Khúc vĩ thanh ngày khai trường

Tháng Chín về, mang theo gió heo may bỡ ngỡ nép mình bên những giọt nắng hanh hao mong manh.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Tôi vuốt nhẹ tà áo dài rồi thả những vòng xe chầm chậm đến trường. Nhà tôi ở trong con ngõ nhỏ cuối phố, cách cổng trường không xa, nhưng lại đi qua những ngả đường đến trường của các cô cậu học trò vùng quê nghèo chiêm trũng.

Tôi thích thong dong với những vòng xe quay chậm để cảm nhận lắng nghe tiếng lòng của chúng lúc đến trường và tan học.

Con đường quen thuộc rực rỡ cờ hoa mang dư âm của ngày độc lập đã tiếp tục đưa tôi đi trong khúc vĩ thanh của buổi khai trường.

Những chiếc xe đạp vùn vụt chạy qua vội vã và náo nức hơn mọi ngày. Mỗi cô cậu học trò diện bộ quần áo mới, gương mặt rạng rỡ bừng sáng. Chiếc áo trắng tinh làm nổi rõ logo đánh dấu “chủ quyền” và mang niềm tự hào về những ngôi trường trung học.

Bàn chân vừa hôm qua vẫn lội ruộng, làm đồng giúp cha mẹ, hôm nay đã sạch sẽ rảo vòng xe. Tôi nhìn chúng lòng dâng đầy tình yêu thương lẫn niềm tự hào về mầm non của quê hương.

Từ những chiếc xe vụt qua, chúng đều để lại cho tôi lời chào, nụ cười thân thương và mùi hồ thơm từ bộ quần áo mới. Đặc biệt, chúng để lại niềm náo nức mà tôi đã đi qua ngót ba mươi năm. Tôi thấy lòng dâng lên niềm rộn ràng khó tả...

Trước mặt tôi là những hàng cờ hoa rực rỡ, hàng người thẳng tắp, ngay ngắn kéo từ phía khán đài xuống cuối sân trường. Bao ánh mắt ngây thơ hồn nhiên, đang chờ đón tiếng trống khai trường từ phía khán đài, như chờ đợi một khoảnh khắc thiêng liêng mà chúng đã cất giấu trong ba tháng Hè qua.

Tôi đã đón và đưa bao thế hệ học trò qua cánh cổng trường kia, và hôm nay tôi lại đón lứa học trò mới bước vào từ chính cánh cổng trường ấy. Gió heo may vờn trên lá cờ đỏ tạo nên những làn sóng dịu dàng. Những lọn tóc rối theo gió nhẹ mà phất phơ trên vầng trán học trò trong veo. Lòng tôi bỗng chộn rộn nhớ nhung và bồi hồi.

Tôi nhớ những lứa học trò đi qua đời mình, chúng từng ngồi đây, bồi hồi chờ đợi tiếng trống khai trường. Chúng đã từng vượt qua bao khó khăn của đời sống vật chất và tinh thần cùng thời khắc chinh phục vùng kiến thức vô cùng vô tận. Chúng trở thành bác sĩ, kĩ sư, nhà giáo, công nhân, nông dân và cả thợ phu hồ...

Tôi vẫn dõi theo chúng như dòng sông không ngừng chảy cho dù trời có thôi mưa. Học trò của tôi bước ra khỏi cánh cổng trường kia và hòa vào cuộc sống mưu sinh trên khắp các ngả đường đời. Dù chúng có phải sống cuộc sống với những vất vả nhọc nhằn, hay phải đi qua cạm bẫy đời cùng kiệt thì cuộc sống ấy cũng không thể nào đánh cắp trái tim nhân hậu của những cô cậu học trò đã đi qua đời tôi.

Tôi đã gặp lại chúng trong bàn tay mềm mại và cả thô ráp. Nhưng tôi thật tự hào vì tất cả đều trở về với tôi bằng sự nguyên vẹn của tâm hồn đẹp, và những ánh mắt, nụ cười thân thương.

