Khủng hoảng chính trị Peru: Người hùng đơn độc

Với cuộc khủng hoảng chính trị ngày một nghiêm trọng, Tổng thống Peru Martin Vizcarra đang cố gắng đẩy mạnh một cuộc cải cách thể chế nhằm cứu vãn tương lai nước nhà.

Tổng thống Peru Martin Vizcarra. (Nguồn: AP)

Chính trường Peru rơi vào khủng hoảng sâu sắc nhất trong suốt ba thập kỷ, khi mâu thuẫn giữa Tổng thống Vizcarra và phe đối lập tiếp tục leo thang. Đỉnh điểm là ngày 30/9 vừa qua, ông Vizcarra đã tuyên bố giải tán và tiến hành bầu cử Quốc hội, song đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của chính cơ quan này.

Hành pháp đối đầu lập pháp

Từ lâu, chính quyền Tổng thống Vizcarra đã cáo buộc phe đối lập lợi dụng Quốc hội và tòa án để né tránh các cuộc điều tra hình sự. Việc giải tán Quốc hội đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Peru khi nhiều nghị sỹ bị tình nghi tham nhũng và nhận hối lộ, làm xói mòn niềm tin của công chúng đối với các đảng phái và thể chế chính trị.

Đáp lại, ngày 30/9, thành viên đảng đối lập cho rằng đây là "cuộc đảo chính" và từ chối rời khỏi Quốc hội, bỏ phiếu đình chỉ chức vụ Tổng thống của ông Vizcarra và đề cử Phó Tổng thống Mercedes Araoz nhậm chức "Tổng thống lâm thời" với lập luận điều này là đúng quy định của hiến pháp. Đáp lại, chính phủ Peru đã phủ nhận tính pháp lý của động thái này, cho rằng nó được đưa ra sau khi cơ quan lập pháp đã bị giải tán.

Sau đó, ngày 1/10, bà Araoz xin từ chức Phó Tổng thống cùng với chức vụ “Tổng thống lâm thời” với lý do “trật tự hiến pháp Peru đã bị phá vỡ”, thừa nhận đã nhậm chức trong một hoạt động mang tính chính trị chứ không có hiệu lực trong việc điều hành đất nước. Bước đi này đã giáng mạnh vào phe các “cựu” nghị sĩ đối lập, những người cam kết trung thành với bà một ngày trước đó.

Chủ tịch Quốc hội đã bị giải tán Pedro Olaechea nghe tin bà Araoz từ chức trong khi đang thực hiện một cuộc phỏng vấn với CNN, song cũng không đưa ra bình luận gì mấy. Bù lại, ông Olaechea khẳng định mình cũng sẽ không lên nắm quyền. Đây có thể là chiến thắng chiến lược dành cho Tổng thống Vizcarra, nhưng nó chắc chắn chưa phải là kết thúc cho hỗn loạn ở Peru.

Cải cách là cần thiết

Sẽ không sai nếu nói rằng những diễn biến gần đây tại Peru là cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất tại đất nước này trong ba thập kỷ qua. Chính trường Lima từ lâu đã hỗn loạn, nhưng lại tập trung vào một vấn đề duy nhất: tham nhũng chính trị.

Bốn đời Tổng thống trước đây của Peru đều vướng vào những “scandal” nghiêm trọng liên quan đến những bê bối tham nhũng. Hai người đã bị kết tội, một người đã bị bắt tại Mỹ theo lệnh dẫn độ. Ngày 17/4, cựu tổng thống Alan Garcia đã tự sát để tránh bị bắt giữ. Diễn biến này cho thấy rằng giờ đây, ở Peru, một khi đã phạm tội thì người đứng đầu đất nước cũng không tránh khỏi sự trừng phạt của pháp luật.

Điều mà Peru hiện còn thiếu là một cuộc cải cách cấu trúc chính trị. Đó chính xác là những gì ông Vizcarra từng đề xuất với Quốc hội trước khi giải tán cơ quan lập pháp này. Ông cáo buộc rằng sự do dự của Quốc hội chẳng khác gì cơ quan này đã bỏ phiếu bất tín nhiệm với nội các của ông và dựa vào Hiến pháp Peru, ông hoàn toàn có quyền giải thể Quốc hội. Hiến pháp Peru năm 1993 quy định, Tổng thống có thể giải thể Quốc hội nếu các nhà lập pháp hai lần bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ.

Tổng thống Vizcarra, một nhà chính trị trung dung được người dân Peru ngưỡng mộ vì tính cách thẳng trực, dám nói dám làm và sẵn sàng chiến đấu với tham nhũng. Tuy vậy, ông lại thiếu quyền lực chính trị do đảng của ông chỉ chiếm 5/130 ghế ở Quốc hội, trong khi phe bảo thủ đối lập chiếm đa số ghế (54/130). Ngoài ra, phần lớn số nghị sỹ Peru đã liên minh với bà Keiko Fujimori, con gái của cựu Tổng thống bị phế truất và cầm tù Alberto Fujimori.

Nếu cuộc đấu tranh quyền lực giữa Tổng thống Martin Vizcarra với phe đối lập trong Quốc hội không sớm chấm dứt, nó sẽ không chỉ khiến chính trường Peru ngày một đình trệ, mà còn có thể hủy hoại những thành tựu về kinh tế mà Lima đã đạt được trong nhiều năm qua.

Giai đoạn 2006 - 2016, tỷ lệ người nghèo tại quốc gia Nam Mỹ đã giảm từ 49,1% xuống còn 20.7%. Ngoài ra, trong những năm qua, tình trạng bất bình đẳng thu nhập tuy còn cao, song đã giảm đáng kể. Thành quả này có được do sự bùng nổ của thị trường xuất khẩu khoáng sản, những chính sách ưu đãi cho khu vực tư nhân và các chương trình nhắm mục tiêu cho người thu nhập thấp của Chính phủ Peru.

Trong bối cảnh đó, những gì Tổng thống Vizcarra đang mong muốn kêu gọi cải cách hòa bình, tìm kiếm thêm đồng minh cùng chí hướng, bỏ lại những kẻ chống đối lại phía sau để vượt qua khủng hoảng chính trị hiện nay.

Quang Đào

Quang Đào

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-chinh-tri-peru-nguoi-hung-don-doc-102176.html