Khủng hoảng năng lượng: Đức muốn lập tức can thiệp vào thị trường khí đốt, Mỹ tin vào giải pháp áp giá trần với dầu Nga

Hãng tin Bloomberg ngày 12/9 dẫn lời một thành viên Đảng Dân chủ xã hội của Đức cho hay, Berlin đang xem xét can thiệp trực tiếp vào thị trường năng lượng để tránh làn sóng vỡ nợ trong bối cảnh giá khí đốt tăng vọt.

Khủng hoảng năng lượng: Đức xem xét can thiệp trực tiếp vào thị trường khí đốt, Mỹ tin vào giải pháp áp giá trần. (Nguồn: Getty Images)

Khủng hoảng năng lượng: Đức xem xét can thiệp trực tiếp vào thị trường khí đốt, Mỹ tin vào giải pháp áp giá trần. (Nguồn: Getty Images)

Nguồn tin được dẫn lời nói: “Chúng ta dù sao vẫn phải trả tiền khí đốt. Vấn đề đặt ra là liệu chúng ta làm điều đó ngay bây giờ, từ đầu, bằng cách can thiệp vào thị trường và các biện pháp nới lỏng, hay cuối cùng là vỡ nợ, thất nghiệp. Tôi muốn chúng ta thực hiện từ đầu, can thiệp ngay bây giờ”.

Theo Bloomberg, chính phủ Đức cho phép các công ty khí đốt chuyển một phần chi phí cao hơn cho người tiêu dùng, nhưng cho đến nay vẫn tránh can thiệp trực tiếp, kể cả việc áp giá trần.

Trước đó, chính phủ Đức đã phản đối việc áp giá trần với khí đốt của Nga, do nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang phụ thuộc vào nguồn cung này. Điều này đã được Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habek thông báo.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết, Brussels đang đề xuất áp dụng giá trần đối với tất cả khí đốt EU nhập khẩu, không chỉ khí đốt Nga.

Trong khi đó, cũng về vấn đề năng lượng, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 11/9 cảnh báo, người dân nước này về khả năng giá khí đốt tăng mạnh trong mùa Đông năm nay khi EU giảm đáng kể việc mua dầu mỏ từ Nga.

Phát biểu trên kênh truyền hình CNN, bà Yellen nêu rõ, giá khí đốt có thể tăng vì EU "sẽ ngừng hầu hết việc mua dầu mỏ của Nga" và áp đặt lệnh cấm đối với các dịch vụ liên quan việc vận chuyển dầu mỏ Nga qua đường biển.

Trước đó, nhóm các nền kinh tế công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí kế hoạch áp mức trần về giá đối với dầu mỏ xuất khẩu của Nga, theo đó kêu gọi các nước tham gia từ chối cung cấp các dịch vụ như bảo hiểm, tài chính, môi giới, hoa tiêu... cho các chuyến tàu biển chở dầu của Nga có mức giá trên giá trần áp đặt đối với dầu thô và các sản phẩm dầu. Mức giá trần hiện chưa được ấn định.

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Washington và các đồng minh đang nỗ lực giải quyết nguy cơ giá dầu tăng, theo đó đề xuất áp mức giá trần nhằm kiểm soát giá.

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-nang-luong-duc-muon-lap-tuc-can-thiep-vao-thi-truong-khi-dot-my-tin-vao-giai-phap-ap-gia-tran-voi-dau-nga-197856.html