Khúc bi tráng thứ tư

Sự hấp dẫn của 'Nậm Ngặt mây trắng', theo tôi, phần nhiều lại nằm ở những câu chuyện phía sau người lính và những gì diễn ra trước giờ nổ súng, như là cấu tứ chính yếu của tiểu thuyết. Được tác giả tin cậy trao gửi bản thảo đọc và góp ý, tôi đã hơn một lần chia sẻ cần phải tìm ra cái cấu tứ của tác phẩm, nếu không sự viết sẽ trượt theo tư liệu...

Sống bám đá, chết hóa đá

Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc kéo dài gần một thập niên (tính từ tháng 2-1979) đã được tiểu thuyết hóa qua các tác phẩm “Mình và họ” của Nguyễn Bình Phương, “Xác phàm” của Nguyễn Đình Tú, “Gió Thượng Phùng” của Võ Bá Cường và “Nậm Ngặt mây trắng” của Nguyễn Hùng Sơn. Mỗi tác phẩm thành công một vẻ.

Khỏi phải nói về sự tàn khốc của chiến tranh biên giới diễn ra ở Hà Giang năm 1984. Có những ngày đối phương bắn cả 100.000 quả đạn đại bác, cối sang phía trận địa của ta. Đã có những hình ảnh “lò vôi thế kỷ” để nói về sức hủy diệt của đạn bom. Những đỉnh núi trước đây xanh rì màu cây lá nay bình địa, trọc lốc, trắng phơ đất đá. Đã có cảnh xe của ta chở liệt sỹ, thương binh về phía sau không có mui bạt phủ che, phô ra cái cảnh đau lòng cho người còn sống và còn tiếp tục chiến đấu.

Đã có cảnh một tiểu đội một ngày chỉ được có 3 lít nước trên điểm cao nắng nóng, mù mịt khói bom thuốc súng. Đã có cảnh một tiểu đoàn quân chủ lực trụ vững trên cao điểm 772 hy sinh cả tiểu đoàn trưởng và 300 chiến sỹ, số bị thương hàng trăm khiến “Đội hình trống hoác”.

Cái mất mát lớn nhất do cuộc chiến của kẻ thù gây ra là chúng ta đã mất đi những những con ưu tú nhất của đất nước khi họ mãi mãi tuổi 20 “Mất hết rồi anh ơi! Toàn những đứa như thiên thần anh ơi!” (tr.338).

Những chiến sỹ trên mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang năm đó đã chiến đấu theo tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đó là Trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh, người dân tộc Mường ở Phú Thọ, đã khắc lên báng súng của mình câu khẩu hiệu “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”. Anh bị thương ba lần nhưng kiên quyết không rời trận địa, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Đó là Đài trưởng Đài quan sát pháo binh của Sư đoàn 3 Nguyễn Văn Đan yêu cầu hỏa lực mạnh của ta bắn cấp tập vào đài quan sát của mình vì quân địch tràn lên quá đông.

Trước sự lưỡng lự của trận địa pháo, anh khẩn thiết yêu cầu: “Đằng nào thì tôi cũng hy sinh, nhưng hỏa lực ta cấp tập vào đài thì rất nhiều tên địch sẽ bị tiêu diệt” (tr.251). Pháo ta đã trả lời. Hàng trăm tên địch hung hãn đã bị tiêu diệt. Và một sự kỳ diệu không mấy ai tin: Nguyễn Văn Đan vẫn sống và trở về chiến đấu.

Đó là sự hy sinh anh dũng của Tiểu đoàn phó Vũ Ngọc Ngạn đã đem thân mình nằm đè lên quả lựu đạn của tên thám báo địch bất ngờ tung vào hang (nơi có nhiều sỹ quan chỉ huy cấp tiểu đoàn, trung đoàn đang triển khai kế hoạch tác chiến). Anh đã hi sinh thân mình để cứu mạng đồng đội: “Vũ Ngọc Ngạn là vị cứu tinh của họ, là tấm gương sáng, là một anh hùng” (tr.355).

Tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Hùng Sơn.

Tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Hùng Sơn.

“Ở nơi đá cũng biến thành vôi bột” thì đủ thấy mức độ ác liệt của cuộc chiến. Dù tác giả đã “bấu chặt” lấy hiện thực khi viết thì tôi nghĩ, vẫn chưa thể lột tả hết cái khung cảnh khốc liệt những người lính đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ từng tấc đất biên cương, giữ vững phên giậu của Tổ quốc.

Cái câu “Máu người không phải là nước lã” có người cho là quá khắc nghiệt, tàn nhẫn. Nhưng những trang viết của Nguyễn Hùng Sơn trong “Nậm Ngặt mây trắng” lại rất sát hợp.

Phía sau người lính

Sự hấp dẫn của “Nậm Ngặt mây trắng”, theo tôi, phần nhiều lại nằm ở những câu chuyện phía sau người lính và những gì diễn ra trước giờ nổ súng, như là cấu tứ chính yếu của tiểu thuyết. Được tác giả tin cậy trao gửi bản thảo đọc và góp ý, tôi đã hơn một lần chia sẻ cần phải tìm ra cái cấu tứ của tác phẩm, nếu không sự viết sẽ trượt theo tư liệu (vì trong thời đại thông tin thì tư liệu có thừa).

Mười tám chương của tiểu thuyết, tác giả dành hẳn bảy chương đầu và xen kẽ trong các chương tiếp theo để miêu tả những gì thuộc về phía sau người lính – quê hương, gia đình, tâm trạng, cảnh ngộ, số phận của mỗi cá thể trong cộng đồng rộng lớn.

Tiểu thuyết có nhiều nhân vật, nhưng theo tôi ấn tượng hơn cả là bộ ba Trần Việt Hưng, Vũ Ngọc Ngạn và Phan Văn Lê. Phải nói ngay, Trần Việt Hưng và Vũ Ngọc Ngạn là một cặp bài trùng. Họ đều là sỹ quan được đào tạo bài bản, kinh qua thực tiễn chiến đấu, phát huy nội lực, trưởng thành trong chiến tranh. Nhưng tính cách và gia cảnh, thân phận thì không giống nhau. Nếu Trần Việt Hưng có một hậu phương vững mạnh (nhờ vào sự tháo vát đảm đang và chung thủy của cô vợ Bích, cô giáo làng, nghề nghiệp ổn định), thì trái lại Vũ Ngọc Ngạn lại rơi vào cảnh hạnh phúc riêng tư bị sứt mẻ, có nguy cơ đổ vỡ (cô vợ Liệu ở nhà ngoại tình, có con với người khác).

Với sự độ lượng, vị tha của người lính được trui rèn qua thử thách, anh đã tha thứ, đã giải quyết tốt việc riêng để trở lại chiến trường. Ban đầu, Vũ Ngọc Ngạn đã có lúc bảo an, tính chuyện rút về phía sau (xin về công tác ở Quân khu) để an toàn. Hơn thế, do nôn nóng nên có lúc đã cạnh tranh, đố kỵ với Trần Việt Hưng gây cho người đồng chí, đồng hương không ít khó khăn về chuyện riêng tư. May mắn là Vũ Ngọc Ngạn gặp được người anh, người đồng đội nhân ái, rộng lượng, hòa hiếu nên đã không bị “trầy vi tróc vảy”.

Nhưng Vũ Ngọc Ngạn là người cầu thị nên sự tiến bộ về sau của anh không bị những sai sót trước đó ngăn cản. Sau cuộc lột xác nghiêm khắc, anh trở thành con người khác - quang minh chính đại. Về cuối tác phẩm anh đã hy sinh anh dũng để cứu mạng sống nhiều đồng đội. Đồng đội coi anh là tấm gương sáng, là một anh hùng.

