Khủng hoảng Belarus đe dọa 'Vành đai và Con đường' của Trung Quốc

Bất ổn chính trị sau cuộc bầu cử Tổng thống Belarus đang đe dọa những kế hoạch triển khai sáng kiến 'Vành đai và Con đường' (BRI) của Trung Quốc, đẩy Bắc Kinh rơi vào thế 'tiến thoái lưỡng nan'.

Chuyên gia nghiên cứu về quan hệ đối ngoại Waldemar Jaszczyk tại Viện Warsaw (Ba Lan) nhận định, trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã tăng cường mở rộng sự hiện diện kinh tế của mình ở Belarus, chọn quốc gia Đông Âu này làm liên kết chính trong sáng kiến BRI ở châu Âu.

Kể từ khi BRI ra mắt, Belarus và Trung Quốc đã gia tăng hoạt động thương mại và đầu tư song phương. (Nguồn: Asianews.it)

Kể từ khi BRI ra mắt, Belarus và Trung Quốc đã gia tăng hoạt động thương mại và đầu tư song phương. (Nguồn: Asianews.it)

Tận dụng sự ổn định chính trị của Belarus, vị trí địa lý đắc địa bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) và mong muốn của Tổng thống Alexander Lukashenko trong việc giảm phụ thuộc vào Nga, Bắc Kinh đã rót các khoản vay và đầu tư vào nước này.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình hàng loạt nhằm chống Chính phủ đã làm rung chuyển Belarus sau cuộc bầu cử Tổng thống gây tranh cãi. Điều này có nguy cơ làm tổn hại đến các khoản đầu tư BRI của Trung Quốc. Bất kể kết quả của cuộc khủng hoảng Belarus như thế nào, Bắc Kinh sẽ không tránh khỏi việc phải đối mặt với những thách thức trong thời gian tới.

Lựa chọn thay thế cho Ukraine

Theo chuyên gia Waldemar Jaszczyk, Belarus chắc chắn không phải là lựa chọn đầu tiên của Trung Quốc cho BRI. Ban đầu, ưu tiên này được dành cho Ukraine. Do vị trí địa lý, khả năng tiếp cận biển và nền công nghiệp lớn, Ukraine từ lâu đã được Bắc Kinh coi là cầu nối kinh tế trong tương lai với EU.

Do đó, các công ty Trung Quốc đã cân nhắc về một số khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD vào nước này, trong đó có 10 tỷ USD xây dựng một cảng nước sâu ở Crimea, nơi được lên kế hoạch trở thành một trung tâm trung chuyển lớn.

Tuy nhiên, cuộc Cách mạng Maidan năm 2014, việc Nga sáp nhập Crimea và xung đột ở miền Đông Ukraine đã buộc Bắc Kinh phải từ bỏ những kế hoạch đó và tìm một tuyến đường mới tới châu Âu cho BRI.

Kết quả là Belarus đã trở thành lựa chọn thay thế của Trung Quốc. Tổng thống Lukashenko ngay từ đầu đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo trong số các nhà lãnh đạo châu Âu lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ các kế hoạch kinh tế của Trung Quốc, coi việc nước này tham gia BRI là cơ hội để phát triển và nâng cao vị thế quốc tế của mình sau cuộc khủng hoảng Ukraine.

Cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã khiến Minsk gặp khó khăn trong việc mở rộng các lựa chọn chính sách đối ngoại và giảm bớt sự phụ thuộc mang tính lịch sử vào Nga. Đồng thời, yêu cầu hoàn lại các khoản vay và trợ cấp năng lượng của Nga đối với nền kinh tế Belarus, nhằm gây sức ép buộc nước này phải nhượng bộ trước yêu cầu hội nhập sâu hơn của Moscow, khiến nhu cầu thu hút các nhà đầu tư khác càng trở nên cấp thiết hơn.

Không muốn nhượng bộ trước sức ép từ Nga và các điều kiện nhân quyền của EU, ông Lukashenko coi Trung Quốc, với nguồn tài chính lớn và chính sách không can thiệp, là một giải pháp thay thế kinh tế thực dụng. Do đó, ông Lukashenko bắt đầu thường xuyên thăm Trung Quốc và mời các quan chức cấp cao từ Bắc Kinh.

Chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Belarus vào năm 2015 đã dẫn đến một thỏa thuận hợp tác và hữu nghị, ngay sau đó là tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2017 và một thỏa thuận du lịch miễn thị thực vào năm 2018.

Từ quan điểm chính trị, Minsk đã thu hút Trung Quốc nhờ sự ổn định "vẻ bên ngoài" và dễ dự đoán. Ông Lukashenko đã lên nắm quyền kể từ năm 1994, đồng thời Belarus có nguy cơ bất ổn chính trị và quân sự tương đối thấp so với các nước láng giềng.

Hơn nữa, Bắc Kinh đã thấy ở Belarus một sự gần gũi về ý thức hệ. Dưới thời ông Lukashenko, Belarus vẫn là quốc gia duy nhất ở châu Âu (ít nhiều) duy trì "sự lựa chọn xã hội chủ nghĩa". Những điều này đã khiến Belarus trở thành một đối tác kinh tế và chính trị hấp dẫn hơn so với những trường hợp khác.

