Khủng hoảng du lịch châu Âu: Khi cư dân địa phương đứng lên phản đối

Giá nhà đất tăng vọt, hành vi thiếu tôn trọng của du khách, và chính sách du lịch không bền vững đang khiến người dân châu Âu nổi giận.

Mùa hè này, các cuộc biểu tình chống du lịch đã bùng phát khắp châu Âu, từ Hà Lan đến Hy Lạp và Tây Ban Nha. Người dân địa phương ngày càng tỏ ra bức xúc trước sự tăng trưởng không kiểm soát của du lịch, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho cuộc sống của họ.

 Người biểu tình châu Âu giơ cao biểu ngữ đề nghị "Du khách về nhà" - Ảnh: AP

Người biểu tình châu Âu giơ cao biểu ngữ đề nghị "Du khách về nhà" - Ảnh: AP

Đầu tháng 7, tại Barcelona, Tây Ban Nha, hàng trăm người biểu tình đã tuần hành qua các khu du lịch nổi tiếng, phun nước vào du khách và hô vang khẩu hiệu "Khách du lịch, hãy về nhà!". Gần đây, hàng nghìn người tại đảo Mallorca cũng xuống đường phản đối, tố cáo rằng mô hình du lịch tại đây chỉ làm giàu cho một nhóm nhỏ, trong khi đẩy người lao động vào cảnh nghèo khó.

Tâm điểm của các cuộc biểu tình là vấn đề tăng giá nhà đất và chi phí sinh hoạt, khiến việc sở hữu nhà trở nên xa vời với nhiều cư dân. Carlos Ramirez, một giáo viên tại Barcelona, chia sẻ rằng dù có mức lương khá nhưng anh vẫn không thể mua được nhà do giá bất động sản tăng vọt. "Du lịch đại trà đang làm cho cuộc sống của người dân địa phương, đặc biệt là thanh niên, trở nên khó khăn hơn", Ramirez bức xúc.

Thị trưởng Barcelona, Jaume Collboni, tiết lộ rằng giá thuê nhà tại thành phố này đã tăng 68% trong thập niên qua. Sự gia tăng này đã đẩy nhiều người dân vào tình trạng tuyệt vọng, thậm chí một số đã tổ chức biểu tình tuyệt thực vào tháng 4.

 Những người biểu tình nhắm vào khách du lịch bằng súng nước ở Barcelona vào đầu tháng 7/2024 - Ảnh: AP

Những người biểu tình nhắm vào khách du lịch bằng súng nước ở Barcelona vào đầu tháng 7/2024 - Ảnh: AP

Chuyên gia du lịch bền vững Antje Martins từ Đại học Queensland, Australia, cho rằng các cuộc biểu tình này phản ánh sự quản lý kém hiệu quả trong ngành du lịch. Bà nhận định: "Cư dân địa phương cảm thấy bị đẩy ra khỏi cộng đồng của mình và không nhận được lợi ích nào từ du lịch". Bà cũng chỉ ra rằng nhiều người bị ảnh hưởng là những người làm việc trong ngành du lịch với mức lương thấp.

Eduardo Santander, CEO của Ủy ban Du lịch châu Âu, đồng ý rằng cần có sự thay đổi trong chính sách, thay vì đổ lỗi cho du khách. Ông kêu gọi chính phủ các nước châu Âu điều chỉnh các quy định để bảo vệ lợi ích của người dân địa phương.

Một số thành phố đã bắt đầu áp dụng biện pháp kiểm soát lượng khách du lịch. Venice (Italy) đã thử nghiệm việc thu phí vào cửa, thu về hơn 2,4 triệu euro cho thành phố. Barcelona cũng đang xem xét tăng thuế du lịch đối với du khách đi du thuyền, dự kiến thu về khoảng 100 triệu euro trong năm 2023.

 Người biểu tình tuần hành trên đảo Mallorca phản đối tình trạng du lịch quá mức và chi phí nhà ở cao. Một số người làm việc trong ngành du lịch châu Âu không đủ khả năng sống tại thành phố nơi họ làm việc - Ảnh: AFP/Getty Images

Người biểu tình tuần hành trên đảo Mallorca phản đối tình trạng du lịch quá mức và chi phí nhà ở cao. Một số người làm việc trong ngành du lịch châu Âu không đủ khả năng sống tại thành phố nơi họ làm việc - Ảnh: AFP/Getty Images

Ngoài ra, hành vi thiếu tôn trọng của một số du khách cũng góp phần làm tăng sự phẫn nộ trong cộng đồng địa phương. Video lan truyền về nữ du khách tại Florence (Italy) có hành vi không đúng mực với bức tượng Bacchus đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ.

Sebastian Zenker, giáo sư tại Trường Kinh doanh Copenhagen, đề xuất rằng cần đầu tư số tiền thu được từ du lịch vào các dự án cộng đồng và thị trường việc làm để giải quyết vấn đề. Ông nhấn mạnh rằng việc tạo ra một môi trường du lịch bền vững và công bằng là giải pháp tốt nhất để làm dịu đi căng thẳng giữa du khách và người dân địa phương.

Anh Thư (Theo FT, AP, AFP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khung-hoang-du-lich-chau-au-khi-cu-dan-dia-phuong-dung-len-phan-doi-post305294.html