Khúc tráng ca đường 20 và trăn trở chính sách cho cựu TNXP
Với những TNXP trên đường 20 Quyết Thắng vẫn còn truyền nhau về trận đánh ác liệt tháng 10/1967, khiến bao đồng đội đã ngã xuống, hi sinh.
Đường 20 Quyết Thắng được xây dựng nên bởi biết bao mồ hôi, xương máu của hàng vạn TNXP, góp phần vào chiến thắng vang dội mùa xuân 1975, thống nhất đất nước. Trở lại chiến trường xưa, tôi vui và tự hào về truyền thống anh hùng, nhưng những trăn trở về chính sách cho cựu TNXP ở đây cứ ám ảnh tôi mãi…
Những người tận hiến tuổi xuân…
Chỉ còn ít ngày nữa là đến dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019), đoàn chúng tôi gồm hơn 100 cựu TNXP Thanh Hóa trở lại chiến trường đường 20 Quyết Thắng năm xưa. Chuyến đi lần này với chúng tôi không chỉ để ôn lại những năm tháng hào hùng, tận hiến tuổi xuân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước mà còn để tưởng nhớ, tri ân những đồng đội TNXP đã hi sinh và để lại một phần xương máu trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt.
Nhớ lại khoảng thời gian trước năm 1965, miền Bắc chi viện cho miền Nam theo đường Trường Sơn độc tuyến. Mùa mưa, xe qua Xeng Phan (Lào), con đường bị ngập sâu trong nước, vận tải vào Nam bị cắt suốt mấy tháng. Chính vì vậy, Bộ Tư lệnh 559 quyết định mở thêm tuyến vượt khẩu thứ hai mang tên đường 20 Quyết Thắng để tránh túi nước Xeng Phan, phá thế độc tuyến.
Sau hơn 3 tháng quyết liệt thi công, ngày 14/4/1966, đường 20 Quyết Thắng được khai thông, dài đến 125km. Nhưng cũng trên tuyến đường này, biết bao TNXP đã ngã xuống, hoặc để lại một phần xương máu của mình để đảm bảo giao thông thông suốt. Tuyến đường thực sự là khúc tráng ca về tinh thần lao động, chiến đấu quên mình vì Tổ quốc.
Đến hang Tám Cô, những người hành hương không khỏi ngậm ngùi trước câu chuyện bi thương về sự hy sinh của 8 nữ TNXP mới tuổi mười tám, đôi mươi. Ngày 14/11/1972, bom Mỹ đánh sập cửa hang nơi 8 nữ TNXP đang trú ẩn. Họ bị kẹt trong hang, đến 9 ngày sau, mọi người vẫn còn nghe thấy tiếng kêu cứu mà đành bất lực. Khối lượng đất đá đổ xuống cửa hang quá lớn, sức người làm thủ công không sao phá được.
Dừng chân, thắp hương tưởng nhớ nữ y tá Nguyễn Thị Sặng tại Hang y tá hay còn gọi là Hang chị Sặng, chúng tôi được anh Lê Trung Sơn, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Thanh Hóa kể: “Chị Sặng được biên chế vào đơn vị C211. Không chỉ làm y tá, chị còn làm cấp dưỡng khi không có thương binh. Khi máy bay đến, TNXP trú tạm ở hang ven đường 20, nơi chị Sặng chăm sóc, băng bó thương binh nên lính lái xe và TNXP gọi điểm ấy là Hang y tá hay Hang chị Sặng. Chị hy sinh năm 1972 trong một trận bom Mỹ. Hiện di cốt đã được đưa về nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng. Nhưng tên tuổi chị vẫn còn trên đường 20 Quyết Thắng và trở thành huyền thoại.
Chia sẻ thêm, anh Lê Mạnh Dũng, TNXP Thanh Hóa thời kỳ 1971-1972 kể: “Chị Sặng cùng đơn vị với tôi, C211, đội N75. Sau chiến tranh, đơn vị tôi về thăm lại chiến trường xưa trên đường 20 Quyết Thắng thì ngay cửa Hang chị Sặng, thấy một bia đá có tên chị là y tá Nguyễn Thị Sặng. Lần sau anh em chúng tôi vào đường 20 đã thấy có miếu thờ chị Sặng được các lính lái xe và công nhân giao thông quyên góp tiền xây dựng. Người địa phương gọi chị là Nữ chúa rừng xanh và thờ chị như thần. Những người có công với nước, không cần kêu gọi, dân cũng tự giác bảo nhau lập miếu thờ”.
Trận chiến ác liệt ngày 27/10/1967
“
Hội cựu TNXP Việt Nam cho biết, về cơ bản, chính sách đối với TNXP chống Pháp và chống Mỹ đã giải quyết ổn thỏa, chỉ còn một số rất ít tồn đọng. Nhưng ít là bao nhiêu? Riêng Thanh Hóa còn 25.000 TNXP mang tên Thanh niên tình nguyện, chưa kể các tỉnh, thành khác, con số ấy không ít.
