Khủng hoảng Belarus: Ai sẽ là 'ngư ông đắc lợi'?

Các cuộc biểu tình và đình công rầm rộ trên toàn quốc ở Belarus không những không thể lật đổ Tổng thống Alexander Lukashenko mà còn đẩy quốc gia Đông Âu này lún sâu hơn vào quỹ đạo địa chính trị của Nga.

Cuộc khủng hoảng Belarus đang khiến Tổng thống Alexander Lukashenko và người đồng cấp Nga Vladimir Putin "xích lại" gần nhau. (Nguồn: Euronews)

Cuộc khủng hoảng Belarus đang khiến Tổng thống Alexander Lukashenko và người đồng cấp Nga Vladimir Putin "xích lại" gần nhau. (Nguồn: Euronews)

Moscow và Minsk được cho là đã nhất trí nối lại nguồn cung cấp năng lượng của Nga cho Belarus - đây vốn là trở lại lớn nhất trong quan hệ giữa hai nước đồng minh và trong tương lai gần, họ có thể sẽ ký kết một số thỏa thuận mang tính lịch sử.

"Tuần trăng mật" ngắn ngủi

Trong những năm gần đây và đặc biệt là trong năm 2019, Nga và Belarus đã xảy ra một số cuộc tranh cãi về năng lượng. Belarus nhiều năm qua đã phụ thuộc vào Moscow về năng lượng giá rẻ và các khoản vay, nhưng trong tháng 1/2020, Điện Kremlin đã nói rõ rằng chính sách năng lượng giá rẻ dành cho đồng minh Belarus "đã trở thành quá khứ".

Nga đã ngừng cung cấp dầu khí cho Belarus, buộc nước Cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây này phải bắt đầu đa dạng hóa nguồn nhập khẩu năng lượng của mình. Ông Lukashenko dần tăng cường luận điệu chống Nga và tìm cách cải thiện quan hệ với các nước phương Tây.

Tháng 11/2019, ông đã đi thăm Áo và gặp gỡ Tổng thống Alexander Van der Bellen. Tháng 2/2020, ông đã đón tiếp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Belarus thậm chí được cho là đã mua 80.000 tấn dầu của Mỹ nhập khẩu qua Cảng Klaipeda của Litva.

Tuy nhiên, “tuần trăng mật” giữa “nhà độc tài cuối cùng của châu Âu” và phương Tây không kéo dài được lâu. Sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/8 vừa qua, phe đối lập Belarus - được phương Tây hậu thuẫn - đã tổ chức các cuộc biểu tình và đình công rầm rộ trên cả nước kéo dài cho đến tận hôm nay. Các nước phương Tây đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với một vài quan chức Belarus do trấn áp các cuộc biểu tình.

Ông Lukashenko dường như không có lựa chọn nào khác ngoài việc hướng về phía Đông và chấp nhận các điều kiện của Điện Kremlin. Ngày 3/9, Tổng thống Lukashenko đã nói với Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin: “Chúng tôi có thể chấp nhận các điều khoản về nhiều vấn đề mà chúng tôi không nhất trí trước đây. Ngài và Thủ tướng Belarus đã làm rất nhiều việc để hóa giải quan điểm, thậm chí đạt được thỏa thuận về nhiều vấn đề”.

Mặc dù các quan chức Belarus và Nga được cho là đã nhất trí về tương lai thương mại năng lượng giữa Minsk và Moscow, nhưng giới lãnh đạo Nga được cho là sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về những vấn đề vốn rất nhạy cảm và đau đầu, đặc biệt là đối với Belarus. Trong bối cảnh vị thế của ông Lukashenko bị suy yếu do sự hỗn loạn sau bầu cử, giờ đây ông sẽ phải đưa ra những thỏa hiệp đáng kể với Điện Kremlin.

Phụ thuộc hơn vào Nga

Trước khi cuộc khủng hoảng chính trị tấn công Belarus hồi tháng 8 vừa qua, Moscow đã kiên quyết yêu cầu Belarus hội nhập sâu hơn vào Nga để đổi lấy việc mua dầu và khí tự nhiên giá rẻ. Vì cảm thấy ông Lukashenko bắt buộc phải chơi ván bài của Nga, Moscow có thể sẽ chỉ đưa ra một khoản chiết khấu tượng trưng trong hoạt động mua bán năng lượng giữa hai nước và nhà lãnh đạo Belarus sẽ phải đồng ý tất cả các điều khoản của Nga liên quan đến thương mại năng lượng và Liên minh Nhà nước.

Theo Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak, giá dầu và khí đốt có tính đến yếu tố tình hình thị trường và công thức tính giá vẫn sẽ không thay đổi. Mặt khác, Belarus thậm chí có thể trả theo mức giá cũ, nếu ông Lukashenko và người đồng cấp Nga Vladimir Putin không đạt được một thỏa thuận lâu dài ở Moscow trong những tuần tới.

Belarus sẽ nhận 24 triệu tấn dầu của Nga trong năm 2020 và năm 2021, nhưng nếu Điện Kremlin không giảm giá đáng kể, nền kinh tế Belarus có thể gặp khó khăn. Do các nước vùng Baltic - Litva, Latvia và Estonia - đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Belarus, Minsk giờ đây sẽ phải xuất khẩu các sản phẩm của mình thông qua các bến cảng của Nga, việc này sẽ khiến Belarus phụ thuộc hơn nữa vào Nga.

Đáng chú ý là Moscow đang hỗ trợ cho nền kinh tế Belarus 4 tỷ USD/năm bằng các khoản viện trợ khác nhau. Và “không có cái gì gọi là bữa ăn miễn phí”, Belarus có thể sẽ phải đưa ra những nhượng bộ hơn nữa với Moscow để tiếp tục được nhận hỗ trợ tài chính. Ví dụ, ông Lukashenko gần đây đã thay thế những người đứng đầu an ninh và có một số dấu hiệu cho thấy việc thay thế là do áp lực từ phía Moscow.

Bên cạnh năng lượng, các vấn đề an ninh sẽ là trọng tâm của chương trình nghị sự trong các cuộc hội đàm sắp tới giữa ông Lukashenko và ông Putin, vì bộ trưởng quốc phòng hai nước đang “chuẩn bị đàm phán về lộ trình tăng cường hợp tác”. Nhiều khả năng, Belarus sẽ đồng ý đón nhận một cơ sở quân sự khác của Nga - điều mà ông Lukashenko chỉ mới 2 năm trước đây đã kịch liệt phản đối.

Cuối cùng, ông Putin và ông Lukashenko đã nhất trí rằng, Belarus sẽ là nước đầu tiên nhận được vaccine của Nga. Điều này có nghĩa nhà lãnh đạo Belarus đã thay đổi cơ bản chính sách chống Covid-19 của ông. Chính quyền của ông Lukashenko là nước duy nhất ở châu Âu, ngoài Thụy Điển, đã không áp đặt tình trạng khẩn cấp, không thực hiện giãn cách xã hội, cũng như các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn cách với phần còn lại của châu lục này hồi đầu năm nay.

Thậm chí, ông Lukashenko còn gọi virus corona là “một chứng rối loạn tâm thần” và kiên quyết bảo vệ chính sách Covid-19 của mình dù bị Nga chỉ trích nặng nề. Mặc dù phe đối lập không thể lật đổ được ông Lukashenko, song những thay đổi cũng đã đến với Belarus. Quốc gia này sẽ có mối quan hệ gần gũi với Nga hơn bao giờ hết.

(theo Lowyinstitute.org)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-belarus-ai-se-la-ngu-ong-dac-loi-123458.html