Sau chuyến thăm gây tranh cãi tới Nga, Thủ tướng Hungary tiếp tục tới Trung Quốc

Sau chuyến thăm gây tranh cãi tới Nga, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã bất ngờ dừng chân tại Bắc Kinh vào ngày 7/8 để hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã đưa tin rằng ông Tập và ông Orban đã gặp nhau, nhưng không nêu rõ chi tiết.

Hungary, nước vừa tiếp quản chức chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu, tách biệt với hầu hết các nước trong khối do có mối quan hệ tương đối nồng ấm với cả Nga và Trung Quốc.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đến Bắc Kinh vào ngày 8/7.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đến Bắc Kinh vào ngày 8/7.

Bộ Kinh tế Hungary trước đó đã chỉ trích gay gắt động thái của châu Âu nhằm áp đặt cái mà họ gọi là mức thuế bổ sung "tàn bạo" đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, có hiệu lực tạm thời vào tuần trước.

Các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và châu Âu về thuế quan dự kiến sẽ tiếp tục trước khi các thành viên EU bỏ phiếu vào cuối năm nay về việc có nên áp dụng thuế trong năm năm hay không.

Hungary được cho là tiếng nói hữu ích cho Bắc Kinh trong việc gây sức ép buộc các nước láng giềng châu Âu nếu không thể xóa bỏ hoàn toàn thuế quan thì ít nhất cũng phải giảm bớt thuế quan.

Hungary cũng đang trở thành một cơ sở sản xuất quan trọng cho các công ty Trung Quốc. Khi ông Tập Cận Bình đến thăm Budapest vào tháng 5, hai bên đã ký một loạt các thỏa thuận khi họ thiết lập "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong mọi hoàn cảnh ở kỷ nguyên mới".

Ông Gabor Seprenyi, cựu nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Hungary ở Tokyo, cho biết chuyến thăm Trung Quốc của ông Orban không thể chỉ được xem xét trong bối cảnh song phương, khi mà ông Tập vừa dành ba ngày ở Hungary.

"Hungary có rất nhiều rủi ro trong việc EU áp thuế nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc. Hungary đã đặt cược sớm vào việc tham gia vào xu hướng xe điện với sự hỗ trợ bởi các khoản đầu tư từ Trung Quốc và chiến lược này vừa mới bắt đầu có hiệu quả. Gã khổng lồ xe điện Trung Quốc BYD đang xây dựng nhà máy lớn nhất của mình tại Liên minh châu Âu (EU) ở Hungary và một số nhà sản xuất pin của Trung Quốc, bao gồm CATL, đang đổ xô đến Hungary", ông Seprenyi cho hay.

Trong khi hoạt động sản xuất tại địa phương này có thể giúp bảo vệ các công ty Trung Quốc khỏi thuế quan, thì các hành động trả đũa leo thang cũng có thể gây nguy hiểm.

"Bất kỳ xung đột thương mại nghiêm trọng nào giữa EU và Trung Quốc về xe điện hoặc pin, đặc biệt là thuế quan cao, đều có nguy cơ làm chệch hướng chiến lược này và gây tổn hại đến lợi ích của Hungary", ông Seprenyi cho biết.

Tương tự như vậy, Budapest đã phản đối một số nỗ lực của châu Âu nhằm hỗ trợ Ukraine chống lại cuộc chiến của Nga.

Sứ mệnh hòa bình

Chính phủ của ông Orban mô tả chuyến công du hiện tại của ông là một "sứ mệnh hòa bình", nhưng chuyến đi tới Nga của ông vào cuối tuần trước đã bị các nhà lãnh đạo châu Âu lên án gay gắt.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Hungary Viktor Orban bắt tay nhau trong một cuộc họp tại Moscow, Nga, ngày 5/7/2024. (Ảnh: Valeriy Sharifulin, Sputnik)

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Hungary Viktor Orban bắt tay nhau trong một cuộc họp tại Moscow, Nga, ngày 5/7/2024. (Ảnh: Valeriy Sharifulin, Sputnik)

"Chủ tịch luân phiên của EU không có nhiệm vụ phải hợp tác với Nga thay mặt cho EU", Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel viết trên tài khoản X.

Ông Orban cũng đã đến thăm Ukraine vài ngày trước đó. Ông bảo vệ quyết định gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin khi tuyên bố rằng: "Số lượng các quốc gia có thể đàm phán với cả hai bên đang giao tranh đang giảm dần. Hungary đang dần trở thành quốc gia duy nhất ở châu Âu có thể đàm phán với tất cả các bên".

Ông Stephen Nagy, giáo sư chính trị và nghiên cứu quốc tế tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế ở Tokyo, cho biết Thủ tướng Hungary Orban đang cố gắng đàm phán với các bên liên quan chính, bao gồm Ukraine, Nga và hiện nay là Trung Quốc - đối tác thân cận của Moscow "trong nỗ lực chấm dứt xung đột ở Ukraine càng sớm càng tốt".

"Hungary không ủng hộ Nga, ủng hộ Trung Quốc hay chống Ukraine. Họ muốn chiến tranh kết thúc vì tác động tiêu cực đến nền kinh tế Hungary và châu Âu", ông Nagy nói.

Cũng theo ông Nagy, Thủ tướng Hungary có thể đang cố gắng chứng minh Hungary có thể là "quốc gia cầu nối" giữa các cường quốc đối lập. Ông cũng gợi ý rằng nhà lãnh đạo Hungary "có thể đang cố gắng tạo ra một thỏa thuận trong đó Trung Quốc cung cấp hỗ trợ cụ thể để chấm dứt chiến sự bằng cách giảm hỗ trợ cho Nga, bằng cách đề nghị đàm phán với EU về thuế quan”.

Hải Đăng

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/sau-chuyen-tham-gay-tranh-cai-toi-nga-thu-tuong-hungary-tiep-tuc-toi-trung-quoc-d113058.html