Khủng hoảng COVID-19: Ấn Độ phong tỏa, nhiều lao động nghèo phải về quê vì 'không ai ăn được sỏi đá cả'

Ấn Độ đã ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc do đại dịch COVID-19. Hàng nghìn lao động nhập cư mất việc làm buộc phải về quê hương bản quán - cùng nguy cơ đem theo virus về quê nhà.

Bunty không sợ con virus corona. Vấn đề đối với anh là gia đình anh trong mấy ngày tới sẽ sống bằng gì, theo báo Spiegel của Đức.

Anh đi bên lề đường, đứa con bé bỏng ngồi trên vai hai tay ôm cổ bố. Một phóng viên đài truyền hình ấn độ NDTV đi theo gia đình này một đoạn đường, anh đeo khẩu trang. Vợ của Bunty đi theo phía sau anh, đầu cô đội một chiếc khăn màu xanh, bên trên là một chiếc tay nải lớn, toàn bộ của nả của gia đình Bunty đều ở trong cái tay nải này. Hai đứa con của Bunty lẽo đẽo theo sau cha mẹ chúng.

Họ phải đi bộ vì từ đầu tuần tới giờ các xe đò và tàu hỏa đã ngừng hoạt động, xe taxi cũng bị cấm, các chuyến bay cũng ngừng bay, vả lại nếu các phương tiện này còn hoạt động thì gia đình này cũng không có đủ tiền mà mua vé. Bunty ăn lương công nhật mỗi ngày không quá 2 Euro (khoảng 60.000 VNĐ). Kể từ khi chính phủ Ấn Độ lo sợ virus corona lây lan và ban lệnh phong tỏa toàn quốc, thì khoản thu nhập còm này của Bunty cũng không còn.

Nhà máy ngừng hoạt động, công trường không một bóng người, đường phố Delhi vốn dĩ vô cùng tấp nập, đông đúc nay vắng vẻ như một thành phố chết. Ngay từ lúc này thực phẩm mang theo không còn là bao, con đường mà họ phải đi còn rất dài và sẽ lắm gian nan: 150 km, từ Delhi về đến làng quê của họ. Bunty tính, có lẽ gia đình anh phải đi mất hai ngày, và có khi còn lâu hơn. Tuy nhiên ở lại thành phố là điều không thể, như vợ anh nói với các nhà báo: "Không ai ăn được sỏi đá cả".

Hàng nghìn người, đàn ông, đàn bà và cả trẻ con đi bộ dọc theo đường cao tốc để về quê, bởi ở thành phố họ không còn việc làm và các phương tiện giao thông công cộng đã ngừng hoạt động. Họ xách tay nải, đeo ba lô, có người chỉ mang theo mỗi một bọc ni lông. Rất nhiều người dùng khăn che kín miệng - để ngăn virus corona và cả bụi bặm.

Những người dân nhập cư từng đổ xô ra thành phố với hy vọng đổi đời, nay lại ùn ùn kéo về quê với hy vọng tìm được cuộc sống bình yên. Điều mà chính phủ Ấn Độ lo lắng và muốn ngăn chặn là việc hàng nghìn người dân ở các thành phố trở về quê hương của họ ở nông thôn và mang theo virus lây bệnh cho người khác.

"Cách ly xã hội" là một đặc quyền không tồn tại ở các khu ổ chuột

Tối thứ 3 tuần trước, Thủ tướng Narendra Modi đã tuyên bố lệnh giới nghiêm ngoài sức tưởng tượng của mọi người: 1,37 tỷ dân Ấn Độ không được ra khỏi nhà trong vòng 3 tuần lễ. Thủ tướng Modi không giấu giếm nỗi lo ngại về nguy cơ đại dịch có thể bùng phát ở Ấn Độ; ông đã đề cập đến 2 nước Italy và Mỹ - "hai quốc gia có hệ thống y tế vào loại tiên tiến nhất thế giới". Đếnnhững nước giàu có còn bị sụp đổ, thì Ấn Độ sẽ phải xử lý ra sao?

Cho đến nay ở Ấn Độ số ca bị lây nhiễm bệnh tương đối thấp, chưa đến một nghìn người (vào thời điểm bài viết được đăng tải trên báo Spiegel), bộ Y tế Ấn Độ vẫn khẳng định virus corona chủng mới chưa phát tán tự do trong dân chúng.

Nhưng nếu điều đó xảy ra thì sao đây? Người Ấn Độ sống chật chội hơn so với người dân châu Âu, ba thế hệ chung sống dưới một mái nhà là chuyện khá phổ biến. Tại các khu ổ chuột không thể có điều kiện thực thi "cách ly xã hội". Trong điều kiện thông thường, hệ thống y tế quốc doanh của Ấn Độ vốn dĩ đã mong manh và đạt tới giới hạn của nó.

Giới nghiêm ở Delhi: đường xá im lặng như tờ. Ảnh: Reuters

Giới nghiêm ở Delhi: đường xá im lặng như tờ. Ảnh: Reuters

Sự sống còn của hàng triệu con người bị đe dọa

"Nếu chúng ta không vượt qua được trong 21 ngày tới, thì nhiều gia đình sẽ bị tan vỡ vĩnh viễn", Thủ tướng Modi nói. Ông Modi nói điều này không phải với tư cách là một thủ tướng, mà với tư cách một người có gia đình. Ông đã giơ hai tay lên trời, cầu khẩn những người đồng bào của mình hãy ở yên tại nơi họ đang ở.

