Khủng hoảng năng lượng: Đức đạt 'thành công kép', thị trường dầu mỏ gặp áp lực nếu EU làm điều này với Nga
Ngày 15/11, báo cáo cập nhật theo ngày của Cơ quan mạng lưới Liên bang (Đức) cho biết, tổng dự trữ khí đốt của nước này đạt mức 100%.
Theo báo cáo trên, một số địa điểm lưu trữ có khả năng chứa được nhiều khí đốt hơn và việc dự trữ vẫn có thể tiếp tục ngay cả khi các kho chứa đạt chỉ tiêu 100%.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu - vốn phụ thuộc nặng nề vào nguồn khí đốt nhập khẩu của Nga trong nhiều năm, đã phải nỗ lực để tăng cường dự trữ khí đốt sau khi Moscow cắt nguồn cung liên quan đến xung đột với Ukraine.
Chính phủ Đức đặt mục tiêu các kho chứa khí đốt có thể đạt 95% công suất dự trữ vào tháng 11. Tuy nhiên, mục tiêu này đã đạt được trước thời hạn từ giữa tháng 10/2022.
Ngoài động lực tiết kiệm, các công ty và người tiêu dùng chú ý đến lời kêu gọi của chính phủ giảm tiêu thụ. Kết quả trên đạt được một phần là nhờ nỗ lực của chính phủ trong việc tìm kiếm nguồn cung thay thế, đặc biệt là thông qua việc nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các quốc gia như Na Uy và Mỹ.
Bên cạnh đó, nhiệt độ ấm hơn 1,9 độ C so với những năm trước, việc sử dụng khí đốt trong những tuần qua thấp hơn mức tiêu thụ trung bình trong 4 năm qua.
Liên quan đến việc nhập khẩu LNG, ngày 15/11, Đức khánh thành kho tiếp nhận LNG nổi đầu tiên ở cảng phía Bắc Wilhelmshaven.
Đây được coi là một bước quan trọng để bù đắp lượng khí đốt thiếu hụt sau khi Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt tới châu Âu. Các đợt giao hàng đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 12 tới.
Chuyên gia Klaus Mueller, người đứng đầu Cơ quan mạng lưới Liên bang ca ngợi “thành công kép” đối với an ninh năng lượng của Đức.
Ông viết: “Cầu cảng LNG Wilhelmshaven đã sẵn sàng trong khi các cơ sở dự trữ khí đốt đều được lấp đầy. Đây là kết quả của những quyết định chính trị đúng đắn”.
Cùng ngày, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), lệnh cấm sắp tới của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ được vận chuyển bằng đường biển của Nga cùng với trần giá mà Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) áp đặt lên các sản phẩm này sẽ khiến thị trường dầu mỏ khó đoán định chưa từng có.
Cơ quan này cho rằng, việc EU cấm vận đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga và lệnh cấm với các dịch vụ vận tải biển sẽ gây thêm sức ép lên thị trường dầu mỏ toàn cầu, đặc biệt là thị trường diesel vốn đã thắt chặt.
Đề xuất áp trần giá có thể phần nào làm giảm những căng thẳng thị trường, nhưng vẫn có nhiều yếu tố không chắc chắc và các thách thức về logistics.
EU sẽ cấm nhập khẩu dầu thô của Nga vào ngày 5/12 tới và các sản phẩm dầu mỏ của nước này vào ngày 5/2/2023 nhằm làm giảm nguồn thu từ dầu mỏ của Nga và buộc một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới phải tìm các thị trường thay thế.
Trong khi đó, kế hoạch của G7 sẽ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ vận tải biển hỗ trợ Moscow xuất khẩu dầu, song chỉ với mức giá thấp và cũng sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12.
IEA cho biết, sản lượng dầu của Nga sẽ giảm 1,4 triệu thùng/ngày vào năm tới, khi các quốc gia tìm các nguồn cung khác.
Lệnh cấm của EU sẽ khiến khối này phải tìm phải tìm nguồn cung thay thế để đáp ứng 1 triệu thùng dầu/ngày và 1,1 triệu thùng/ngày các chế phẩm dẩu mỏ, trong đó dầu diesel đặc biệt khan hiếm và đắt đỏ.