Tôi ngước nhìn vòm trời trong ngần trong tiết chớm Thu. Những tia nắng vàng dịu dàng trườn mình qua tán xà cừ, rồi nhẹ nhàng rảo bước trên vòm phượng vĩ xanh ngắt.

Những tia nắng lấp lánh, theo tiếng nhạc du dương nhảy nhót trên bờ vai của những cô cậu học trò đang chăm chú với bài diễn văn của buổi khai trường. Chúng như nuốt lấy từng lời từ bài diễn văn ấy.

Bài diễn văn có lịch sử ngày khai trường, có bức thư của Chủ tịch nước gửi cho học sinh các cấp, có bề dày truyền thống của ngôi trường chúng theo học, có thành tích của năm học đã qua và những chỉ tiêu của năm học sắp tới. Có lời hứa, và sự chờ đợi của những người thầy.

Và đặc biệt, trong bài diễn văn, chúng thấy bản thân có trách nhiệm và nghĩa vụ học tập, rèn luyện dưới mái trường này bên cạnh cái quyền được học tập và yêu thương.

Tôi bồi hồi khi nhìn xuống lứa học trò sắp tới, những gương mặt non nớt, ánh mắt bỡ ngỡ trong lần đầu bước vào ngôi trường trung học phổ thông. Cũng giống những lứa học trò đã đi qua, tất cả đều nuôi trong mình niềm tin và hi vọng về những người thầy, về mái trường ươm mầm tri thức mới. Chúng lo lắng để rồi ước mơ.

Trên khán đài, tiếng trống khai trường vang lên giòn giã cho năm học mới bắt đầu. Với tôi, tiếng trống ấy không mang thanh âm của những gì lớn lao xa vời, mà là những thanh âm, tiếng gọi của tình yêu thương nồng cháy. Tôi nhìn các tân học sinh lòng đầy hân hoan và hi vọng.

Cũng như chúng, tôi cũng nuôi dưỡng ước mơ của riêng mình. Tôi mơ ước, những học trò bé nhỏ luôn mạnh khỏe, được sống đủ đầy về vật chất và tình yêu thương. Chúng được sống trong sự quan tâm chia sẻ của cộng đồng, vượt qua được những cám dỗ ngoài cánh cổng trường kia. Quan trọng hơn cả là chúng biết nuôi dưỡng ước mơ để nỗ lực vượt qua bất cứ nghịch cảnh nào phía trước.

Tiếng trống trường vừa dứt, một làn gió nhẹ thoáng qua, tôi rời khán đài bước những bước thật dài về phía học trò mới của mình. Chúng đón tôi bằng những nụ cười rạng rỡ hồn nhiên. Miệng chúng gào lên, bàn tay nhỏ nhắn huơ huơ trong những tia nắng Thu vàng rực rỡ: “Cô chủ nhiệm!”, “Cô chủ nhiệm!”, “Cô chủ nhiệm”!

Thật kì lạ! Gần ba mươi năm trong nghề, tôi đã đón biết bao ngày khai trường mà sao hôm nay lồng ngực tôi vẫn nhấp nhói liên hồi khi nghe khúc vĩ thanh “Cô chủ nhiệm!” vang lên giữa sân trường đầy nắng. Và chính khúc vĩ thanh ấy đã ghim chặt trách nhiệm nghề nghiệp và tình yêu thương của một người thầy trong tôi vào chúng.

Tôi đưa tay nắm lấy đủ bốn mươi lăm bàn tay nhỏ nhắn, trao cho chúng những ánh mắt tin yêu. Tôi tin, sau ba năm học chúng đi qua tôi, rồi mai này gặp lại, những bàn tay ấy có mềm mại hay thô ráp nhưng chắc chắn một điều sẽ là những bàn tay trao, hứng những thương yêu!

Lạc Ý (Giáo viên Trường THPT Lương Tài, Bắc Ninh)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khuc-vi-thanh-ngay-khai-truong-post652906.html