Khủng bố, chuyển giao quyền lực và điểm yếu của nước Mỹ
Việc không có một quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ có thể đặt an ninh quốc gia Mỹ vào trạng thái cực kỳ nguy hiểm, sự kiện ngày 11-9-2001 là một ví dụ.
Ngày 23-11, Giám đốc Cơ quan Quản lý các dịch vụ công của Mỹ - bà Emily Murphy gửi thư cho ứng viên Joe Biden để thông báo chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đồng ý chuyển giao quyền lực và sẽ hỗ trợ để quá trình này diễn ra suôn sẻ, theo kênh CNN.
Tuy nhiên, nếu ông Trump đổi ý, tiếp tục trì hoãn quá trình chuyển giao quyền lực, điều này có thể sẽ khiến nước Mỹ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Trong đó, mối nguy lớn nhất là ảnh hưởng an ninh quốc gia.
Ông David Marchick, giám đốc Trung tâm Chuyển giao quyền lực Tổng thống cảnh báo: "Các đối thủ nước ngoài tin rằng Mỹ đang bận rộn chuyển giao quyền lực. Chính vì thế, việc không có một quá trình chuyển đổi suôn sẻ có thể khiến an ninh quốc gia, an ninh kinh tế và an ninh y tế của Mỹ gặp rủi ro".
Các tiền lệ bất ổn
Các cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia đã thách thức các tổng thống trong thời kỳ chuyển giao trước đây.
Cuộc khủng hoảng con tin Iran bắt đầu năm 1979 sau khi một nhóm sinh viên xông vào Đại sứ quán Mỹ ở Tehran bắt giữ 52 nhà ngoại giao và công dân Mỹ ở đây. Sự kiện này chỉ kết thúc vào ngày 20-1-1981 - ngày Tổng thống Jimmy Carter hoàn tất quá trình chuyển giao cho người kế nhiệm Ronald Reagan.
Năm 1988, một vụ đánh bom trên máy bay mang số hiệu 103 của hãng hàng không Pan Am đang trên đường từ London đến New York đã khiến nó phát nổ và rơi xuống thị trấn Lockerbie (Scotland). Đáng nói, vụ việc này diễn ra trong quá trình chuyển tiếp từ Tổng thống Ronald Reagan sang Tổng thống George H.W. Bush.
Ngoài ra, các mối đe dọa trực tiếp đối với nước Mỹ cũng đã xuất hiện khi tổng thống George W. Bush mời Tổng thống đắc cử Barack Obama đến Nhà Trắng vào sáng ngày nhậm chức năm 2009. Cùng lúc đó, ở Phòng Tình huống tại Nhà Trắng, các trợ lý an ninh quốc gia của hai ông đã thảo luận về mối đe dọa tiềm tàng từ nhóm cực đoan al-Shabab.
May mắn là khi đó không có cuộc tấn công nào diễn ra và lễ nhậm chức được tiến hành suôn sẻ. Tuy nhiên, các cuộc họp ở Phòng Tình huống đã cho thấy sự nhạy cảm của nước Mỹ trong thời kỳ chuyển giao tổng thống.
Ngoài ra, điều này cũng cho thấy rủi ro này hoàn toàn có thể loại bỏ nhờ vào sự hợp tác giữa chính quyền mãn nhiệm và chính quyền tiếp nối.
Sự kiện 11-9-2001
Đáng chú ý nhất vẫn là sự kiện tấn công khủng bố nhằm vào Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11-9-2001.
Ủy ban 9-11 đã công bố một báo cáo khẳng định sự kiện đánh bom tòa tháp đôi ngày 11-9-2001 ở Mỹ là một bài học cảnh tỉnh nước này không trì hoãn quá trình chuyển giao quyền lực.
Cụ thể, cuộc bầu cử năm 2000 giữa hai ứng viên tổng thống khi đó là George W. Bush và Al Gore đã xảy ra tranh chấp phiếu bầu tại bang Florida, khiến bang này phải kiểm phiếu lại bằng tay. Chính điều này đã làm trì hoãn quá trình công bố kết quả hơn 30 ngày - một nửa thời gian trong quá trình chuyển tiếp thông thường, dẫn đến quá trình chuyển giao quyền lực đầy trắc trở giữa Tổng thống Bill Clinton và người kế nhiệm George W. Bush.
Báo cáo của Ủy ban 9-11 cho thấy "sự mất thời gian này đã cản trở chính quyền mới xác định, tuyển dụng, xử lý và lấy xác nhận của Thượng viện trong việc bầu chọn nội các". Điều này đã khiến chính quyền tân tổng thống khi đó không ngăn chặn được các cuộc tấn công ngày 11-9 của 19 năm về trước.
