Khủng hoảng Libya: LHQ ra 'tối hậu thư' cho quốc gia Bắc Phi trước khi can thiệp?

Ngày 24/3, Đặc phái viên của Liên hợp quốc (LHQ) tại Libya Abdoulaye Bathily cho biết, nếu các cơ quan lập pháp của nước này không đạt thống nhất về luật bầu cử theo đúng kỳ hạn thì LHQ sẽ xem xét và tìm 'giải pháp thay thế'.

Lực lượng an ninh đứng gác bên ngoài tòa nhà quốc hội ở Tobruk, Libya, tháng 2/2022. (Nguồn: Reuters)

Lực lượng an ninh đứng gác bên ngoài tòa nhà quốc hội ở Tobruk, Libya, tháng 2/2022. (Nguồn: Reuters)

Phát biểu của nhà ngoại giao người Senegal cho thấy quyết tâm cao của LHQ trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Libya và không chấp nhận các động thái làm trật bánh tiến trình hướng tới những cuộc bầu cử ở quốc gia Bắc Phi.

Trả lời phỏng vấn báo giới tại thủ đô Tripoli, ông Bathily tuyên bố, Libya “phải thực hiện một cách kịp thời” kế hoạch tổ chức những cuộc bầu cử.

Ông đồng thời cảnh báo, nếu công việc này không được triển khai, các phe phái Libya “sẽ phải chịu trách nhiệm trước nhân dân Libya, trước cộng đồng quốc tế, trước các nhà lãnh đạo khu vực đang hỗ trợ cho quá trình này”.

Khi được hỏi về những lựa chọn thay thế mà LHQ đang cân nhắc nếu các phe phái Libya không tuân thủ lộ trình tổ chức các cuộc bầu cử, Đặc phái viên Bathily trả lời: “Chúng tôi sẽ nói về việc này khi đến lúc”.

Hồi đầu tháng 3 này, ông Bathily tiết lộ, các phe phái đối địch ở quốc gia Bắc Phi đang hướng tới mục tiêu “vào giữa tháng 6” năm nay sẽ thống nhất được các điều khoản cho cuộc bầu cử bị trì hoãn từ lâu. Nếu thuận lợi, những cuộc bỏ phiếu ở Libya sẽ được tổ chức vào cuối năm nay.

Tháng 2 vừa qua, Đặc phái viên LHQ đã đề xuất sáng kiến mới, nhằm phá vỡ thế bế tắc trong tiến trình đàm phán về cơ sở pháp lý cho các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội tại Libya.

Libya đã rơi vào vòng xoáy khủng hoảng chính trị và an ninh kéo dài hơn một thập niên sau cuộc chính biến năm 2011.

Hiện nay, quốc gia Bắc Phi có 2 chính quyền tồn tại song song, bao gồm chính phủ Thống nhất quốc gia Libya (GNU) được LHQ công nhận và chính quyền ở miền Đông được Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn.

Cuộc bỏ phiếu kép bao gồm bầu tổng thống và quốc hội từng được lên kế hoạch tổ chức trong tháng 12/2021 để ổn định đất nước, song kế hoạch này đã bị trì hoãn vô thời hạn do những tranh cãi về cơ sở pháp lý của cuộc bầu cử và tư cách tham gia của các ứng cử viên.

(theo Reuters)

Hà Thu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-libya-lhq-ra-toi-hau-thu-cho-quoc-gia-bac-phi-truoc-khi-can-thiep-221071.html