Phan Văn Lê là mẫu hình người lính mới. Đã có lúc anh suýt bị quy vào tội đào ngũ vì trên đường hành quân qua quê Thanh Hóa đã tự động bỏ đơn vị về thăm bà ốm nặng. Anh không thuộc diện gọi là “tụt tạt”, nhưng rõ ràng là cần phải phê phán khi vì cảm tính, cảm tình riêng tư mà coi thường quân phong quân kỷ, vì sức mạnh của quân đội nhân dân là tinh thần kỷ luật. Anh đã chứng minh mình là một người lính thực thụ trong chiến đấu.

Một tình huống éo le đã xảy ra, anh và kẻ địch cùng ôm nhau lao xuống khe sâu trong một trận quyết chiến. Rất lạ là cả hai không chết. Anh tỉnh lại trước và có ý định tiêu diệt kẻ địch. Nhưng kẻ địch lúc đó là một tấm thân bất động, yếu ớt, bất lực. Khi đồng bọn của tên thám báo kéo đến, chúng đã không bắn anh vì biết chính anh đã tha mạng cho người của chúng.

Hành động này của Phan Văn Lê khiến có sự đánh giá khác nhau trong đơn vị, có người cho rằng hành xử như thế là sai về quan điểm, lập trường cách mạng. Lúc đó Trung đoàn phó chính trị Trần Việt Hưng đã thể hiện quan điểm: “Sao lại mất quan điểm lập trường? Trái lại, đây phần sáng đẹp của tâm hồn rất tự nhiên, rất nhân văn” (tr. 268).

Cũng từ sự kiện rơi xuống khe sâu, lạc đường mà anh gặp được “một nửa” của mình - đó là Thủy, một sơn nữ xinh đẹp dịu dàng. Số phận đã gắn kết họ với nhau như câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Viết về chiến tranh, Nguyễn Hùng Sơn đã chú ý miêu tả mối quan hệ giữa chiến tranh và con người, sự tác động qua lại của nó được hiểu như là mối quan hệ giữa tính cách và hoàn cảnh. Đã có ý kiến cho rằng, chiến tranh có thể phát huy nhân tính nhưng đồng thời cũng phát lộ phản nhân tính.

Chiến tranh có quy luật riêng, khắc nghiệt vì nó là cái bất bình thường trong đời sống của nhân loại. Con người có thể trở nên cao cả, nghĩa hiệp hơn. Con người có thể mắc sai lầm thường tình. Chiến tranh có thể làm đảo lộn tất cả nhưng không thể biến con người thành “con sâu cái kiến”.

Nguyễn Hùng Sơn, theo tôi, thuộc số tác giả trung thành với sự thật nhưng không có ý bôi đen sự thật chiến tranh. Máu người không phải là nước lã. Anh viết bằng tất cả tấm chân tình của mình về đồng đội: “Với “Nậm Ngặt mây trắng” tác giả bày tỏ niềm cảm phục sâu sắc và tri ân các anh hùng, liệt sỹ đã hiến dâng tuổi thanh xuân vì sự vẹ toàn biên cương của Tổ quốc!”.

Lời kết

Người dân Nậm Ngặt (1 trong 7 thôn bản của xã Thanh Thủy huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) thường nói: “Mồ mả Tổ tiên, quê cha, đất mẹ thì không làm lại được đâu a!”. Tưởng chừng như súng đạn kẻ thù trút xuống thì trở về thời đồ đá cũ. Nhưng thật bất ngờ: “Trên cao, trời rất xanh, những đám mây trắng xếp chồng lên nhau chất ngất, nhiều tầng, nhiều lớp, dài nhoằng như đoàn tàu đang đứng yên. Nhưng chăm chú nhìn kỹ thì “đoàn tàu” đang chầm chậm rời ga.

Đúng rồi, lúc này mới quá trưa, những đám mây trắng đang che nắng cho các trận địa. Lính ta vẫn nói nhiều về những đám mây đó thôi”. Tiểu thuyết ''Nậm Ngặt mây trắng'' vinh dự nhận Giải thưởng Hạng B, Văn học nghệ thuật (2014-2019) của Bộ Quốc phòng.

Bùi Việt Thắng

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/khuc-bi-trang-thu-tu-595040/