Khúc bi hùng dựng nền tự chủ

Câu chuyện về ba đời họ Khúc quật cường khởi dựng nền tự chủ cho đất Việt phương nam sau đêm dài Bắc thuộc vừa được tái hiện trọn vẹn trong vở tuồng Tam Khúc chúa như một khúc tráng ca bi hùng trong lịch sử dân tộc. Vở diễn của Nhà hát Tuồng Việt Nam dựa trên tiểu thuyết Khúc gia trang dậy sóng trời Nam của tác giả Khúc Minh Tuấn, Lê Thế Song chuyển thể kịch bản tuồng. Vở diễn do NSND Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn, thu hút người xem, là một trong những điểm sáng của hoạt động sân khấu truyền thống thời gian qua.

Cảnh trong vở Tam Khúc chúa.

Cảnh trong vở Tam Khúc chúa.

Câu chuyện về ba đời họ Khúc quật cường khởi dựng nền tự chủ cho đất Việt phương nam sau đêm dài Bắc thuộc vừa được tái hiện trọn vẹn trong vở tuồng Tam Khúc chúa như một khúc tráng ca bi hùng trong lịch sử dân tộc. Vở diễn của Nhà hát Tuồng Việt Nam dựa trên tiểu thuyết Khúc gia trang dậy sóng trời Nam của tác giả Khúc Minh Tuấn, Lê Thế Song chuyển thể kịch bản tuồng. Vở diễn do NSND Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn, thu hút người xem, là một trong những điểm sáng của hoạt động sân khấu truyền thống thời gian qua.

Những sự kiện trong vở Tam Khúc chúa đã tái hiện bối cảnh nước ta trong những năm cuối thế kỷ thứ 9, đầu thế kỷ thứ 10, một giai đoạn quyết liệt trong lịch sử dân tộc, đấu tranh giành nền độc lập, tự chủ sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc. Nhân việc nhà Ðường suy yếu, các thế lực cát cứ phương Bắc nổi dậy lập nước, hào trưởng Khúc Thừa Dụ tài cao, đức lớn của Khúc gia trang, đã liên kết hào trưởng các địa phương cùng sự ủng hộ của dân chúng nổi dậy chiếm thành Ðại La, diệt viên mạt tướng tiếm quyền cai trị bạo tàn Quách Ấn, phá tan ách cai trị của nhà Ðường, tự xưng Tiết độ sứ cai quản Giao Châu. Khi ông mất, con trai là Khúc Hạo nối tiếp xây dựng thể chế, cải cách hành chính trên nền tảng "khoan giản an lạc", từng bước quyết tạo dựng một nước Việt phương Nam tự chủ. Con ông là Khúc Thừa Mỹ nhận lệnh cha sang Nam Hán làm Hoan Hảo sứ, bề ngoài là để ‘‘kết mối hòa hiếu’’, song mục đích chính cốt là xem xét hư thực của địch, âm thầm phá hoại kế hoạch xâm lược nước ta của Nam Hán. Khúc Thừa Mỹ chính thức nắm quyền khi kẻ thù lăm le tràn vào bờ cõi. Mặc dù thừa dũng khí và sự hy sinh quên mình, song lực mỏng, sức nước chưa mạnh, ông bị quân nhà Hán bắt, vợ ông tuẫn tiết.

Xây dựng hình tượng tiếp nối ba thế hệ họ Khúc dựng nền tự chủ trong một vở diễn, song Tam Khúc chúa đã tránh được sự trùng lặp và tạo dựng được những tính cách khác biệt ở từng nhân vật chính, phù hợp tâm lý trong những bối cảnh thời thế cụ thể. Có một Tiên chúa Khúc Thừa Dụ khoan hòa, nhân ái, song không kém phần quyết liệt khi đối đầu kẻ thù, có một Khúc Hạo quyền biến, biết đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, tình cảm gia đình và một Khúc Thừa Mỹ đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, sẵn sàng đối đầu mọi gian nguy với câu tự sự đầy cảm khái trong thời khắc cuối "Thân dẫu thác hay bị cầm tù thì hồn vẫn thuộc về đất Việt". Bên cạnh đó là hình ảnh sáng ngời phẩm chất "Bà Trưng, Bà Triệu" của những người con gái, con dâu nhà họ Khúc như Khúc Thị Ngọc, Yến Nhi quyết xả thân vì non sông, đất nước. Các mối quan hệ gia đình, cha, ông, con cháu, trong tình yêu quê hương, đất nước được khai thác triệt để qua vở diễn nhằm làm nổi bật tinh thần quật cường không chỉ của một dòng họ mà rộng ra là của những người Việt yêu nước, khát khao độc lập, tự do.

Là một đạo diễn cải lương, việc lấn sân sang tuồng của đạo diễn- NSND Hoàng Quỳnh Mai phần nào mang lại hiệu ứng tích cực, giúp cho vở diễn có những đổi mới về phong cách, hấp dẫn và kịch tính hơn, không làm chất tuồng bị mờ nhạt như nhiều người lo ngại. Ðể được như vậy, nữ đạo diễn đã phải nghiên cứu rất nhiều về trình thức và các thủ pháp trong biểu diễn tuồng. Theo NSND Quỳnh Mai, có những quy ước, vũ đạo, làn điệu không thể thay đổi của sân khấu tuồng, song cần có những sáng tạo kế thừa để phù hợp với sân khấu đương đại, với tâm lý người xem ngày nay, tiết giản đi các rườm rà mà vẫn bảo đảm được tiết tấu nhanh cùng lớp lang vở diễn trong xử lý các xung đột kịch. Như một nhà phê bình đã nhận xét, vở Tam Khúc chúa đã giữ được bản sắc sân khấu tuồng từ lối diễn, vũ đạo cho đến lối hô, xướng, ca ngâm, có bạo liệt và cả những phút lắng đọng trữ tình, đồng thời phát huy khả năng biểu diễn của các nghệ sĩ, không bị gò bó trong các quy ước cố định, phù hợp hoàn cảnh, tâm trạng nhân vật trong từng trường đoạn, tạo nên sự lôi cuốn, không nhàm chán.

Cái hay của vở diễn là vừa tuân thủ và phát huy được thủ pháp ước lệ kinh điển của tuồng cùng những tích trò mẫu mực, vừa đưa vào được những mảng, miếng sân khấu ấn tượng, nhiều ý nghĩa.

Một trong những màn diễn mang lại nhiều cảm xúc bi hùng của Tam Khúc chúa là trường đoạn Khúc Thừa Dụ dặn dò con cháu trong phút lâm chung trong nỗi lo canh cánh việc nước dang dở. Với ông, điều thiêng liêng hơn cả là trọng trách được người dân đất Việt giao trên hai vai họ Khúc và để mưu việc lớn phải biết nhún nhường trong khi chờ thời "quân ta đủ mạnh, sức ta đủ hùng, muôn dân chung sức, đồng lòng, ta sẽ xây nền quốc thống".

Theo Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn, sau đêm công diễn ra mắt tại Hà Nội, vở Tam Khúc chúa sẽ tiếp tục lưu diễn tại nhiều địa phương trong cả nước. Ðây cũng là vở diễn
xã hội hóa thành công của nhà hát.

Bài và ảnh: TIẾN CƯỜNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dong-chay/khuc-bi-hung-dung-nen-tu-chu-628840/