Khung chiến lược về phát triển xanh và mục tiêu Net Zero cho Cần Giờ trước 15 năm
Xác định tăng trưởng xanh là động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững trong giai đoạn tới…, TPHCM mong muốn xây dựng Cần Giờ như địa phương tiên phong thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2035, trước 15 năm so với cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Đó là một trong những nội dung đáng chú ý mà Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nêu ra tại chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM với lãnh đạo các tập đoàn mang tên CEO 100 Tea Connect, diễn ra tại Hội trường Thống Nhất vào chiều ngày 14-9. Hoạt động nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TPHCM (HEF) 2023.
Khung chiến lược về phát triển xanh
Tại chương trình, thông điệp về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn được lãnh đạo thành phố và các đại biểu là với khoảng 100 CEO, doanh nghiệp lớn thế giới cùng các chuyên gia tổ chức quốc tế nhấn mạnh.
Phát biểu tại sự kiện, người đứng đầu chính quyền thành phố cho rằng, TPHCM là đô thị lớn trên 10 triệu dân, là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ của Việt Nam. Thành phố luôn nỗ lực xây dựng môi trường sống tốt, làm việc thuận lợi, an toàn, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp của thành phố và doanh nghiệp bên ngoài đến với TPHCM.
Tuy nhiên, TPHCM cũng đang đối diện với những thách thức như biến đổi khí hậu, ùn tắc giao thông, thiếu hụt nhân lực, tác động của tính chu kỳ trong phát triển kinh tế. Theo ông Phan Văn Mãi, để ứng phó với những thách thức này, TPHCM đang tái cơ cấu kinh tế, trong đó xác định kinh tế xanh là động lực thúc đẩy tăng trưởng phát triển bền vững giai đoạn tới.
Ông nhấn mạnh rằng thành phố rất quyết tâm bằng việc nghiên cứu đề ra khung chiến lược phát triển xanh và cam kết bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện, hướng tới Net Zero vào năm 2050 (phát thải ròng bằng 0).
Cụ thể hơn, Khung chiến lược phát triển xanh đến 2030, tầm nhìn 2050 xác định lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm chuyển đổi, đồng thời xác định tập trung vào 4 nội dung.
Thứ nhất lànguồn lực xanh gồm nhân lực trình độ cao, tài chính xanh và hợp tác quốc tế. Thứ 2 là hạ tầng xanh, gồm chuyển đổi năng lượng xanh, nước sạch và sử dụng nước tiết kiệm, tuần hoàn tài nguyên. Thứ ba là hành vi xanh trong tiêu dùng xanh, giao thông và xây dựng xanh.
Và thứ tư là các ngành nghề lĩnh vực tiên phong chuyển đổi xanh, gồm: sản xuất công nghệ cao, khởi nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo, du lịch, nông nghiệp, thực phẩm xanh và xây dựng huyện Cần Giờ thành địa phương xanh.
“Ngoài khung chiến lược nói trên, tại diễn đàn hôm nay, TP.HCM mong được lắng nghe các ý kiến chia sẻ, kiến nghị về một số vấn đề về chuyển đổi năng lượng xanh, giao thông xanh, xử lý rác thải, nước thải và tín chỉ carbon.
“Đây là kết quả bước đầu của việc nghiên cứu, TPHCM rất mong các tổ chức, chuyên gia, CEO và người dân tiếp tục góp ý để TP tiếp tục hoàn thiện trong thời gian sớm nhất”, ông Mãi nhấn mạnh.
Trong nội dung phát biểu của mình, Chủ tịch UBND thành phố cũng thông tin đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư về kế hoạch thí điểm xây dựng Cần Giờ trở thành địa phương xanh của thành phố.
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, TPHCM mong muốn xây dựng Cần Giờ như địa phương tiên phong thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2035, trước 15 năm so với cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Theo đó, thành phố sẽ tập trung xây dựng Cần Giờ ở các lĩnh vực giao thông xanh, các phương tiện giao thông trên địa bàn phải sử dụng nhiên liệu xanh, năng lượng xanh, xử lý rác thành điện phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. Xây dựng Cần Giờ không phát thải nhựa, phát triển du lịch xanh và thí điểm tín chỉ carbon với rừng Cần Giờ.
Về tín chỉ carbon, Nghị quyết 98 cho phép TPHCM được thí điểm giao dịch tín chỉ carbon là vấn đề mới mà theo ông Chủ tịch UBND TPHCM là rất cần được tư vấn từ các tổ chức, chuyên gia, doanh nghiệp về pháp lý, mô hình thí điểm, cách làm.
Vấn đề khởi nghiệp xanh và đầu tư xanh tại TPHCM, theo ông Mãi, TPHCM là trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước, hướng tới sẽ xây dựng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực. “Hiện thành phố đang hướng hoạt động này theo hướng phục vụ kinh tế xanh, phát triển xanh”, ông Mãi nói, và cho rằng: “Vấn đề đặt ra là khung thể chế, chính sách, mô hình và cách làm để sớm biến TPHCM thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển xanh”.
Cuối cùng là, vấn đề nguồn lực. Ngoài nguồn nhân lực chất lượng cao, vấn đề tài chính cho chuyển đổi xanh cũng rất lớn, thành phố mong lắng nghe ý kiến chuyên gia để phát triển tài chính xanh, kết nối quốc tế đến với TPHCM.