Cũng theo báo cáo, chính quyền Tổng thống Bush đã không được làm việc với các quan chức cấp dưới nội các quan trọng trong ít nhất sáu tháng kể từ khi tiếp nhận quyền lực. Đây là lý do khiến đội ngũ của ông có ít sự chuẩn bị để đối phó với hoạt động khủng bố kinh hoàng ngày hôm đó.
Đề xuất của Ủy ban 9-11
Thông qua bản báo cáo, Ủy ban 9-11 đã khuyến khích các chính quyền nên hạn chế gián đoạn việc hoạch định chính sách an ninh quốc gia trong quá trình chuyển giao bằng cách đẩy nhanh tiến độ bổ nhiệm các vị trí quan trọng.
Ngoài ra, dưới đây là năm đề xuất Ủy ban 11-9 đưa ra nhằm cải thiện vấn đề an ninh trong quá trình chuyển giao quyền lực.
Kết hợp lực lượng đối nội - đối ngoại
Theo văn bản, một chính phủ "thông minh" sẽ tích hợp tất cả các nguồn thông tin và phân tích các dữ liệu thu được để đánh giá kẻ thù một cách toàn diện.
Báo cáo đề xuất Washington nên thành lập Trung tâm Chống Khủng bố Quốc gia (NCTC), được xây dựng trên nền tảng của Trung tâm Tích hợp Đe dọa Khủng bố (TTIC) hiện có.
Để phá vỡ khuôn mẫu tổ chức chính phủ quốc gia cũ, NCTC nên tuyển chọn nhân sự từ nhiều cơ quan khác nhau để phát triển một trung tâm xây dựng kế hoạch hoạt động chung để cùng thực hiện các hoạt động tình báo. Đồng thời, người đứng đầu NCTC sẽ có thẩm quyền đánh giá kết quả hoạt động của những người được giao nhiệm vụ tại Trung tâm.
Phối hợp phát triển cộng đồng tình báo
Vị trí Giám đốc Tình báo Trung ương hiện tại nên được thay thế bằng một Giám đốc Tình báo Quốc gia với hai lĩnh vực trách nhiệm chính: (1) giám sát các trung tâm tình báo quốc gia về các đối tượng cụ thể mà chính phủ Mỹ quan tâm; và (2) quản lý chương trình tình báo quốc gia và giám sát các cơ quan đóng góp vào chương trình này.
Công khai, minh bạch về tài chính trong các hoạt động tình báo cũng như số tiền phân bổ cho cho các cơ quan làm nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, Quốc hội nên dành ngân sách riêng và có quy định rõ ràng trong việc phân chia nguồn quỹ cho các hoạt động tình báo.
Hợp tác chia sẻ thông tin
Chính phủ nên thúc đẩy việc chia sẻ thông tin nhằm khôi phục sự cân bằng giữa các thông tin tối mật và kiến thức có thể được chia sẻ. Ngoài ra, tổng thống nên là người phối hợp giải quyết các vấn đề pháp lý, chính sách và kỹ thuật giữa các cơ quan để tạo ra một "mạng lưới thông tin đáng tin cậy"
Đoàn kết trong Quốc hội
Quốc hội nên thành lập một ủy ban giám sát và rà soát duy nhất trong lĩnh vực an ninh nội địa, và người có quyền chọn ra cơ quan này chính là những thành viên đứng đầu Quốc hội.
Đặc biệt, đây phải là cơ quan thường trực với ba thành viên, trong đó gồm một người trong Hạ viện, một trong Thượng viện và một thành viên không thuộc bất kỳ đảng phái nào.
Phối hợp phòng thủ trong - ngoài
Bộ Quốc phòng và ủy ban giám sát của cơ quan này nên thường xuyên đánh giá tính đầy đủ của các chiến lược và kế hoạch của Bộ Tư lệnh Phương Bắc để bảo vệ nước Mỹ trước các mối đe dọa quân sự đối với an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó, Bộ An ninh Nội địa và các ủy ban giám sát của cơ quan này phải thường xuyên đánh giá các loại mối đe dọa mà Mỹ phải đối mặt để xác định: (a) mức độ đầy đủ của các kế hoạch của chính phủ và các hoạt động chống lại các kế hoạch đó để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia, và (b) mức độ sẵn sàng của chính phủ trong việc đối phó với các mối đe dọa mà nước này có thể phải đối mặt.