Khủng hoảng của WeWork, Uber và năm thảm họa của kinh tế chia sẻ

Năm 2019 bị đánh giá là quãng thời gian thất bại thảm hại của nền kinh tế chia sẻ khi hàng loạt startup 'kỳ lân' kinh doanh thua lỗ, thậm chí đối mặt với nguy cơ phá sản.

Tại Mỹ, kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của WeWork sụp đổ, giá trị vốn hóa bốc hơi hàng chục tỷ USD. Cổ phiếu của Uber và Lyft sụt giá thảm hại sau IPO. Airbnb đối mặt với cuộc khủng hoảng về sự an toàn.

Ở Trung Quốc, startup chia sẻ xe đạp Ofo trượt tới bờ vực phá sản. “Uber của Trung Quốc” Didi Chuxing vật vã duy trì dịch vụ đi chung sau một số vụ tài xế sát hại hành khách gây chấn động.

Theo tạp chí Tài Kinh, bong bóng kinh tế chia sẻ vỡ buộc Phố Wall và các nhà đầu tư dè chừng, nhiều công ty khởi nghiệp phải thay đổi chiến lược tăng trưởng, trong khi chính phủ các nước bắt đầu xem xét điều chỉnh khu vực kinh tế mới nổi này.

Sự sụp đổ của WeWork ảnh hưởng nghiêm trọng tới SoftBank. Ảnh: Nikkei.

Sự sụp đổ của WeWork ảnh hưởng nghiêm trọng tới SoftBank. Ảnh: Nikkei.

Sự sụp đổ của WeWork

WeWork gây chấn động nhất trong năm 2019 sau khi hủy bỏ kế hoạch IPO vì kết quả kinh doanh thảm hại. Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản và các nhà đầu tư đối mặt với những khoản lỗ khổng lồ.

Trong quý III/2019, quỹ Vision Fund của SoftBank ôm lỗ nặng vì 20 công ty mà quỹ này đầu tư, bao gồm Uber, làm ăn thất bát. SoftBank là nhà đầu tư công nghệ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Và năm 2019 thảm hại cũng gây tác động tiêu cực dữ dội lên nền kinh tế chia sẻ toàn cầu.

Thất bại của WeWork và kết quả kinh doanh đáng thất vọng của các công ty đã niêm yết khác cho thấy một số nhà đầu tư mạo hiểm như SoftBank đã quá ảo tưởng về giá trị của các startup này.

“Các nhà đầu tư mạo hiểm định giá bằng trí tưởng tượng, còn thị trường nhìn vào lợi nhuận và dòng tiền để đánh giá hoạt động kinh doanh (của các startup)”, Tài Kinh dẫn lời nhà phân tích Gui Zhaoyu, đồng sáng lập JG Investment và cựu CEO Carlyle Group nhận định.

SoftBank bị ảnh hưởng nặng nề vì thất bại của các startup chia sẻ. Ảnh: Getty.

SoftBank bị ảnh hưởng nặng nề vì thất bại của các startup chia sẻ. Ảnh: Getty.

Theo giám đốc một công ty đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon, sau vụ WeWork và Uber, các nhà đầu tư giờ rất lo lắng với mô hình ‘tăng trưởng mạnh, chi phí cao, khó sinh lời’. Do đó, sự hào hứng của giới đầu tư mạo hiểm đối với các startup bắt đầu hạ nhiệt.

Theo báo cáo của CBInsights và Công ty tư vấn PwC, đầu tư từ các quỹ mạo hiểm toàn cầu giảm 7% xuống còn 50 tỷ USD trong quý III/2019. Các công ty khởi nghiệp Mỹ huy động được 26 tỷ USD trong quãng thời gian này, giảm 15% so với quý II/2019.

Đầu tư lao dốc

Số lượng các thương vụ giảm 16% xuống còn 1.304. Hoạt động đầu tư tại khu vực Vịnh San Francisco, trung tâm của các công ty khởi nghiệp công nghệ Mỹ, cũng giảm 19%.

Đầu tư ở Trung Quốc cũng tụt dốc. PwC cho biết đầu tư vào ngành viễn thông, truyền thông và công nghệ giảm 12% trong nửa đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm ngoái.

878 thỏa thuận đầu tư đem lại 14,9 tỷ USD, mức thấp kỷ lục trong vòng 3 năm qua. Trong nửa đầu năm 2019, số lượng giao dịch lớn giảm đáng kể, chỉ có 29 giao dịch trị giá hơn 100 triệu USD, giảm 50% so với nửa cuối năm 2018.

