Cần làm rõ những khuất tất trong bản án của Tòa án nhân dân TP. Thủ Đức" với nội dung phản ánh về những vấn đề được cho là khuất tất trong bản án xét xử lại của Tòa án nhân dân TP. Thủ Đức.

Tranh chấp HĐ-01 liên quan đến 3 tòa chung cư tại phường An Khánh, Q. 2, TP. HCM.

Bài liên quan

TP. HCM: Cần làm rõ những khuất tất trong bản án của Tòa án nhân dân TP. Thủ Đức

Đây là vụ án kinh tế tranh chấp HĐ giữa Công ty Tân Việt An và Công ty Đức Mạnh đã được Tòa án nhân dân quận 2 (nay là TAND TP. Thủ Đức) xét xử sơ thẩm, TAND TP. HCM xét xử phúc thẩm và sau đó Tòa án cấp cao tại TP. HCM quyết định giám đốc thẩm.

Điểm chung của 2 bản án cùng quyết định giám đốc thẩm, được cả 3 cấp Tòa nhận định là 2 bên đều vi phạm hợp đồng, vì thế các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Vấn đề khác nhau là xác định thời gian tính lãi suất theo tỉ lệ ngân hàng.

Vi phạm luật cấm

Tuy nhiên, sau khi xét xử lại, TAND TP. Thủ Đức lại đưa ra những nhận định trái ngược hoàn toàn với nhận định của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. HCM và TAND TP. HCM cũng như trái ngược với nhận định của Tòa mình trước đó để tuyên bản án (1536/2022/KDTM-ST ngày 5/5/2022). Nhiều luật sư lẫn đại diện Công ty Tân Việt An đề nghị: Làm rõ những khuất tất trong bản án 1536.

Bên cạnh đó, các Luật sư còn đề nghị HĐXX cần tuyên HĐ-01 vô hiệu do vi phạm NĐ71.

HĐ-01 ký ngày 21/6/2010, nhưng thỏa thuận có hiệu lực khi Cty Đức Mạnh thực hiện nghĩa vụ được quy định tại Điều 6, tức là khi Cty Đức Mạnh chuyển 10 tỷ đặt cọc.

Cụ thể, theo Hợp đồng hợp tác đầu tư số 01/HTĐT/TVĐM (HĐ-01) ký kết ngày 21/6/2010 giữa Công ty Tân Việt An và Công ty Đức Mạnh có điều khoản thỏa thuận về thời gian hợp đồng có hiệu lực.

Tại Điều 17.5 và Điều 6 của HĐ-01 ghi rõ: Hợp đồng có giá trị pháp lý kể từ ngày Công ty Đức Mạnh thực hiện nghĩa vụ đặt cọc. Đến ngày 27/8/2010, Công ty Đức Mạnh chuyển đặt cọc 10 tỷ cho Công ty Tân Việt An.

Tuy nhiên, trước ngày hợp đồng HĐ-01 có hiệu lực, ngày 23/6/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 71/2010/NĐ-CP (NĐ-71) và NĐ-71 có hiệu lực thi hành từ ngày 8/8/2010.

Đối chiếu điểm c, d khoản 3 Điều 9 NĐ-71 và điểm c khoản 6 Điều 8 Thông tư 16/2010/TT-BXD ghi rõ: để ký kết hợp đồng góp vốn, dự án cần hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng và chỉ được phân chia tối đa 20% số lượng nhà ở thương mại.

Trong khi đó, tại HĐ-01 có thỏa thuận phân chia theo tỷ lệ: Công ty Đức Mạnh bên góp vốn lại chiếm giữ 80% giá trị dự án còn Công ty Tân Việt An giữ 20%.

Vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thị Thanh Tú (Đoàn Luật sư TP. HCM) phân tích, "căn cứ thông tin tài liệu có được cùng các bản án của Tòa có thể nhận thấy việc ký kết HĐ-01 giữa 2 đơn vị tại thời điểm ký kết không vi phạm điều cấm của pháp luật (vi phạm Nghị định 71/NĐ-CP) nhưng khi NĐ71 có hiệu lực pháp luật nhưng hợp đồng chưa có hiệu lực thì lẽ ra hai bên phải đàm phán thỏa thuận điều chỉnh lại hợp đồng để phù hợp với quy định của pháp luật, nhưng cả hai bên đều đã không thỏa thuận lại hợp đồng. Vì thế mỗi bên có lỗi như nhau trong việc hợp đồng bị vô hiệu và không thể thực hiện được."

