Khủng hoảng Gaza có nguy cơ tràn qua biên giới Ai Cập
Ai Cập không chấp nhận làn sóng di cư ồ ạt từ Dải Gaza vào Bán đảo Sinai và coi bất kỳ động thái nào nhằm thúc đẩy người Palestine di cư về phía lãnh thổ của họ là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng.
Theo tờ Financial Times, ngày 10/10, Trung tá Richard Hecht, một phát ngôn viên quân đội Israel, đã đưa ra lời khuyên cho những người Palestine đang tìm cách chạy trốn khỏi những cuộc không kích tại Dải Gaza: “hãy chạy ra ngoài qua biên giới ‘mở’ với Ai Cập”.
Rafah là điểm vượt biên duy nhất để vào Sinai đối với 2,3 triệu cư dân Gaza. Phần còn lại của dải đất này được bao quanh bởi Israel và biển. Việc di chuyển của người và hàng hóa ở Gaza được Ai Cập và Israel kiểm soát chặt chẽ.
Vấn đề là cửa khẩu Rafah ở phía Nam vùng đất của người Palestine đã bị đóng lại vào cùng ngày, và chỉ mở cửa cho những du khách đã được thông quan trước. Một cuộc không kích của Israel cũng đã gây ra thiệt hại gần cửa khẩu này.
Ngay sau đó, Lực lượng Phòng vệ Israel đã phải đính chính lại tuyên bố của ông Richard Hecht, đồng thời cho biết phía Israel không có lời kêu gọi chính thức nào yêu cầu cư dân Dải Gaza sang Ai Cập.
Theo các nguồn tin truyền thông Ai Cập, các quan chức nước này đã lên tiếng cảnh báo đối với lời kêu gọi di tản hàng loạt của Israel. Cairo nhấn mạnh không nên đẩy dân thường Gaza về phía biên giới Ai Cập.
Và giới quan sát dự báo rằng cuộc xung đột bùng phát sau vụ lực lượng Hamas bất ngờ tấn công Israel ngày 7/10 đang nhanh chóng đe dọa tràn qua biên giới của Ai Cập. Đặc biệt, nó nhấn mạnh mối quan ngại lâu nay của Cairo rằng Tel Aviv muốn đẩy những rắc rối ở vùng Gaza do Hamas kiểm soát sang Ai Cập.
“Israel có trách nhiệm đối với Gaza theo luật pháp quốc tế, Họ không thể trút trách nhiệm sang Ai Cập”, nhà phân tích Ahmed Kamel al-Beheiry tại Trung tâm Nghiên cứu chính trị và chiến lược Al-Ahram nhấn mạnh.
Ông al-Beheiry cảnh báo cuộc khủng hoảng ở Gaza đang nhân rộng và gây áp lực không chỉ đối với người dân địa phương mà cả các nước láng giềng. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã khuyên người dân Gaza “rời đi”. Và Ai Cập là nơi hợp lý duy nhất mà họ có thể đến, vì họ không thể trốn sang Israel.
Ai Cập đã phối hợp với Israel để giữ hơn 2 triệu người Gaza tại các khu vực ven biển đông đúc. Ai Cập kiểm soát Rafah, cửa khẩu chủ chốt đối với bất kỳ người Palestine nào muốn bước vào thế giới bên ngoài. Ai Cập và Israel phối hợp rộng rãi về an ninh biên giới và đạt được sự tin tưởng giữa các cơ quan an ninh hai bên.
Là quốc gia Arab đầu tiên bình thường hóa quan hệ với Israel vào năm 1980, Ai Cập đã đóng vai trò trung gian quan trọng trong các cuộc chiến giữa Israel và Hamas bằng cách nỗ lực đảm bảo các lệnh ngừng bắn. Dự kiến, Cairo cũng sẽ đóng một vai trò tương tự trong lần xung đột này.
Ông Michael Wahid Hanna, nhà phân tích tại tổ chức International Crisis Group, chưa thể nhận thấy thời điểm các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu. Ông nói: “Người Israel vẫn chưa tiến vào Gaza và cuộc tấn công trên bộ chưa bắt đầu”.
Theo nhà phân tích này, Ai Cập cuối cùng sẽ đóng vai trò hòa giải dưới một hình thức nào đó, nhưng cuộc xung đột này là chưa từng có tiền lệ và nó có thể không tuân theo các kịch bản sẵn có từ trước.
Yếu tố phức tạp lần này là việc Hamas và các nhóm đồng minh đang bắt giữ trên 100 con tin ở Israel. Các tay súng đe dọa sẽ hành quyết con tin mỗi khi Israel ném bom vào khu dân cư mà không báo trước.
Ông Hanna lưu ý kịch bản này chưa từng xảy ra ở những lần xung đột trước. Do đó, sức ép từ bên trong Israel đối với ông Netanyahu có thể gây tác động khi quá trình hòa giải bắt đầu.
Theo các nhà phân tích, vai trò trung gian hòa giải xung đột đã giúp nâng cao vị thế quốc tế của Ai Cập. Ai Cập đang chuẩn bị tiếp nhận những người bị thương và gửi viện trợ nhân đạo tới Gaza khi có thể. Tuy nhiên, truyền hình Israel đưa tin chính phủ nước này đã cảnh báo Ai Cập rằng họ sẽ ném bom mọi xe tải viện trợ được gửi tới nhằm giảm bớt áp lực cho Gaza - dải đất đã trở thành mục tiêu không khích trả đũa bốn ngày liên tục.
Hàng chục ngàn người Palestine đã rời bỏ nhà cửa ở Gaza, nơi bị cắt điện và không nguồn cung thực phẩm. Các quan chức y tế địa phương cho biết 765 người Palestine đã thiệt mạng trong bốn ngày qua.
Tuyên bố của người phát ngôn Hecht không phải là lần đầu tiên một người Israel đề nghị người Palestine đến Ai Cập. Các chính trị gia và nhà bình luận cánh hữu ở Israel vẫn thường lập luận rằng người Gaza có thể được tái định cư ở Bán đảo Sinai.
Ai Cập đã phản ứng thông qua các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát. Kênh Al Qahera News ngày 9/10 khẳng định chủ quyền của Ai Cập không được phép vi phạm và chính quyền Israel phải chịu trách nhiệm tạo ra các hành lang nhân đạo cho người dân Gaza.