Khúc nghê thường của Nguyễn Ánh 9
Còn nhớ ấn tượng của tôi với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 bắt đầu một cuộc hẹn ông dành cho tôi tại quán Nghê Thường quận Phú Nhuận Sài Gòn. Nơi ông nói vẫn đánh đàn piano cho khách nghe.
Tôi bỗng thốt lên: “Cái tên quán hay quá chú! Đã lâu cháu mới nghe một cái tên xưa ý nghĩa như vậy!”. Ông thoáng nheo mắt, hỏi: - “Chắc anh nghĩ tới một vũ điệu nghê thường nào đó hả? - “Dạ! Trong truyện thơ Bích câu kỳ ngộ của Đoàn Thị Điểm cháu học hồi phổ thông có viết “Vũ y thấp thoáng nghê thường thướt tha” chẳng biết có đúng không?”.
Người nhạc sĩ già nở nụ cười hiền: -”Không phải đâu! Bạn bè chúng tôi cùng làm cái quán này để có nơi tụ tập chơi nhạc. Dù sao cũng sống cả đời với ánh đèn, lời ca tiếng hát rồi anh em không thể bỏ được. Nghê thường chỉ là thương nghề!”… Tôi bất ngờ đến ngỡ ngàng vì không nghĩ được rằng trong một vế cao cả lại ẩn chứa một điều bình dị đến như vậy!?
Vì thế bài viết nhỏ này mới có nhan đề khúc nghê thường của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.
Nhiều người nhầm lẫn bút danh Nguyễn Ánh 9 của nhạc sĩ bởi ông là dòng dõi hoàng tộc, vua chúa từ thời vua Gia Long - Nguyễn Ánh đến nay là đời thứ 9. Thật ra không phải vậy. Trong một lần hẹn làm việc với tôi cho bài viết trên tạp chí Duyên Dáng Việt Nam, ông kể lại rằng, bút danh này khởi đầu từ tình yêu.
Khi viết những ca khúc đầu tiên, muốn để tên Nguyễn Đình Ánh thì thấy quá dài và khó gây được chú ý. Còn để Nguyễn Ánh thì sợ phạm húy vì trùng tên “cúng cơm” của vua Gia Long. Đang loay hoay, nói chuyện với người yêu của mình thì cô ấy góp ý "Tên của anh 9 mẫu tự. Theo quan niệm của người Á Đông đây là số may mắn. Làm nghệ thuật thì lại càng đặc biệt. Vì thế, anh nên thêm số 9 vào tên mình". Vì triết lý tình yêu độc đáo này mà làng âm nhạc đã có nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Ánh 9.
Nguyễn Ánh 9 tâm sự với tôi, ông viết không nhiều. Và không thể sáng tác theo đơn đặt hàng được. Âm nhạc đối với ông là linh thiêng. Mội tác phẩm ra đời đều gắn chặt với những kỷ niệm thăng trầm của cuộc đời. Thật vậy, xét về số lượng tác phẩm, sáng tác của ông không nhiều. Những bài được lưu truyền rộng rãi trên dưới 30 ca khúc mà thôi. Tuy nhiên, bài nào cũng hay, cũng được nhiều người yêu thích.
Nguyễn Ánh 9 không biệt ranh giới giữa một nghệ sĩ biểu diễn và một nhạc sĩ. Bởi tuy là hai nhưng qua tâm hồn, trái tim ông đã nhập thành một. Nếu không chơi piano thì ông sẽ không bao giờ sáng tác. Và những sáng tác của ông tài hoa, khúc thức chuyên nghiệp do ông là một nghệ sĩ dương cầm.
Ông trải lòng, phơi tình yêu của mình qua từng tiếng đàn và rút về những cung bậc kinh nghiệm nén chặt, bùng vỡ, thăng hoa trong từng ca khúc.''Không”, “Mùa thu cánh nâu”, “Lời cuối cho em’, “Đêm nay ai đưa em về”, “Biệt khúc”, “Tình yêu đến trong giã từ”… là những nhạc phẩm say lòng người như vậy!
Ông cũng nói về sức mạnh vô hình ẩn dưới những phím đàn trắng lóa của cây dương cầm dưới tay ông. Nó có một biểu ngữ quyền lực riêng; - “Nhìn bề ngoài tôi yếu lắm, mà đúng là như vậy! Những năm gần đây tôi thấy không làm chủ được cảm xúc hay hiểu được nhịp tim của mình nữa. Nhưng chỉ cần ngồi bên cây đàn piano, sức khỏe ở đâu vụt về, bao nhiêu mệt mỏi cũng tan biến. Tôi chỉ còn thăng hoa cùng tiếng hát…”.
Đó là một khúc nghê thường không thể giải thích của người nghệ sĩ chăng? Đến một lúc nào đó của sự điêu luyện họ sẽ bay lượn xuất nhập vào ra một cõi bí mật huyền hồ khác của thế giới? Cõi của thanh âm trắng, của cảnh giới khác? Tôi tự hỏi sau trên đường về sau cuộc trò chuyện với người nhạc sĩ.
Một ghi chú nhỏ của tôi khi xem chương trình làm về nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Một liveshow phải nói là xuất sắc. Kịch bản chặt chẽ, ca sĩ hát hay, các phụ đạo múa minh họa đều có ẩn ngữ.
Nhưng tôi đặc biệt chú ý chi tiết khi MC phỏng vấn về những kỷ niệm, xuất xứ mỗi bài hát. Tác giả ca khúc nổi tiếng "Buồn ơi chào mi!" mắt rơm rớm, đều như muốn khóc khi nói về những nhạc phẩm của mình. Cảm giác bài hát tuy đã viết ra từ lâu nhưng thời gian không làm phai những thương nhớ lòng ông.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nói rằng ông không quan tâm đến tác quyền của bài hát mà chỉ sợ ca sĩ hát không thành công tác phẩm của mình mà thôi!...
Điều bất ngờ sau cuộc gặp gỡ dành cho tôi không lâu, nhạc sĩ “Cô đơn" đã đột ngột mất vì bệnh tim, 14.4.2016.
Ông là một tài năng mà tôi ngưỡng vọng.
Người làm nghệ thuật trước tiên là viết từ nỗi đau, từ trái tim của mình. Không có tham vọng gì hơn là để chia sẻ, để… bớt đau!
Rồi chính sự rung động đó hy vọng cộng cảm, chạm tới, đến được với tâm hồn, trái tim người thưởng thức.
Và ở lại mãi mãi!
Chín tầng trời N.g.u.y.ễ.n Á.n.h 9.