Luật sư Nguyễn Thị Thanh Tú (Đoàn Luật sư TP. HCM).

Hậu quả của Hợp đồng vô hiệu

Luật sư Thanh Tú cho hay, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận…, bên có lỗi phải bồi thường.

Đối với HĐ-01 giữa Công ty Tân Việt An và Công ty Đức Mạnh, Luật sư Nguyễn Thị Thanh Tú phân tích: Nếu xác định HĐ-01 vô hiệu thì Công ty Tân Việt An có nghĩa vụ hoàn trả cho Công ty Đức Mạnh số tiền 115.000.000 đồng đã nhận.

Còn về vấn đề bồi thường khi xác định HĐ-01 vô hiệu thì phải xác định Bên có lỗi và thiệt hại thực tế phát sinh.

Căn cứ thông tin tài liệu có được cùng các bản án của Tòa có thể nhận thấy việc ký kết HĐ-01 giữa 2 đơn vị là vi phạm điều cấm của pháp luật (vi phạm Nghị định 71/NĐ-CP) vì thế mỗi bên có lỗi như nhau trong việc hợp đồng bị vô hiệu và không thể thực hiện được.

"Để xác định thiệt hại để bồi thường thì bên yêu cầu bồi thường phải chứng minh được thiệt hại thực tế xảy ra. Trong bản án, HĐXX cấp tòa sơ thẩm chưa xác định thiệt hại mà đã buộc Công ty Tân Việt An phải bồi thường 115 tỷ là không có cơ sở", Luật sư Tú khẳng định.

Xét về tỷ lệ bồi thường, trong trường hợp Đức Mạnh chứng minh được thiệt hại thì Tòa phải căn cứ vào lỗi của Tân Việt An và Đức Mạnh để xác định giá trị bồi thường của Tân Việt An.

"Như tôi phân tích ở trên, thì lỗi hai bên như nhau nên thiệt hại chia đôi cho mỗi bên. Như vậy nếu Tân Việt An bị buộc bồi thường thì chỉ phải bồi thường 50% thiệt hại", Luật sư Tú nói.

Kết quả bản án sơ thẩm của TAND TP. Thủ Đức có nhiều vấn đề khuất tất cần được làm rõ.

Tính lãi suất bất hợp lý

Cùng quan điểm với Luật sư Tú về HĐ-01 vô hiệu do vi phạm luật cấm, Luật sư Dương Mộng Tri (Đoàn Luật sư TP. HCM) còn đặt giả thiết ở Trường hợp Hợp đồng không vô hiệu, nhưng do Đức Mạnh đơn phương chấm dứt hợp đồng.

"Tại Biên bản bàn giao mặt bằng ngày 14/10/2010 có thỏa thuận về một phần diện tích 600m2 thuộc lô C1 Tân Việt An chưa giao cho Đức Mạnh theo đúng tiến độ, thì hai bên đã thống nhất “một phần diện tích đất khuôn viên lô C1 đang tranh chấp tại tòa án, Đức Mạnh đồng ý khi có Bản án giải quyết tranh chấp có hiệu lực thì Tân Việt An tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng và bàn giao cho Đức Mạnh “như vậy Đức Mạnh chấp nhận Tân Việt An chậm thực hiện nghĩa vụ, Tân Việt An không có lỗi vi phạm tiến độ nên không phải bồi thường thiệt hại. Bản án sơ thẩm buộc Tân Việt An bồi thường 115 tỷ là không phù hợp", Luật sư Tri phân tích.

Thành viên Đoàn Luật sư TP. HCM phân tích thêm: tại Công văn số 99-14/CV-DMC ngày 18/4/2014 Đức Mạnh thông báo đơn phương chấm dứt HĐ-01, thời điểm xác định chấm dứt HĐ-01 là ngày 21/4/2014. Do hợp đồng không qui định cụ thể lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp đơn phương chấm dứt HĐ là bao nhiêu nên áp dụng điều 357 BLDS tính lãi.

Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả; Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.

"Cụ thể, mức lãi mà Tân Việt An có thể phải trả là 10% (khoản 2 Điều 468 BLDS). Bản án sơ thẩm buộc Tân Việt An chịu lãi chậm trả với lãi suất 150% mức lãi suất của ngân hàng cụ thể là 12% là không phù hợp", Luật sư Tri nói.

Hoàng Tuấn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khuat-tat-trong-ban-an-cua-tand-tp-thu-duc-hop-dong-vo-hieu-vi-vi-pham-luat-cam-post198911.html