Khúc giao mùa giữa vùng rốn lũ!
Tìm về xã 'rốn lũ' Phương Mỹ, huyện Hương Khê những ngày giáp Tết, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự hồi sinh nhanh đến lạ kỳ của miền quê bị ngập nặng nhất ở Hà Tĩnh trong đợt lũ tháng 9/2019 vừa qua.
Những cánh đồng chúm chím mạ non dệt nên một thảm xanh mơn mởn, trông xa xa như dải lụa mềm uốn quanh mấy ngôi làng. Từng đàn trâu, bò đang ung dung gặm cỏ. Mấy hàng bưởi Phúc Trạch đứng san sát nhau, quả trĩu xuống như muốn vồ lấy mặt đất. Cây xoài nhà ai lúc lắc những quả ngọt mềm còn sót lại trên hiên nhà. Điểm xuyết vào khung cảnh ấy là những nhành đào, nhành mai ngấp nghé nở những nụ hoa đầu tiên tô thắm nên bức tranh mùa xuân tươi mới, rực rỡ. Khắp nơi tiếng cười nói rộn ràng, tiếng chào hỏi í ới người ở xa về báo hiệu một năm mới sắp đến. Tất cả khiến người ta khó có thể tin được rằng, chỉ vừa gần đây thôi, Phương Mỹ còn chìm trong biển nước, lũ lụt bao vây tứ bề.
Sáng sớm, nắng xuân rải nhẹ trên nền đất, hương ly ly thoang thoảng vương vào nếp gió từ đầu ngõ, chúng tôi được gặp chị Thùy Trang, cán bộ văn phòng xã Phương Mỹ. Đón chúng tôi trên con đường lảnh lót tiếng chim ca, chị vừa đi vừa giới thiệu: “Phương Mỹ là xã “rốn lũ”, ngập nặng nhất của huyện Hương Khê. Đầu tháng 9/2019, xã chúng tôi gần như bị nước lũ nhấn chìm. Toàn xã có 225 hộ bị ngập nhà, các thôn nặng nhất là Trung Thượng, Ấp Tiến, Thượng Sơn và Tân Mỹ. Nhiều ngôi nhà chỉ còn thấp thoáng mái ngói, nhiều cột điện chìm nghỉm, hàng trăm người cắn răng nhai mỳ tôm sống cầm cự qua ngày chờ nước rút”.
Bà con xã Phương Mỹ (huyện Hương Khê) đang tích cực xới đất, trỉa ngô.
Tính từ đợt lũ lụt đến nay cũng đã được gần 4 tháng. Sự hoảng loạn, sợ hãi, những đau thương, mất mát đã dần được thay thế bằng niềm vui đang dần lan tỏa trong từng gia đình. Tất cả là nhờ sự trợ giúp của cộng đồng, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và trên hết là sự nỗ lưc, quyết tâm của mỗi người dân nơi đây. Ông Lê Quốc Hậu - Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ cho biết: “Cơn lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho xã nhà. Nhiều héc-ta hoa màu, 866 cây cam, 5.751 cây bưởi bị mất sạch, gần 400 con gà, hàng chục con trâu, bò, lợn bị chết, nhiều công trình phúc lợi, trường học, trạm y tế… bị ngập sâu trong nước. Ước tính thiệt hại hàng tỷ đồng. Nhưng bà con không nản lòng. Ngay khi nước vừa rút, chính quyền đã phối hợp với nhân dân toàn xã bắt tay khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống”. Có lẽ chính cuộc chiến thường niên cùng những cơn lũ đã tạo cho người dân nơi đây một ý chí kiên định, một tinh thần “thép”, sẵn sàng đứng dậy làm lại sau những khó khăn, mất mát.