“Hành trình vạn dặm bắt đầu từ bước chân đầu tiên. Chúng tôi tin rằng, chúng ta có mặt ở đây và đang đi bước đi đầu tiên đó. TPHCM mong được nghe đề xuất, sáng kiến cụ thể từ các vị đại biểu và mong tiếp tục hợp tác trong hành trình xanh hướng đến tương lai, phát triển bền vững”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Sự kiện là dịp lãnh đạo TPHCM gặp gỡ và trao đổi với lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước về một số định hướng, cơ hội hợp tác nhằm đưa TPHCM trở thành địa phương tiên phong về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn để tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế, xã hội của cả nước.
Ý tưởng cho kinh tế xanh, phát triển bền vững
Tại chương trình, các CEO, chuyên gia, nhà đầu tư… đã chia sẻ cách làm hay, ý tưởng cho thành phố phát triển bền vững.
Ông Ichisaka Hirofumi, Giám đốc điều hành cấp cao về quan hệ quốc tế tỉnh Osaka (Nhật Bản), chia sẻ, ngay từ năm 1886, Nhật Bản đã có ý tưởng lồng ghép các nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống luật pháp, nỗ lực kiểm soát ô nhiễm. Tuy nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu, sản xuất hàng loạt sản phẩm nhựa đã đe dọa đến cả nhân loại và không thể giải quyết bởi một tỉnh hay quốc gia riêng lẻ.
Vị đại diện tỉnh Osaka tin rằng mỗi quốc gia, mỗi địa phương như TPHCM đã nhận thức rất rõ ràng tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, và hy vọng diễn đàn HEF 2023 là cơ hội tốt để ngồi lại với nhau để chia sẻ các ý tưởng, cách làm hay, truyền cảm hứng cho nhau trong hành trình này.
Đến từ thành phố Porto (Bồ Đào Nha), ông Ricardo Valente, Ủy viên hội đồng Thành phố về kinh tế và tài chính, chia sẻ ngay từ năm học đầu tiên, các em học sinh của địa phương đã được dạy làm sao để thích ứng với xanh hóa, tăng trưởng xanh. Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, thuận tiện cho phát triển xanh ở các tòa nhà, không gian trong xanh trong lòng thành phố.
Theo ông, để phát triển hiệu quả tăng trưởng xanh cần tạo ra một tinh thần kinh doanh tuần hoàn; đặt ra thử thách để các doanh nghiệp đáp ứng được những yêu cầu của thành phố, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Doanh nghiệp nào có giải pháp hiệu quả sẽ được chọn. Làm sao để việc tiêu dùng hằng ngày, như áo quần, thiết bị điện tử phải được tái sử dụng, tránh lãng phí, gây hại môi trường.
Và cuối cùng là chính sách tài khóa và cơ chế khuyến khích miễn giảm thuế. Thành phố Porto đã xây dựng chỉ số môi trường, miễn giảm thuế cho các công ty đáp ứng các chỉ số này. Bên cạnh đó, chúng tôi còn có trung tâm năng lượng cung cấp năng lượng cho người dân, hướng dẫn cho người dân xây nhà xanh, đáp ứng các tiêu chí xanh, an toàn môi trường…
Ông Erick Contreras, Tổng giám đốc công ty BASF Việt Nam, Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng xanh thuộc EuroCham Việt Nam, trong cuộc trao đổi cùng KTSG Online cho biết BASF là một trong những thành viên sáng lập Liên minh chấm dứt rác thải nhựa (AEPW). Nhiệm vụ chung của doanh nghiệp là giúp giải quyết một trong những vấn đề đầy thách thức ngày nay – rác thải nhựa.
Ông chia sẻ dự án tiêu biểu “Thành phố sạch – Việt Nam xanh” tại Hà Nội và TPHCM có một mục tiêu rõ ràng: tạo ra các giải pháp hiệu quả nhằm giảm lượng rác thải không được quản lý và khám phá giá trị tiềm năng của các vật liệu phế thải. Doanh nghiệp hướng tới việc tạo nguồn vốn, thu được các thành công nhanh chóng trong thời gian ngắn thông qua các dư án có tác động sớm, và nhân rộng các giải pháp được minh chứng thành công, và tin tưởng việc hỗ trợ AEPW và dự án nói trên có thể giúp TPHCM trong công tác giảm thiểu lượng rác thải nhựa.
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCharm Việt Nam cũng cho biết, các thỏa thuận xanh của Liên minh châu Âu, hay Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đều hướng đến mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0) vào 2050.
Phía EuroCharm mong muốn hỗ trợ thông qua chuyển giao công nghệ, chia sẻ mô hình, xây dựng năng lực cho các dự án, từ đó giúp TPHCM trở thành trung tâm xuất khẩu cho EU.
“Vài tháng tới, chúng tôi sẽ có một loạt hoạt động để doanh nghiệp có thể triển khai các thỏa thuận xanh của châu Âu, thúc đẩy phát triển bền vững”, ông Gabor Fluit thông tin. Thông qua các sự kiện, có thể thảo luận các giải pháp để giải tỏa áp lực từ các quy định mới của EU, thúc đẩy quan hệ hai bên và cũng giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát triển bền vững.