Khung cảnh yên bình và chân trời hy vọng
Một tháng Giêng rất khác, không còn cảnh công nhân nhảy việc, không còn dòng người ào ạt ly hương đem đến một khung cảnh yên bình và cũng đem đến một chân trời hy vọng, dù trước mắt vẫn còn rất nhiều điều phải lo toan.
Trên những con đường tấp nập xe cộ không còn hình ảnh những đoàn người đứng ngồi chờ xe để quay trở lại nơi làm việc như những gì thường thấy của những mùa xuân cũ. Một tháng Giêng khác rất nhiều khi mà người dân không còn ào ạt ly hương.
Đó là niềm hạnh phúc rất lớn của chính người lao động khi không còn phải để lại con thơ, quay lưng lại quê nhà, bước những bước đi xa xứ, cũng là sự phản ánh trung thực sự phát triển của đất nước, của tỉnh Thanh Hóa. Kinh tế công nghiệp giờ đây không còn tập trung vào một số địa bàn trọng điểm phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh hay một số tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh nữa. Những nhà đầu tư đã tìm đến nhiều miền đất mới nơi đang có nguồn lao động dồi dào, quỹ đất hợp lý để đầu tư hạ tầng công nghiệp, và hơn cả, ở đó chính quyền sở tại với chính sách “trải chiếu hoa” thu hút đầu tư đã tạo ra lực hấp dẫn rất lớn các nhà đầu tư.
Những con số doanh nghiệp thành lập mới của Thanh Hóa tăng trưởng ấn tượng trong mấy năm gần đây, nhất là sự tham gia của nhiều doanh nghiệp FDI với nguồn vốn lớn, thu hút đông người lao động đang tạo ra sự chuyển dịch và làm thay đổi cơ cấu kinh tế cho tỉnh. Khi nhà máy về làng đồng nghĩa với việc dòng người di dịch cư cũng thay đổi, những phức tạp xã hội và bài toán an sinh cũng được giải quyết phần nào. Sau những biến đổi của thời kỳ dịch bệnh với dòng người dồn đổ về quê, cũng đồng thời đòi hỏi đặt ra cho những doanh nghiệp ở quê nhà phải biết tận dụng thời cơ vàng để chọn lựa nguồn lao động, nhất là những lao động có tay nghề cao.
Thời kỳ nào cũng vậy, người lao động luôn có sự lựa chọn cơ hội việc làm, và sự ứng xử của doanh nghiệp là một phép thử cho sự lựa chọn đó. Thời kỳ hậu dịch bệnh đơn hàng ít hơn, nhưng đó chỉ là tạm thời. Nhu cầu tiêu dùng của thế giới không thể dừng lại, trong đó có rất nhiều mặt hàng được sản xuất từ Việt Nam, từ các nhà máy trong tỉnh ở các ngành da giày, may mặc, đá, gỗ... Chăm lo người lao động, để giữ chân họ ở lại quê nhà, tính kế sản xuất lâu dài, chắc chắn là sự lựa chọn đúng đắn lúc này. Và cũng bởi lẽ ấy, đặt ra cho doanh nghiệp, đặc biệt là tổ chức công đoàn ở doanh nghiệp sự quan tâm, chăm lo lớn hơn.
Những ngày trước tết, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tạo ra một đợt sinh hoạt trong công nhân ấm áp và nghĩa tình thông qua các chương trình Tết nghĩa tình - Xuân gắn kết. Những chuyến xe công nhân đưa người lao động về quê ăn tết đầy ắp tiếng cười lại tiếp diễn đón họ về nhà máy. Những hoạt động chăm lo ấy của tổ chức công đoàn phải trở nên thường xuyên hơn, cùng với chủ sử dụng lao động tạo thành nét đẹp của doanh nghiệp, một thứ văn hóa nội sinh để gắn kết người lao động với nhà máy.
Một tháng Giêng rất khác, không còn cảnh công nhân nhảy việc, không còn dòng người ào ạt ly hương đem đến một khung cảnh yên bình và cũng đem đến một chân trời hy vọng, dù trước mắt vẫn còn rất nhiều điều phải lo toan, đặc biệt là chủ doanh nghiệp phải nỗ lực tìm kiếm cơ hội cho chính mình để tạo ra cơ hội việc làm cho công nhân.