Tương tự Ukraine, Belarus được hưởng lợi từ vị trí địa lý đắc địa của mình. Nằm ở vị trí chiến lược gần các thành phố cảng của Biển Baltic và nằm trên ngã tư của các tuyến đường bộ chính giữa châu Âu và châu Á, nước này đóng vai trò như một cửa ngõ tiềm năng vào thị trường EU, mục tiêu cuối cùng trong kế hoạch BRI của Bắc Kinh nhằm đưa hàng hóa Trung Quốc đi xuyên Á-Âu.

Hơn nữa, việc là quốc gia thành viên cực Tây của Liên minh Kinh tế Á-Âu do Nga lãnh đạo đã khiến Belarus có một chỗ đứng giá trị về mặt hàng miễn thuế trong khu vực kinh tế hậu Soviet đối với các công ty Trung Quốc. Vì lý do thuận tiện về địa lý và sự ổn định chính trị, Trung Quốc đã quyết định đưa Belarus trở thành một hình mẫu cho thành công của BRI.

Do đó, hai bên đã gia tăng hoạt động thương mại và đầu tư song phương. Kể từ khi BRI ra mắt vào năm 2013, các công ty Trung Quốc đã rót 1,6 tỷ USD vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Belarus, với đầu tư hàng năm tăng 200 lần trong 10 năm qua.

Kim ngạch thương mại giữa Belarus và Trung Quốc đã tăng từ chỉ 34 triệu USD năm 1992 lên gần 3 tỷ USD vào năm 2019, đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Belarus, chỉ sau Nga và Ukraine. Bắc Kinh cũng mở hạn mức tín dụng 15 tỷ USD cho Ngân hàng Phát triển Belarus, để bù đắp cho việc cạn kiệt quỹ của Nga.

Cho đến nay, ví dụ tham vọng nhất trong việc thắt chặt hợp tác Belarus-Trung Quốc là Khu công nghiệp Great Stone. Đây là một khu phức hợp kinh doanh rộng hơn 100 km2 ở ngoại ô Minsk, được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ca ngợi là "viên ngọc trai" của BRI, thu hút 1,2 tỷ USD đầu tư và hơn 60 công ty nước ngoài, trong đó có cả những tập đoàn công nghệ gây tranh cãi của Trung Quốc như Huawei và ZTE.

Khu công nghiệp này được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm hậu cần, tài chính và đổi mới chính cho các công ty châu Á đang tìm cách gia nhập thị trường EU trong những thập kỷ tiếp theo.

Bắc Kinh tiến thoái lưỡng nan

Tuy nhiên, giờ đây, bất ổn chính trị sau cuộc bầu cử Tổng thống Belarus đang đe dọa những kế hoạch đó. Có vẻ như bất kể cuộc khủng hoảng tại Belarus diễn ra theo hướng nào, Bắc Kinh sẽ gặp phải những tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Chiến thắng của phe đối lập và sự nổi lên của một chính phủ dân chủ ở Minsk sẽ đồng nghĩa với việc Trung Quốc mất đi một trong những đối tác nhiệt tình nhất trong khu vực. Mặc dù cho đến nay, phe đối lập Belarus không có bất kỳ lập trường công khai nào về Trung Quốc, nhưng những diễn biến như vậy sẽ gây ảnh hưởng đối với Trung Quốc.

Được thúc đẩy bởi các đồng minh mới từ phương Tây, một chính phủ mới ở Minsk có thể đánh giá lại các điều khoản và giá trị của các khoản vay và đầu tư hiện tại của Trung Quốc tại nước này, một số trong số đó đã gây ra sự phản ứng tại địa phương do tác động tiêu cực đến môi trường.

Trong trường hợp Tổng thống Lukashenko tiếp tục nắm quyền, các cuộc biểu tình cũng sẽ làm phức tạp thêm kế hoạch của Bắc Kinh nhằm sử dụng Belarus làm "cầu nối" vào thị trường châu Âu trong khuôn khổ BRI.

Phản ứng dữ dội của quốc tế và các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây sẽ khiến Minsk trở thành đối tác kém hấp dẫn hơn nhiều đối với Trung Quốc. Các cuộc biểu tình có thể sẽ kéo dài và dẫn đến ổn định chính trị tại Belarus cũng sẽ biến mất.

Ban đầu, Trung Quốc trở thành một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ đối với chiến thắng của ông Lukashenko ngay sau cuộc bầu cử. Chủ tịch Trung Quốc cũng là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên chúc mừng Tổng thống Lukashenko. Vài ngày sau, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phản đối việc các thế lực bên ngoài tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ và chia rẽ Belarus. Những tuyên bố ngoại giao đó phản ánh mong muốn của Trung Quốc trong việc duy trì hiện trạng chính trị ở các nước đối tác.

Tuy nhiên, khi tình hình chính trị ở Belarus tiếp tục xấu đi, Bắc Kinh đã có thái độ thận trọng hơn, hạn chế đưa ra bình luận chính trị về chủ đề này trong khi theo dõi chặt chẽ tình hình đang diễn ra. Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng tỏ ra né tránh vấn đề khi bày tỏ tôn trọng đối với "sự lựa chọn con đường phát triển của người dân Belarus" trong các tuyên bố chính thức của mình.

Điều đặc biệt xuất hiện trong phản ứng của Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng là nước này tập trung vào việc tiếp tục duy trì các mối quan hệ kinh tế hiệu quả giữa hai nước trong khuôn khổ BRI. Trong cuộc điện đàm với ông Lukashenko, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác với các nước Đông Âu, bày tỏ sự sẵn sàng "cùng thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Belarus và mở rộng hợp tác cùng có lợi".

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-belarus-de-doa-vanh-dai-va-con-duong-cua-trung-quoc-123939.html