Thôn Ấp Tiến là một trong những thôn bị thiệt hại nặng nhất của xã. Thế nhưng giờ đây sự hoang tàn, đổ nát đã biến mất như có phép màu. Thay vào đó là những hàng rào xanh được cắt tỉa khéo léo, từng ngôi nhà kiên cố được dựng lên, đường làng, ngõ xóm đã trở lại sự sạch sẽ, thoáng đãng vốn có; những lối nhỏ yên bình được trải dài bởi sắc vàng của cam, sắc xanh của bưởi và sắc đỏ của cờ hoa rực rỡ đón Tết.
Chúng tôi gặp ông Trần Hữu Khẩn - Trưởng thôn Ấp Tiến khi ông đang miệt mài cuốc đất trỉa ngô. Đưa tay quệt giọt mồ hôi đọng lại trên vầng trán in hằn những vết chân chim dạn dày sương gió, ông lạc quan nói: “Nếu trời đã khiến dân miền Trung quanh năm gồng lưng lên mà chống chọi với lũ thì dân Phương Mỹ chúng tôi cũng mạnh dạn bắt đất phải đền bù. Sau lũ, người dân trong thôn lại khẩn trương bắt tay vào làm ăn. Nhà cần cù ra đồng cấy hái, bón phân, nhà tích cực đi trỉa ngô, trỉa lạc, trồng bưởi. Lũ cuốn đi cây gì thì chúng tôi trồng lại cây đó, bởi ai cũng muốn có sản phẩm phục vụ thị trường tết Canh Tý, cũng muốn được đón một cái Tết thật đàng hoàng, vui vẻ”.
Những con đường được dọn dẹp sạch sẽ thay cho bùn đất.
Men theo một lối nhỏ thấp trũng, chúng tôi tới được nhà của anh Nguyễn Văn Kỳ. Anh vui vẻ chỉ vào căn nhà mới: “Đợt sau lũ, nhà tôi trông tiêu điều, xập xệ lắm các chú ạ. Mà cũng chẳng được gọi là nhà nữa ấy chứ, một đống đổ nát thì đúng hơn. Giờ may được chính quyền giúp đỡ, được các tổ chức hỗ trợ, vợ chồng tôi mới có tiền sửa sang lại căn nhà này. May quá, cứ tưởng tết này phải để lũ trẻ dầm mưa, dầm nắng thì tội chúng nó lắm. Mấy đàn gia cầm, rồi vườn cây ăn quả của nhà tôi cũng theo lũ mà trôi hết. Nhưng sau lũ, được sự giúp đỡ, hướng dẫn của chính quyền địa phương, gia đình tôi đã lợp lại ngói mới, trồng rau, trồng thêm cây ăn quả và chăn nuôi thêm con lợn, con gà nên cuộc sống đã trở lại bình thường sau những ngày gian khó”.
Xuân Canh Tý đang dần đến, hòa quyện vào nhịp sống vội vã của người dân Phương Mỹ những ngày giáp tết. Lũ đã qua đi, khó khăn vẫn còn đó, nhưng chính sự lạc quan, bền bỉ chiến đấu với đất trời đã khiến cho những niềm hy vọng lại được nhen nhóm trên những cánh đồng, trong từng ngôi nhà vững chãi, khang trang.
Những hàng rào xanh được cắt tỉa khéo léo.
Trở về sau một ngày được gặp gỡ những người dân chịu thương, chịu khó, chúng tôi thầm cầu chúc cho họ những năm sau sẽ được đón xuân mới an yên, hạnh phúc hơn bên gia đình. Còn những ngày này, tạm gác lại âu lo, họ xứng đáng được tận hưởng một năm mới trọn vẹn, no đủ bởi những thành quả từ chính sự lao động miệt mài và ý chí vươn lên mạnh mẽ của mình. Ai ghé qua cũng bảo, trời Phương Mỹ giữa khúc giao mùa cao vời vợi, ngan ngát xanh. Nhưng mấy ai biết, chính người dân nơi đây đã “vẽ” nên khoảng trời xuân cho riêng mình sau vô vàn những khó khăn, mất mát.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khuc-giao-mua-giua-vung-ron-lu-post72572.html