Lê Tuấn Lộc
”
Với những TNXP trên đường 20 Quyết Thắng vẫn còn truyền nhau về trận đánh ác liệt tháng 10/1967, khiến bao đồng đội đã ngã xuống, hi sinh. Anh Nguyễn Hữu Oanh, sinh năm 1950, thuộc đơn vị TNXP 115, người đã tham gia trận chiến kể, giọng nghẹn lại: “Sáng ngày 27/10/1967, đơn vị tôi ra mặt đường 20. Không may, toàn đơn vị bị lộ. Máy bay Mỹ đã tập trung hỏa lực dội bom bi, một loại bom sát thương mới làm hầu hết TNXP hy sinh. Cứu thương cấp cứu không kịp. Nhiều người bị thương không nặng nhưng máu chảy nhiều quá mà chết”.
Còn anh Lâm, người cũng tham gia trận chiến đấu hôm đó chia sẻ, sáng 27, đơn vị pháo của bộ đội ta trên đường vào chiến trường, đến khu vực anh đóng quân thì trời sáng. Không hiểu họ ngụy trang thế nào bị lộ, hai chiếc máy bay OV10 của Mỹ quần đảo nhiều vòng trên trời khu vực Km 19 đường 20 và phát hiện ra trận địa pháo và khu vực TNXP làm đường. Đầu tiên chúng cho máy bay ném bom khói chỉ điểm. Sau đó, suốt đến 5h chiều rất nhiều tốp máy bay địch ném bom liên tục xuống khu vực TNXP làm nhiệm vụ.
“Tôi trú trong hầm hộ tống với anh em nhưng bom làm hy sinh gần hết, tôi và anh Lạc bị thương nặng. Tôi đưa anh Lạc đi cấp cứu, nhưng chưa kịp đến nơi anh đã tắt thở. Thời gian đầu của trận đánh, đơn vị tôi chỉ hy sinh 2 người. Nhưng thương binh được đưa về cấp cứu ở hầm hộ tống lại bị máy bay quay lại ném bom nên hy sinh gần hết”, anh Lâm xúc động kể và cho biết, đơn vị anh hy sinh thêm 7 người nữa. Các hầm hộ tống khác bị trúng bom chết khoảng 35 người, trong đó TNXP chết 11 người và 24 bộ đội. Trận ấy, ta đã bắn rơi 2 máy bay và bắt sống 1 giặc lái.
Nói về sự hy sinh đau thương ngày 27 đó, anh Nguyễn Hữu Oanh kể tiếp: “Tối đó, nhìn sạp trong lán tang thương lắm. Những ô nằm của đồng đội như những ô ăn quan thời trẻ. Những màn màu xanh rủ xuống là có người ngủ, những sạp không bỏ màn là những đồng đội đã không bao giờ về nữa. Sau này hết chiến tranh, giải ngũ về quê, nhiều đêm không ngủ được, tôi lại như thấy những tấm màn ngủ xanh bơ vơ trong lán vắng người và những con đom đóm rất to bay lập lờ trong rừng Trường Sơn như đang đi tìm bạn chiến đấu cũ...”.
Day dứt chính sách cho cựu thanh niên tình nguyện
Trong chuyến về lại chiến trường xưa, vấn đề phiên hiệu và chính sách cho cựu thanh niên tình nguyện Thanh Hóa được các anh chị em trong đoàn day dứt mãi. Anh Lê Trung Sơn, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Thanh Hóa chia sẻ, có ba vấn đề cấp bách tồn đọng hiện nay về TNXP Thanh Hóa, đó là: Phiên hiệu TNXP tình nguyện, chính sách cho phiên hiệu đó và một số trường hợp về thương binh liệt sĩ.
Thanh Hóa có nhiều thanh niên được huy động đi làm nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng kinh tế nhưng lại mang phiên hiệu khác và có tên là thanh niên tình nguyện. Thực chất họ làm nhiệm vụ TNXP nhưng chính vì phiên hiệu khác nên áp dụng chính sách TNXP cho họ rất khó giải quyết. Đến năm 2019, về cơ bản chính sách chế độ cho TNXP chống Pháp và chống Mỹ đã giải quyết, nhưng còn tồn đọng chưa giải quyết chính sách cho hơn 25.000 thanh niên tình nguyện có liên quan đến phiên hiệu.
Trong số thanh niên tình nguyện đó, có 9.772 người tham gia trước 30/4/1975 và 15.500 người tham gia sau 1975. Để giải quyết chế độ một lần cho họ chỉ từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/người thì cần đến khoảng 39 - 47 tỷ đồng.
“Số tiền quá lớn nên rất khó giải quyết. Chưa kể những khó khăn về thủ tục theo quy định. Ngoài ra, còn một số trường hợp thanh niên tình nguyện hy sinh hay bị thương khi đi làm đường do bị đất đá lấp, nhưng chưa chứng minh được rõ ràng nên chưa được giải quyết”, ông Sơn nói và cho biết thêm, Hội đã báo cáo UBND tỉnh và Sở Nội vụ, tuy vậy vẫn phải chờ ý kiến của cấp trên.
Có điều, chờ đến bao giờ nữa, họ sắp “đi” cả rồi. Một cựu TNXP tâm sự: “Tôi nay đã ngoài 70 tuổi, còn sống được bao lâu nữa đâu. Bạn tôi, thanh niên tình nguyện, bao năm không có chế độ gì. Khi viết đơn xin đi TNXP họ chỉ có một nguyện vọng duy nhất: Phục vụ Tổ quốc. Giờ nếu có chế độ gì, dù ít thôi sẽ như lời tri ân, vì thế cần giải quyết ngay vấn đề này kẻo họ đã sắp “đi” cả rồi”.