Tuy nhiên, ông Modi chưa giải thích được rõ ràng về việc hàng triệu người lao động Ấn Độ, sống bằng tiền lương công nhật mỗi ngày có thể tiếp tục sống trong những tuần tới mà không có thu nhập. Những người chạy xích lô, nhân viên bảo vệ, thu gom rác thải và phụ hồ, v.v… - những người hàng ngày bảo đảm sự tồn tại cho các thành phố lớn như Delhi, Mumbai hay Bangalore, họ làm cách nào để tồn tại?

Ba phần tư dân số Ấn Độ làm việc trong lĩnh vực "phi chính thức", họ không có bảo hiểm xã hội. "Hãy ngồi ở nhà", đó là một yêu cầu xa xỉ với họ. Họ cố gắng lắm thì cũng chỉ có thể ngồi nhà vài ngày, chứ không thể ngồi nhà đến 3 tuần lễ.

Chùa chiền, thánh đường là nơi có các xuất ăn miễn phí cho người nghèo giờ đã bị đóng cửa, và các tổ chức từ thiện lúc này cũng không biết điều gì được phép, điều gì bị cấm đoán. Sự chuẩn bị cho lệnh phong tỏa không được tốt, đất nước lâm vào tình trạng hoang mang, hỗn loạn, trong trường hợp xấu nhất người nghèo ở Ấn Độ phải tự quyết định, cái gì đáng sợ hơn đối với họ - dịch COVID-19 hay chết đói?

Mặt khác, liệu ông Modi có thể có lựa chọn khác hay không? Tính trung bình trên 100.000 dân, nước Đức có 29 giường bệnh chăm sóc đặc biệt, Italy chỉ có trên 12 giường, còn Ấn Độ chỉ có chưa đến 2 giường. Điều đó có nghĩa là nếu dịch bệnh bùng phát mạnh - như điều đang diễn ra với các nước phương Tây - thì hệ thống y tế Ấn Độ sẽ sụp đổ nội trong ít ngày – và không chỉ có thế.

Đại dịch COVID-19 đã lan tới các nước mới nổi ở châu Á và đại dịch này đã bước sang một giai đoạn mới. Các nước như Ấn Độ, Thái Lan và Campuchia trong mấy năm qua đã có sự vươn lên mạnh mẽ. Một tầng lớp trung lưu ra đời, hàng triệu người thoát nghèo. Mọi thành tựu này giờ đây có thể bị dịch bệnh này phá tan tành. "Tương lai của đại dịch này chủ yếu sẽ được quyết định bới những quốc gia có đông dân cư", ông Mike Ryan, người đứng đầu chương trình sức khỏe khẩn cấp của WHO nhận xét.

Cho đến nay, Ấn Độ tuyên bố sẽ dành khoản cứu trợ trị giá 20 tỷ Euro cho người nghèo nhằm giảm khó khăn cho họ vì lệnh phong tỏa toàn quốc. Tiền sẽ được chuyển vào tài khoản của người nghèo, hiện đã có nhiều người mở được tài khoản ngân hàng, tuy nhiên không phải tất cả. Gạo, bột, thậm chí cả bình ga được phân phát miễn phí cho người nghèo. Tuy nhiên các biện pháp hỗ trợ này diễn ra rất chậm chạp và nhiều người không muốn chờ đợi lâu như vậy.

Mintu Chaudhry cũng thế. Người đàn ông 32 tuổi này chạy xích lô máy ở Jaipur, một thành phố thuộc Rajasthan. Anh ủng hộ lệnh phong tỏa của chính phủ: "Ai muốn cứu gia đình mình, kẻ đó sẽ cứu đất nước mình". Chaudhry luôn đeo khẩu trang và rửa tay nhiều lần trong ngày. Anh cũng đã từng đến phòng khám vì mấy người quen thấy anh hay đưa đón khách du lịch nước ngoài ra sân bay, xách hành lý cho họ nên cho rằng anh có thể bị lây nhiễm.

Chaudhry nghĩ "chúng ta phải làm tất cả những gì cần thiết ." Nhưng từ khi lệnh phong tỏa được áp dụng, anh không còn khách, và cảnh sát cũng đã tịch thu xe của anh. Trong khi đó, giá thực phẩm, rau quả lại tăng vọt - một phần vì người dân hoảng loạn mua đồ tích trữ, mặt khác do việc vận chuyển bị ách tắc. Trước kia, mỗi ngày Chaudhry có thể kiếm 10 Euro, giờ đây khoản tiền dành dụm ít ỏi của anh đang vơi đi nhanh chóng.

Vì lẽ đó, anh quyết định đưa vợ con về quê. Thế nhưng cảnh sát lại bắt mọi người ở yên trong nhà, thậm chí còn dùng roi phạt cảnh cáo. Tuy nhiên vào buổi sáng sớm khi họp chợ, cảnh sát cũng có phần nhẹ tay hơn. Tận dụng cơ hội này, Chaudhry đã đưa cả nhà về quê, cách thành phố khoảng 120 km.

Ấn Độ chưa có mạng lưới an sinh xã hội vững chắc, nhà nước không phải lúc nào cũng là chỗ dựa chắc chắn. Gia đình là chỗ dựa lớn nhất và duy nhất. Gia đình Chaudhry có một ngôi nhà nhỏ và một mảnh vườn ở quê, trong hoàn cảnh khủng hoảng hiện tại điều này rất có giá trị. Giá lương thực, thực phẩm ở quê sẽ thấp hơn so với thành phố. Chaudhry nói: "Tôi sẽ ở lại đây với gia đình mình."

Nguyễn Xuân Hoài

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/khung-hoang-covid-19-an-do-phong-toa-nhieu-lao-dong-ngheo-phai-ve-que-vi-khong-ai-an-duoc-soi-da-ca-8202024193028887.htm