Khúc mắc từ bản án sơ thẩm chia di sản dành cho việc thờ cúng

Đất của cụ cố để lại, gia đình họp và lập biên bản nhất trí dành diện tích đó làm nhà thờ chung là nơi cúng giỗ hằng năm. Đất đã được cấp sổ đỏ, nhà thờ được xây dựng dùng cho mục đích chung nhiều năm thì bỗng dưng con cháu khởi kiện đòi chia thừa kế…

Gia đình đồng thuận làm nơi thờ tự chung

Theo nhận định của bản án sơ thẩm cũng như đơn trình bày của ông Trần Kỳ Tuấn (sinh năm 1949, trú tại tổ 9, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội), cụ Trần Kỳ Tùng (ông nội ông Tuấn) có để lại khu đất và nhà ở tại khu phố Long Bình, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Cụ Tùng có 2 người con là ông Trần Kỳ Doanh (bố ông Tuấn) và bà Trần Thị Bích S. Năm 2007, thửa đất đã được các con cháu thuộc diện thừa kế của cụ Tùng làm "Biên bản họp gia đình họ Trần, phái cụ cố Trần Kỳ Tùng" thống nhất giao lại cho ông Trần Kỳ Tuấn "thừa kế chấp thủ, đứng tên đăng ký làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng lại nhà thờ riêng của họ Trần Kỳ Tùng và lo cúng kị ông bà hằng năm".

Dựa trên cơ sở biên bản họ tộc này, ông Trần Kỳ Tuấn đã tiến hành các thủ tục xin cấp "sổ đỏ" và ngày 14/1/2009, ông đã được UBND thị xã Sông Cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (số AI07791) cho thửa đất nói trên, trong đó có ghi: "Đất do họ tộc giao, không được chuyển nhượng và thế chấp".

Tuy nhiên, khi ông Tuấn thực hiện nghĩa vụ theo biên bản họp gia đình (xin sửa chữa nhà thờ cũ, xây nhà thờ mới) thì bị ông Nguyễn Đình H. (con của bà Trần Thị Bích S.) đứng ra ngăn cản. Tiếp đó, bà S. khởi kiện vụ việc ra Tòa án nhân dân thị xã Sông Cầu yêu cầu chia di sản đồng thời ủy quyền cho con trai là ông Nguyễn Đình H. đại diện tham gia tố tụng. Trong vụ án này, ông Trần Kỳ Tuấn là bị đơn.

Bản án sơ thẩm

Vụ án được Tòa án nhân dân (TAND) thị xã Sông Cầu thụ lý ngày 21/8/2020. Tuy nhiên, năm 2021, bà S. qua đời, tức là không còn nguyên đơn khởi kiện. Thế nhưng năm 2022, TAND thị xã Sông Cầu vẫn có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Trong các ngày 05 và 06/07/2023, Tòa án nhân dân thị xã Sông Cầu - tỉnh Phú Yên đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự (thụ lý số 72/2020/TLST-DS ngày 21/8/2020) về việc Tranh chấp di sản thừa kế dựa theo đơn khởi kiện của nguyên đơn là bà Trần Thị Bích S., ủy quyền cho ông Nguyễn Đình H. làm đại diện.

Ngày 06/07/2023, TAND thị xã Sông Cầu đã tuyên bản án số 14/2023/DS-ST, trong đó chấp nhận yêu cầu khởi kiện của những người thừa kế quyền và nghĩa vụ của bà Trần Thị Bích S. do ông Nguyễn Đình H. làm đại diện, yêu cầu chia di sản thừa kế là diện tích đất 1.826,2m2. Tòa cũng bác yêu cầu của bị đơn là ông Trần Kỳ Tuấn, người đại diện cho bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đứng về phía bị đơn không đồng ý chia di sản thừa kế theo pháp luật đối với diện tích đất nói trên.

Do những người thừa kế của cụ Trần Kỳ Tùng, gồm bà Trần Thị Bích S. và ông Trần Kỳ Doanh, đã chết nên Tòa đã tuyên giao cho những người thừa kế quyền và nghĩa vụ của bà S. và ông Doanh nhận, trong đó mỗi bên nhận một nửa diện tích đất, tương ứng 913,1m2; không tính phần công sức tôn tạo, quản lý của ông Trần Kỳ Tuấn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những câu hỏi đặt ra

Sau khi TAND thị xã Sông Cầu tuyên bản án sơ thẩm, ông Trần Kỳ Tuấn đã có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi TAND tỉnh Phú Yên và các cơ quan báo chí. Theo ông Tuấn, tại Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng".

Trong vụ án này, tại biên bản họp gia tộc năm 2007, bà Trần Thị Bích S. đã đồng ý giao cho ông Tuấn quản lý phần di sản của họ tộc nên bà S. đã xác nhận việc dùng di sản (quyền thừa kế một phần của thửa đất) cho việc thờ cúng nên bà Sang khi còn sống cũng như những người thuộc diện hưởng thừa kế của bà Sang không có quyền đòi thừa kế đối với di sản đã dùng vào việc thờ cúng.

Mặt khác, trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ghi rõ: "Đất do họ tộc giao, không được chuyển nhượng và thế chấp".

Một câu hỏi khác đặt ra từ bản án sơ thẩm này là thời điểm tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử thì nguyên đơn (bà S.) đã mất. Giấy ủy quyền để đòi chia thừa kế mà bà S. đã ký cho ông H. lúc đang ốm nặng, đến nay không còn giá trị nữa vì bà S. đã chết trước khi Tòa án cấp sơ thẩm mở phiên tòa. Do đó, trong trường hợp này, việc TAND thị xã Sông Cầu đưa ông Tuấn vào vụ án này với vai trò "bị đơn" cũng như ông H. đại diện cho nguyên đơn có đúng quy định của pháp luật?

Cũng theo ông Trần Kỳ Tuấn, trong thời gian từ năm 2007 tới nay (từ lúc mảnh đất được giao cho ông Tuấn quản lý), bà S. cùng con cháu bà không tham gia đóng góp tôn tạo phần mộ hay nhà thờ dòng tộc hay tham gia thực hiện bất cứ nghĩa vụ tài chính nào liên quan đến mảnh đất này. Vì vậy, tới năm 2020, việc bà S. khởi kiện đòi chia thừa kế là việc làm vô lý.

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Trần Kỳ Tuấn cũng đề nghị được tính đúng, tính đủ giá trị, công sức của những người đóng góp cho khối tài sản ông Trần Kỳ Tùng để lại nhưng cũng không được chấp thuận.

Được biết, ông Trần Kỳ Tuấn đã có đơn kháng cáo gửi Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên. Mong rằng những khúc mắc trong vụ án này sẽ được trả lời có lý, có tình tại phiên xét xử phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên tới đây.

Kỳ Viên

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/khuc-mac-tu-ban-an-so-tham-chia-di-san-danh-cho-viec-tho-cung-20231122234721621.htm