Khủng hoảng kinh tế ở Afghanistan có thể khiến nhiều người chết hơn 20 năm chiến tranh
Khủng hoảng lương thực, thuốc men, năng lượng, đi kèm với khủng hoảng kinh tế ở Afghanistan đang gây nên những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng tới đời sống người dân.
Hai hàng dài xếp hàng quanh khu phân phối viện trợ của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ở thủ đô Kabul của Afghanistan, trong cái nắng nóng giữa buổi sáng. Nhiều người trong số đó từng có những công việc tử tế, nhưng bây giờ họ dựa vào viện trợ quốc tế để tồn tại. 3.800 đồng Afghanis (chỉ hơn 40 USD) mà họ nhận được từ WFP cũng chỉ có thể giúp họ sống lay lắt qua những ngày này.
Phụ nữ cầu xin bên ngoài cửa hàng bán bánh mỳ ở Kabul. Ảnh: CNN
Hàng dài người xếp hàng nhận trợ cấp của WFP. Ảnh: CNN
Nhiều trẻ em phải nhập viện vì suy dinh dưỡng. Ảnh: CNN
Bài liên quan
Afghanistan không thể trả tiền cho các nhà cung cấp điện
Mỹ gây áp lực lên Taliban vì quyền phụ nữ ở Afghanistan
Taliban tuyên bố phụ nữ Afghanistan phải che kín từ đầu đến chân ở nơi công cộng
Đánh bom liều chết, hơn 50 người thiệt mạng tại Afghanistan
Ông Khalid Ahmadzai, một đối tác điều phối của WFP tại địa điểm này đã bình tâm hơn so với ngày đầu tiên của tháng này, nói rằng: "Hồi đầu, vào ngày 11/5, mọi người trèo qua các bức tường để vào xin viện trợ".
WFP cho biết họ đã giúp 3.000 hộ gia đình ở quận đó vào ngày đầu tiên, với trung bình mỗi hộ gia đình có bảy người. Chủ nhật tuần trước, khoảng 700 người đã kiên nhẫn chờ đợi đến hai giờ trước khi chứng minh thư của họ được kiểm tra và giao tiền.
Ông Ahmadzai nói rằng mọi người đang tuyệt vọng. "Cách đây vài ngày, một phụ nữ đến gặp tôi và nói với tôi: Tôi muốn bán con trai của tôi với giá 16.000 Afghanis, tương đương khoảng 175 USD. Cô ấy đang khóc. Đó là cảm giác tồi tệ nhất mà tôi từng có trong đời", ông kể lại.
Azima, một giáo viên trong hàng đợi, người lần đầu tiên trong đời được nhận viện trợ, cho biết tình hình an ninh đã tốt hơn kể từ khi Taliban chiếm Kabul vào năm ngoái. "Các vụ đánh bom tự sát đã dừng lại. Nhưng tình hình kinh tế của người dân không thể tồi tệ hơn", bà nói.
Cuộc khủng hoảng kinh tế của Afghanistan đã âm ỉ trong nhiều năm, là kết quả của đói nghèo, xung đột và hạn hán. Nhưng sau khi Taliban nắm chính quyền vào tháng 8/2021, Mỹ và các đồng minh đã đóng băng khoảng 7 tỷ USD dự trữ ngoại hối của đất nước và cắt nguồn tài trợ quốc tế. Động thái này đã làm tê liệt một nền kinh tế vốn đã phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ.
Hàng triệu người Afghanistan không có việc làm. Nhân viên chính phủ không được trả lương. Giá thực phẩm đã tăng vọt. Gần một nửa dân số đang phải trải qua nạn đói nghiêm trọng, theo một báo cáo do Liên hợp quốc thực hiện được công bố trong tuần này.
Có những lo ngại rằng cuộc khủng hoảng có thể giết chết nhiều người Afghanistan hơn 20 năm chiến tranh. "Những người nông dân... đã nói với tôi rằng, trải qua hàng thập kỷ chiến tranh, họ chưa bao giờ phải xếp hàng để được hỗ trợ nhân đạo như bây giờ", bà Mary-Ellen McGroarty, giám đốc WFP tại Afghanistan, cho hay.
Ở Kabul và các thành phố khác, một số người lần đầu tiên phải trải qua cơn đói. Azima chưa bao giờ nghỉ việc cho đến khi một sắc lệnh của Taliban đóng cửa các trường trung học nữ sinh. Bà hiện đang dạy các lớp tiểu học để cố gắng kiếm sống, nhưng lương thì vẫn chưa được trả.
Bà nói: "Tôi vẫn làm việc. Các học sinh của tôi là học sinh trung học lớp 11 và lớp 12. Hiện tại họ đang trong kỳ nghỉ nên tôi đang dạy thêm các lớp tiểu học. Nhưng lương của chúng tôi không được trả đúng hạn".
Cô Khotima, một góa phụ có chồng bị giết trong một vụ đánh bom liều chết cách đây 4 năm, hy vọng số tiền cô nhận được từ WFP sẽ giúp cô nuôi sáu đứa con của mình. "Tôi từng dọn dẹp nhà cửa cho mọi người nhưng giờ không còn việc gì nữa. Bất cứ nhà nào mà tôi đến xin việc đều nói không có tiền'", cô chia sẻ.
Người dân ở đây tức giận về việc thiếu việc làm khiến họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào các tờ rơi tuyển người. Ông Haji Noor Ahmad nói: “Chúng tôi muốn làm việc bằng chính đôi tay của mình để có thể ăn những món ăn mà chúng tôi đã mua bằng tiền của chính mình".
Xếp sau anh trong hàng là Allah Noor, một sinh viên khoa học máy tính tại Đại học Kabul, người khẳng định: "Chúng tôi không muốn già đi như một người ăn xin. Chúng tôi muốn có việc làm. Chúng tôi yêu cầu thế giới và chính phủ của chúng tôi giúp mọi người đi làm".
Hoàng Thiên (theo CNN)