Tại quận Wangjing ở Bắc Kinh, khu vực có nhiều công ty khởi nghiệp tập trung, tỷ lệ tòa nhà văn phòng hạng A bị trống đã lên đến 15%, theo thống kê gần nhất.

Cái chết của ngành công nghiệp chia sẻ xe đạp tại Trung Quốc khiến giới đầu tư lo ngại về nền kinh tế chia sẻ. Ảnh: Bloomberg.

Cái chết của ngành công nghiệp chia sẻ xe đạp tại Trung Quốc khiến giới đầu tư lo ngại về nền kinh tế chia sẻ. Ảnh: Bloomberg.

Câu chuyện SoftBank là lời cảnh báo cho các nhà đầu tư mạo hiểm. Ngày 22/10/2019, tập đoàn Nhật Bản tuyên bố mua lại 80% WeWork trong thời điểm công ty này đối mặt nguy cơ cạn tiền mặt. Theo thỏa thuận này, WeWork được định giá 8 tỷ USD, giảm hơn 80% so với mức định giá 47 tỷ USD hồi tháng 1/2019.

Trước đó, SoftBank rót thêm 9 tỷ USD vào WeWork. Như vậy, tổng vốn đầu tư của SoftBank tại WeWork lên đến 13 tỷ USD, mặc dù các nhà đầu tư khác nhiều lần lên tiếng cảnh báo về bộ máy quản trị kém hiệu quả, các khoản lỗ chồng chất và những hành vi lập dị của cựu CEO Adam Neumann.

Hối hận

Hai tuần sau, tỷ phú Masayoshi Son - nhà sáng lập kiêm CEO SoftBank - thừa nhận khoản đầu tư vào WeWork là một sai lầm. Trước đó, SoftBank báo cáo khoản lỗ quý đầu tiên sau 14 năm.

SoftBank báo cáo khoản lỗ 704 tỷ yên (6,5 tỷ USD) trong quý III/2019, thêm vào đó là khoản lỗ 8,2 tỷ USD từ vụ đầu tư vào WeWork của SoftBank và quỹ Vision Fund. Trong cuộc họp hôm 6/11, ông Son thừa nhận đã “đưa ra quyết định sai lầm và nhắm mắt làm ngơ trước các vấn đề tại WeWork”.

“Sự đánh giá trong đầu tư của tôi quá tệ hại, tôi đang suy nghĩ nhiều về điều này”, ông Son nói. Đây là lời thừa nhận hiếm thấy của nhà đầu tư nổi tiếng với những vụ cá cược liều lĩnh vào các công ty khởi nghiệp công nghệ.

SoftBank cũng rót 7,6 tỷ USD vào Uber hồi đầu năm 2018. Khi Uber IPO, giá cổ phiếu công ty này đạt 45 USD. Nhưng đến ngày 8/11, giá cổ phiếu Uber sụt giảm tới 40%, chỉ còn 27.

Trong năm 2019, tỷ phú Masayoshi Son thừa nhận ông hối hận với một số quyết định đầu tư. Ảnh: Getty.

Trong năm 2019, tỷ phú Masayoshi Son thừa nhận ông hối hận với một số quyết định đầu tư. Ảnh: Getty.

Bên cạnh Uber, SoftBank cũng đầu tư vào hàng loạt công ty gọi xe như Didi Chuxing (Trung Quốc), Grab (Đông Nam Á), Ola (Ấn Độ) và 99 (Brazil) với tổng đầu tư lên đến hơn 20 tỷ USD.

Không công ty nào trong số các startup này đem lại lợi nhuận. Uber lỗ 7,4 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2019. WeWork gánh lỗ 1,6 tỷ USD vào năm 2018 và 690 triệu USD trong nửa đầu năm nay. Didi Chuxing cũng báo lỗ 1,6 tỷ USD hồi năm ngoái.

Không vội IPO

Thực tế ảm đạm buộc SoftBank phải thận trọng hơn về thời điểm IPO của các startup. Ông Son cho biết quỹ Vision Fund sẽ đưa các công ty nằm trong danh mục đầu tư vào danh sách IPO sau khi chúng tiến gần tới việc kinh doanh có lãi. Điều đó có nghĩa là các nhà đầu tư sẽ phải chờ đợi lâu hơn để thu hồi vốn.

