Khủng hoảng leo thang cùng lúc lãnh đạo thế giới trở lại Liên Hợp Quốc

Kỳ họp kéo dài một tuần của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ bàn về nhiều cuộc khủng hoảng, từ đại dịch, biến đổi khí hậu, xung đột đến căng thẳng giữa nhiều quốc gia.

Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ trở lại Liên Hợp Quốc lần đầu tiên sau hai năm vào ngày 21/9. Chương trình nghị sự lần này bao gồm những cuộc khủng hoảng leo thang cần giải quyết, như đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành hay một hành tinh đang không ngừng nóng lên.

Nhiều vấn đề cấp bách khác cũng gia tăng căng thẳng như quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, tương lai bất ổn của Afghanistan dưới sự cai trị của Taliban và các cuộc xung đột diễn ra ở Yemen, Syria và khu vực Tigray của Ethiopia, theo AP.

Tâm thế sẵn sàng kết nối thế giới

Năm 2020, không có nhà lãnh đạo nào đến Liên Hợp Quốc do đại dịch Covid-19. Giờ đây, Đại hội đồng đã đề nghị các nhà lãnh đạo có thể tham dự trực tiếp hoặc tiếp tục họp trực tuyến. Hơn 100 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ đã quyết định có mặt tại hội trường của Liên Hợp Quốc tại New York, Mỹ.

Theo phát ngôn viên Stephane Dujarric, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Gutteres - người khai mạc kỳ họp kéo dài trong một tuần - “sẽ không ngần ngại bày tỏ mối quan tâm của mình về tình hình thế giới hiện nay, và ông sẽ đặt ra tầm nhìn để kết nối những vách ngăn cản trở sự tiến bộ”.

Theo truyền thống, quốc gia đầu tiên phát biểu sẽ là Brazil. Tổng thống nước này là ông Jair Bolsonaro hiện vẫn chưa tiêm phòng. Tuần trước ông cho biết mình không có kế hoạch chủng ngừa, biện minh hệ miễn dịch của ông đủ mạnh để chống lại SARS-CoV-2.

Vấn đề đầu tiên xuất hiện trước khi kỳ họp diễn ra chính là yêu cầu liên quan tới biện pháp phòng dịch Covid-19 khi nhập cảnh vào Mỹ và vào bên trong trụ sở Liên Hợp Quốc.

Mỹ yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm gần đây hoặc đã tiêm phòng Covid-19. Trong khi đó, Liên Hợp Quốc áp dụng hệ thống danh dự, theo đó người vào bên trong sẽ phải chứng thực mình không có triệu chứng mắc Covid-19 hay kết quả dương tính trong vòng 10 ngày qua.

 Cảnh sát đứng trước trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York vào ngày 20/9. Ảnh: AP.

Cảnh sát đứng trước trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York vào ngày 20/9. Ảnh: AP.

Khúc mắc rối bời giữa nhiều quốc gia

Ba nhà lãnh đạo được cho sẽ nhận nhiều sự chú ý nhất là Tổng thống Mỹ Joe Biden - xuất hiện lần đầu tại Liên Hợp Quốc kể từ chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11/2020; Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống cứng rắn của Iran - ông Ebrahim Raisi.

Trước khi khai mạc cuộc tranh luận chung thường niên của Đại hội đồng, ông Guterres đã đưa ra cảnh báo thế giới có thể rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới có tính chất nguy hiểm hơn, trừ khi Mỹ và Trung Quốc sửa chữa mối quan hệ “hoàn toàn rối loạn” của hai bên.

Người đứng đầu Liên Hợp Quốc nói với AP rằng Washington và Bắc Kinh nên hợp tác để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, đồng thời đàm phán trong lĩnh vực thương mại và công nghệ. “Nhưng thật không may, ngày nay chúng ta chỉ chứng kiến sự đối đầu”, bao gồm các vấn đề nhân quyền và địa chiến lược ở Biển Đông, ông nói.

Nói về bài phát biểu của Tổng thống Biden tại Liên Hợp Quốc, Richard Gowan - Giám đốc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế - cho rằng “câu hỏi thực sự quan trọng là cách ông Biden định hình mối quan hệ với Trung Quốc”.

Ông Gowan dự đoán ông Biden “sẽ không thẳng thắn chỉ trích Trung Quốc như cựu Tổng thống Donald Trump”, mà sẽ “cố gắng biến Trung Quốc thành một quốc gia đang thách thức trật tự thế giới dựa trên luật lệ, một quốc gia không xứng với sự tín nhiệm vai trò lãnh đạo trong hệ thống quốc tế”.

 Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: AP.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: AP.

Theo danh sách nhà lãnh đạo phát biểu công bố đầu tháng 9, bài phát biểu của Trung Quốc dự kiến do phó thủ tướng truyền tải. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc xác nhận hôm 20/9 rằng thay vào đó, ông Tập sẽ đưa ra thông điệp thông qua một đoạn video.

AP nhận định bài phát biểu của ông Tập và bất kỳ bình luận nào liên quan tới sự cạnh tranh của Mỹ chắc chắn sẽ được theo dõi và phân tích kỹ lưỡng.

Các nhà lãnh đạo khác dự kiến phát biểu trực tiếp trong kỳ họp bao gồm Vua Abdullah II của Jordan, tổng thống Venezuela, và thủ tướng của Nhật Bản, Ấn Độ và Vương quốc Anh; cùng với Thủ tướng mới của Israel là ông Naftali Bennett và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.

Các nhà lãnh đạo phát biểu thông qua bản ghi sẵn bao gồm tổng thống của Ai Cập, Indonesia, Nam Phi và Zimbabwe.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được cho là sẽ đưa ra một tuyên bố thu sẵn vào ngày 21/9. Tuy nhiên, chính phủ Pháp cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Jean-Yves Le Drian hiện sẽ là người đưa ra thông điệp vào ngày kết thúc kỳ họp.

Pháp và Trung Quốc đã có phản ứng mạnh mẽ trước thông báo bất ngờ của ông Biden, cùng với lãnh đạo Australia và Anh, về thỏa thuận cung cấp cho Australia ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Trước đó, Australia đã ký hợp đồng gồm hàng chục tàu ngầm của Pháp trị giá ít nhất 66 tỷ USD.

Trong cuộc họp báo hôm 20/9, ông Le Drian nói rằng đang có một "cuộc khủng hoảng lòng tin" giữa Mỹ và đồng minh lâu đời nhất của nước này là Pháp, cũng như châu Âu. Nước này đã bị loại khỏi liên minh Mỹ - Anh - Australia - một liên minh mới tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và nhằm đối đầu Trung Quốc.

Ông cho rằng người châu Âu "không nên bị bỏ lại phía sau", và cần xác định lợi ích chiến lược của riêng họ.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khung-hoang-leo-thang-cung-luc-lanh-dao-the-gioi-tro-lai-lien-hop-quoc-post1265093.html