Khủng hoảng chi phí sinh hoạt 'phủ bóng đen' lên mùa mua sắm trước Lễ Giáng sinh

Các nhà bán lẻ châu Âu lo ngại mùa mua sắm lễ Giáng sinh năm nay có thể trở thành mùa mua sắm cuối năm tồi tệ nhất trong ít nhất một thập kỷ qua, do người dân có xu hướng cắt giảm chi tiêu.

Lạm phát ở mức hai con số đã làm giảm sức mua của người tiêu dùng ở châu Âu. (Nguồn: Reuters)

Lạm phát ở mức hai con số đã làm giảm sức mua của người tiêu dùng ở châu Âu. (Nguồn: Reuters)

Lạm phát ở mức hai con số đã làm giảm sức mua của người tiêu dùng và chỉ số lòng tin của họ cũng đang ở mức hoặc gần với mức thấp nhất được ghi nhận trong lịch sử, khi hóa đơn năng lượng tăng vọt khiến chi phí sinh hoạt leo thang.

Nhưng để giúp “bảo vệ” hầu bao của mình, người tiêu dùng đã bắt đầu mua sắm cho lễ Giáng sinh sớm hơn trong năm nay và nhiều người vẫn đang chi tiêu vào ngày hội giảm giá Black Friday.

Tuy nhiên, người tiêu dùng tại mỗi nước có thể có những ưu tiên mua sắm khác nhau, giữa bối cảnh Xứ Wales, Anh, Hà Lan và Ba Lan đều thi đấu trong khuôn khổ World Cup 2022 vào đúng dịp Black Friday năm nay (ngày 25/11).

Nhà bán lẻ đồ điện của Anh Currys cho biết, người tiêu dùng đang ưu tiên các sản phẩm nội địa thiết yếu như lò vi sóng và các mặt hàng tiết kiệm năng lượng như nồi chiên không dầu và máy sấy quần áo bơm nhiệt.

Trong khi đó, Boots cho biết thiết bị điện làm đẹp có doanh số bán tốt nhất của họ trong dịp Black Friday năm nay là thiết bị tẩy lông Philips Lumea với mức giảm giá mạnh 180 Bảng Anh.

Tuy nhiên, những người tiêu dùng đang tìm mua những chiếc iPhone đời mới nhất có thể phải thất vọng, sau khi tập đoàn công nghệ Apple Inc cảnh báo rằng chính sách Zero-Covid của Trung Quốc đang siết chặt sản lượng của họ tại một nhà máy trọng điểm.

Theo nghiên cứu của GlobalData cho VoucherCodes, người dân Anh sẽ chi 8,7 tỷ Bảng Anh (10,5 tỷ USD) vào dịp Black Friday cuối tuần này (từ ngày 25-28/11), tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại chứng kiến sự sụt giảm lớn về khối lượng do lạm phát cao hoành hành.

Marc Pettican, người đứng đầu dịch vụ thanh toán Barclaycard Payments, cho biết: “Doanh số bán hàng trong dịp Black Friday năm nay tăng so với cùng kỳ năm ngoái sẽ là một tin đáng mừng cho các nhà bán lẻ trong bối cảnh kinh tế đầy thách thức này”.

Theo các chuyên gia tư vấn của McKinsey, năm nay, người tiêu dùng sẽ sử dụng Black Friday, vốn đang dần trở thành một sự kiện trực tuyến, vào các món hàng tự phát và quà tặng Giáng sinh nhiều hơn, thay vì mua những hàng hóa có giá trị lớn.

Nghiên cứu của McKinsey cho thấy, 1/4 người tiêu dùng Vương quốc Anh đã mua sắm cho kỳ Giáng sinh của họ, trong khi chỉ khoảng 1/10 số người tiêu dùng dự định thực hiện việc đó vào dịp Black Friday.

Idealo, cổng thông tin so sánh giá cả tại châu Âu, cho biết 65% người mua sắm trực tuyến ở Italy sẵn sàng mua gì đó trong sự kiện hàng năm này.

Theo nghiên cứu của PwC, tại Pháp, 70% người tiêu dùng có kế hoạch mua sắm vào Black Friday và Cyber Monday (Thứ Hai điện tử). Tuy nhiên, theo Hiệp hội các công ty hàng tiêu dùng Tây Ban Nha, người dân nước này ít quan tâm hơn đến sự kiện Black Friday, khi chỉ có 24% người tiêu dùng có kế hoạch tận dụng dịp này để mua sắm.

Tại Mỹ, Liên đoàn bán lẻ quốc gia (NRF) dự báo doanh số bán hàng trong kỳ nghỉ lễ cuối năm nay sẽ tăng với tốc độ chậm hơn và thời tiết khắc nghiệt ở một số khu vực vào ngày 25/11 đồng nghĩa với việc lượng người mua sắm sẽ thưa thớt vào dịp Black Friday.

“Gã khổng lồ” thương mại điện tử Amazon dự báo mức tăng trưởng doanh thu bán hàng của họ trong mùa Giáng sinh năm nay chậm nhất so với bất kỳ kỳ nghỉ lễ nào trong nhiều năm qua.

Trong khi đó, một lượng lớn công nhân của Amazon tại các chi nhánh của họ ở Đức và Pháp đã tiến hành đình công đòi tăng lương. Các công đoàn ngành dịch vụ cảnh báo, tình trạng ngừng hoạt động này có thể kéo dài cho đến Giáng sinh. Đây là một phần trong Chiến dịch toàn cầu "Make Amazon Pay" - do Mạng lưới Công đoàn toàn cầu (UNI Global Union) điều phối, yêu cầu ban lãnh đạo của Amazon tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày một tăng.

Khoảng 1.000 quản lý cửa hàng làm việc cho Zara và các thương hiệu thời trang khác thuộc sở hữu của Inditex cũng đã đình công tại Tây Ban Nha để yêu cầu mức lương cao hơn.

Hơn một thập kỷ đã qua kể từ khi được Amazon “phổ cập” tại châu Âu, giá trị của sự kiện mua sắm lớn nhất năm Black Friday đối với các nhà bán lẻ vẫn đang dẫn tới nhiều ý kiến trái chiều.

Những người ủng hộ nói rằng các chương trình khuyến mãi được lên kế hoạch cẩn thận với sự hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp toàn cầu cho phép các nhà bán lẻ tăng doanh số bán hàng và duy trì tỷ suất lợi nhuận. Song những người không tán thành lập luận rằng, việc giảm giá làm giảm doanh số bán hàng dịp Giáng sinh và khiến lợi nhuận giảm, làm ảnh hưởng đến tâm lý sẵn sàng trả đúng giá niêm yết của người tiêu dùng trước các mùa lễ hội.

(theo Reuters)

Thanh Trà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-chi-phi-sinh-hoat-phu-bong-den-len-mua-mua-sam-truoc-le-giang-sinh-207573.html