Grab, hãng gọi xe được SoftBank rót vốn, đã bàn về chuyện IPO từ năm 2014. CEO Anthony Tan tiết lộ công ty có thể xem xét IPO khi đạt ngưỡng 2 triệu người gọi xe mỗi ngày.

Giờ đây, số lượt gọi xe trung bình của hãng đã lên đến 46 triệu lượt/ngày. Nhưng CEO Tan cho biết công ty không vội IPO vì đã có đủ tiền từ SoftBank và các nhà đầu tư khác để tiếp tục thực hiện kế hoạch mở rộng.

Didi Chuxing cũng không vội IPO, theo một nguồn tin thân cận với nhà sáng lập kiêm CEO Cheng Wei.

Khủng hoảng của WeWork cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch gây huy động vốn của SoftBank. Tập đoàn Nhật Bản thông báo thành lập quỹ Vision Fund 2 vào tháng 7 và dự kiến huy động 108 tỷ USD, tuy nhiên đang gặp nhiều khó khăn.

Hãng gọi xe Didi Chuxing của Trung Quốc đối mặt với khủng hoảng về an toàn. Ảnh: Reuters.

Hãng gọi xe Didi Chuxing của Trung Quốc đối mặt với khủng hoảng về an toàn. Ảnh: Reuters.

Bản thân các công ty khởi nghiệp đang chịu áp lực cắt giảm chi phí và trì hoãn kế hoạch mở rộng toàn cầu.

Sau khi được SoftBank tiếp quản, WeWork thông báo kế hoạch 90 ngày, bao gồm việc thoái vốn tại các hoạt động kinh doanh phụ và cắt giảm lực lượng lao động. Công ty cũng xem xét ngưng hoạt động tại một số tòa nhà ở Hong Kong, theo Bloomberg. Ngoài ra, WeWork đã ngừng kế hoạch mở rộng ở Trung Quốc.

Trong nỗ lực cắt giảm chi phí, Uber cũng không tổ chức lễ kỷ niệm với những quả bóng bay heli khổng lồ từng tiêu tốn hơn 200.000 USD/năm. Hãng gọi xe đã có 3 đợt cắt nhân sự trong năm nay. Vào lần gần nhất, công ty sa thải 350 nhân viên hồi tháng 10.

Vấn đề an toàn và quyền lợi người lao động

Một thách thức khác mà các công ty chia sẻ phải đối mặt là vấn đề an toàn và quyền lợi của người lao động.

Ngành công nghiệp chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc khiến hàng triệu chiếc xe đạp bị bỏ không, hàng chục công ty khởi nghiệp thất bại sau khi chính quyền địa phương siết chặt quản lý nhằm giảm rác thải và tình trạng tắc nghẽn. Ofo đang vật vã với việc trả nợ cho các nhà cung cấp và khách hàng,

Dịch vụ đi xe chung của Didi Chuxing cũng bị ngưng hoạt động sau khi hai hành khách nữ bị giết hại trong vòng 4 tháng. Tại Mỹ, nhà chức trách bắt đầu xiết chặt quản lý Uber và Lyft để bảo vệ quyền lợi của các tài xế.

Chính quyền bang California ra luật buộc các hãng gọi xe như Uber và Lyft coi tài xế là nhân viên. Ảnh: Getty.

Chính quyền bang California ra luật buộc các hãng gọi xe như Uber và Lyft coi tài xế là nhân viên. Ảnh: Getty.

Hồi tháng 9, bang California thông qua luật buộc các hãng gọi xe coi tài xế là nhân viên thay vì là nhà thầu độc lập. Giới chuyên gia ước tính với quy định này, chi phí của Uber và Lyft sẽ bị tăng 20-30%.

Airbnb cũng lao đao vì nhiều thành phố thông qua luật hạn chế cho thuê ngắn hạn. Công ty chia sẻ nhà ở còn đối mặt với cuộc khủng hoảng về an toàn sau vụ xả súng tại một ngôi nhà cho thuê ở California khiến 5 người thiệt mạng.

Với số vốn khổng lồ từ các nhà đầu tư mạo hiểm, hàng loạt công ty chia sẻ đã biến dịch vụ của chúng trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người dùng trên toàn cầu.

Giờ đây, với sự hoài nghi từ các nhà đầu tư, áp lực về lợi nhuận và quản lý, tương lai của các công ty này vẫn còn là một dấu hỏi.

Phương Thảo

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/khung-hoang-cua-wework-uber-airbnb-bong-bong-chia-se-dang-vo-vun-post1026295.html