'Khúc tráng ca lặng lẽ' của lính quân giới
Sáng 7/9, tại Hà Nội, diễn ra lễ tổng kết cuộc thi viết 'Công nghiệp quốc phòng - 75 năm xây dựng và phát triển' và giới thiệu ca khúc mới sáng tác về Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP).
Với 20 tác phẩm xuất sắc nhất được lựa chọn vào chung khảo cuộc thi, Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 6 giải Ba, 9 giải Khuyến khích và 2 giải dành cho tác giả cao tuổi nhất và tác phẩm thời sự nhất.
Đại tá Đỗ Phú Thọ, Phó Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, đồng Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết: Được phát động vào đầu tháng 5/2020, cuộc thi là một điểm nhấn trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Tổng cục CNQP, với 139 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả tham dự thuộc nhiều thể loại như phóng sự, ghi chép, bài phản ánh, chuyên luận, phỏng vấn…
“Các tác phẩm dự thi đã làm nổi bật, có chiều sâu truyền thống vẻ vang, các thành tựu nổi bật của ngành CNQP Việt Nam, những đóng góp, hy sinh thầm lặng của các thế hệ cán bộ quản lý, những kỹ sư, những người thợ và gia đình của họ”, đại tá Đỗ Phú Thọ khẳng định.
Theo đại tá Thọ, nét đặc sắc nhất của cuộc thi này là ngoài các bài viết của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tổng cục CNQP, thì còn có nhiều bài viết chất lượng của cán bộ, công nhân viên các đơn vị thuộc Tổng cục CNQP và thân nhân của họ.
Tiêu biểu như tác phẩm “Khúc tráng ca lặng lẽ” (giải Nhất) của trung tá, nhà báo Trần Lê Nam - phóng viên Tạp chí CNQP và Kinh tế, đã tôn vinh những người lao động ngành CNQP ngày đêm lao động, sản xuất, chấp nhận những gian khổ, thiệt thòi về hạnh phúc cá nhân và cả những hi sinh xương máu để có sự phát triển lớn mạnh của ngành CNQP. Qua cuộc thi, Trung tá Trần Lê Nam mong muốn bạn đọc thấy được phần nào nỗi vất vả, gian truân và cả hiểm nguy mà những người lính thợ ngành CNQP phải đối mặt để sản xuất ra các loại vũ khí phục vụ công tác sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc và phục vụ kinh tế - xã hội đất nước.
Với tác phẩm “Nhớ về bố” (giải Nhì) của PGS, TS Lê Thị Thu Hiền - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu hệ Gen thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã khiến người đọc rất xúc động. Trong bài viết, PGS, TS Lê Thị Thu Hiền đã kể lại những ký ức của chị về người bố là cố đại tá Lê Đình Tuy - nguyên Giám đốc Nhà máy Z121, người được ghi nhận là “Khai sinh pháo hoa Việt Nam”. Tuổi thơ của PGS, TS Lê Thị Thu Hiền gắn liền với Nhà máy Z121 và những người lính thợ ngành CNQP. Hình ảnh chiếc ba lô của bố gác đầu giường đựng vài quyển sách, vài bộ quần áo, đài cassette nhỏ để sẵn sàng đi công tác vẫn còn in đậm trong tâm trí của chị...