Khủng bố sống nhờ các mỏ khai thác vàng ở Burkina Faso

Các mỏ vàng ở vùng Sahel của Burkina Faso đang trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho những kẻ khủng bố. Các cuộc tấn công gần đây ở khu vực bị cô lập này cho thấy lực lượng an ninh vẫn khó kiểm soát được tình hình.

Khu vực Sahel của châu Phi đang lên cơn sốt vàng. Một số mỏ mới mọc lên kể từ khi phát hiện được mạch vàng đầu tiên vào năm 2012, như mỏ Boungou, ở phía Đông Bắc Burkina Faso được khai trương vào năm 2017-2018. Tuy nhiên, tình hình ngày càng bất ổn bởi hoạt động của những tay súng Hồi giáo. Đầu tháng 11-2019, ít nhất 39 người thiệt mạng, 60 người khác bị thương trong các cuộc tấn công vào xe buýt chở công nhân trên đường đến mỏ Boungou.

“Tôi đang ngủ thì nghe thấy tiếng cửa sổ vỡ bung, cùng lúc tôi bị một viên đạn trúng vào lưng và tôi ngã xuống. Đồng nghiệp của tôi cũng nằm xuống, đè lên che chở cho tôi. Chúng tôi cùng bảo nhau cầu nguyện”, thợ mỏ Guiro Abdoul Kader kể.

Mỏ Boungou do công ty khai thác của Canada có tên SemaFO vận hành. Phát biểu trong chuyến thăm Burkina Faso hồi đầu tháng 11-2019, CEO Benoit Desormeaux nói: “Chúng tôi đã làm việc với người Burkina Faso nhiều năm. Chúng tôi muốn tiếp tục hợp tác nhưng với điều kiện phải đảm bảo an toàn”.

Các mỏ vàng ở vùng Sahal của Burkina Faso đang trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho những kẻ khủng bố

Các mỏ vàng ở vùng Sahal của Burkina Faso đang trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho những kẻ khủng bố

Thay lãnh đạo cũng không khả dĩ hơn

Đúng vậy, an ninh là mối lo ngại ở đây. Trong báo cáo gần đây nhất, nhóm Khủng hoảng Quốc tế, một tổ chức phi Chính phủ, viết rằng những tín đồ Hồi giáo lần đầu tiên chiếm quyền kiểm soát các mỏ vàng ở Sahel vào năm 2016. Khi đó, lực lượng an ninh địa phương đã do dự trong việc bảo vệ các khu vực nông thôn và sự do dự đó đã gây ra hậu quả chết người.

“Chính quyền gần như không có khả năng điều tiết các khu khai thác, dù là gián tiếp, khi an ninh yếu đi và các nhóm vũ trang thách thức lực lượng chức năng. Trong bối cảnh đó, các nhóm vũ trang của tất cả các phe phái thi nhau khai thác tài nguyên vàng”, báo cáo cho biết. Kết quả là những tay súng Hồi giáo và các nhóm vũ trang khác đã nắm quyền kiểm soát các mỏ, sử dụng vàng làm nguồn thu nhập mới.

5 năm sau khi Tổng thống Blaise Compaore bị buộc rời khỏi chức vụ sau nhiều năm cầm quyền, để đất nước chìm trong bất ổn, tình hình hiện tại đã khiến nhiều người dân Burkina Faso càng thất vọng. “Hãy nhìn xem có bao nhiêu người đã bị sát hại, và sự bất an và khủng bố đã gia tăng như thế nào. Dễ dàng nhận thấy Chính phủ hiện tại không có khả năng bảo vệ người dân và đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước”, nhà hoạt động xã hội Abdel Kader Traore nói.

“Người dân thất vọng. Họ cảm thấy bị lừa dối. Khi mọi người kêu gọi Tổng thống Compaore trở lại, đó là một dấu hiệu cho thấy Chính phủ hiện tại đã thất bại”, ông Marcel Tankoano - người từng kêu gọi lật đổ Tổng thống Compaore nói. Ông Tankoano nói thêm rằng Chính phủ mới, bao gồm những người thân cận với cựu Tổng thống Compaore, đã được chứng minh là cũng tham nhũng như người tiền nhiệm.

Liệu có phải thỏa hiệp với quân khủng bố?

Trước năm 2015, Burkina Faso gần như không biết khủng bố là gì. Nhưng đến giờ, các nhóm vũ trang đã càn quét toàn bộ vùng nông thôn. Khoảng 300.000 người đã bị buộc phải di tản, gây ra hậu quả thảm khốc cho nông nghiệp và thương mại. Hàng nghìn trường học cũng bị buộc phải đóng cửa.

Nhưng làm thế nào Burkina Faso có thể thoát khỏi số phận đó? Chuyên gia an ninh Laurent Kibora phân tích, “Tổng thống Compaore đã có những chiến lược tốt. Ông ấy chơi trò “cây gậy và củ cà rốt” bằng cách đàm phán với tất cả các bên đồng thời thành lập một đơn vị chống khủng bố cứng rắn. Nhiều người tin rằng thậm chí ông Compaore có thể đã ký một hiệp ước không xâm lược với những tay súng Hồi giáo”.

Hồi đầu năm nay, Tổng thống đương nhiệm Roch Marc Christian Kabore cũng thừa nhận: “Đó không phải là tin đồn, chúng là sự thật. Burkina Faso có nhiều năm yên bình là nhờ có thỏa thuận. Khi Chính phủ mới tuyên thệ vào ngày 12-1-2016, chỉ 3 ngày sau, Burkina Faso đã trải qua cuộc tấn công khủng bố lớn nhất trong lịch sử”. Ông Kabore cũng nói rõ rằng chính quyền của ông không chọn loại thỏa thuận như vậy vì nó liên quan đến vấn đề đạo đức.

Trong khi đó, Chính phủ Burkina Faso đang cố gắng thiết lập lại an ninh trong nước. “Chúng tôi vui mừng thông báo rằng 400 trường học đã được mở cửa trở lại”, Bộ trưởng Giáo dục Stanislas Ouaro cho biết trong chuyến thăm gần đây tới Đức. Đó là một khởi đầu khiêm tốn, nhưng với những thợ mỏ đã bị thương trong vụ tấn công gần đây, họ không muốn quay lại với công việc nguy hiểm cũ vì không có gì đảm bảo an ninh an toàn cho nơi mà họ làm việc.

Yên Vũ (Theo DW)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/khung-bo-song-nho-cac-mo-khai-thac-vang-o-burkina-faso/834561.antd