Khu ổ chuột Guryong nằm núp dưới bóng các tòa cao ốc của khu Gangnam, cách "phố nhà giàu" của Hàn Quốc chỉ 20 phút đi bộ.
Làng Guryong được thành lập cuối thập niên 1980, tới nay có khoảng 2.500-4.000 dân. Đa phần cư dân ở đây đều thuộc đối tượng được giải tỏa nhà đất để lấy không gian xây dựng các công trình phục vụ Thế vận hội Seoul 1988.
Ngoài ra, một số cư dân khác tới đây sống sau khi bị phá sản, phải "trôi dạt" tới Seoul với hy vọng kiếm được công việc đổi đời.
Vào lúc đỉnh điểm, ngôi làng chiếm khoảng 320.000 m2 đất, có hơn 1.100 hộ gia đình. Hiện theo thống kê của chính quyền, có khoảng 2.000 người vẫn sinh sống trong khu ổ chuột đông đúc này.
Khu dân cư biệt lập này trông cũng giống nhiều khu dân cư nghèo khác trên thế giới, tồi tàn với một biển túp lều xiêu vẹo và mái tôn mục, nơi một số gia đình buộc phải dùng chung một nhà vệ sinh.
Sau khi giá bất động sản ở Gangnam bùng nổ, Guryong đã thu hút nhiều sự chú ý khi là một trong những mảnh đất cuối cùng còn sót lại có thể xây nhà mới. Tuy nhiên các kế hoạch nhằm phát triển Guryong vấp phải khó khăn, chủ yếu do tranh chấp về tiền bồi thường.
Tháng 6/2021, chính quyền thành phố Seoul đã phê duyệt kế hoạch xây dựng 2.838 ngôi nhà mới của một nhà phát triển nhà ở do thành phố điều hành, khoảng 1.107 ngôi nhà trong số đó sẽ được phân bổ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Nhà phát triển Seoul Housing & Communities Corp. đề nghị cung cấp nhà cho thuê công cộng cho những người sẽ phải chuyển đi, nhưng dân làng từ chối và yêu cầu mỗi người được cấp một căn hộ trong khu chung cư mới sẽ được xây dựng, mỗi căn có thể có giá lên tới hàng triệu USD.
Cuối năm 2021, một căn hộ 3 phòng ngủ tại Raemian Blestige, khu phức hợp nằm ngay bên kia đường từ làng Guryong, có giá 3,1 tỷ won (2,2 triệu USD).
Khu ổ chuột gần Gangnam nhận được sự quan tâm khi những hình ảnh tương tự xuất hiện trong nhiều bộ phim nổi tiếng toàn cầu, chia sẻ yếu tố phê phán xã hội.
Hình ảnh lụp xụp, tồi tàn của ngôi làng tương phản với sự xa hoa của khu Gangnam phía sau. Ảnh: IT, Getty.
Mời độc giả xem video Cuộc sống ở 'làng ổ chuột' chân cầu Long Biên. Nguồn: Zing.
Thảo Nguyên (TH)