Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu: 80 triệu hộ gia đình 'chịu trận', Nga có thể giải quyết vấn đề?

Tại Anh và các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), giá điện tăng vọt trong những tuần gần đây làm gia tăng nỗi lo về một mùa Đông khó khăn phía trước, khi nhu cầu sưởi ấm của các hộ gia đình ngày một tăng.

Các bồn chứa khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại một nhà ga ở Đông Nam nước Anh. (Nguồn: CNN)

Các bồn chứa khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại một nhà ga ở Đông Nam nước Anh. (Nguồn: CNN)

Điều gì đang xảy ra ở châu Âu?

Trong khi cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra trên toàn cầu, châu Âu đã bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố có thể khiến cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn.

Theo Bloomberg, giá khí đốt châu Âu đã tăng mạnh khi nhu cầu tăng trên toàn cầu. Cụ thể, trong năm qua, giá đã tăng gần 500% và đang giao dịch với mức giá gần mốc kỷ lục.

Giá điện ở Pháp đã tăng 149% trong khoảng thời gian từ đầu tháng 8 đến ngày 15/9. Tại Đức, giá cả tăng vọt 119%. Và ở Anh, chi phí này đã tăng tới 298%.

Theo nhận định của một số chuyên gia, cuộc khủng hoảng năng lượng là do nền kinh tế toàn cầu phục hồi khi các quốc gia dỡ bỏ các biện pháp hạn chế vì Covid-19 và bắt đầu mở cửa nền kinh tế. Các thị trường hiện đang cạnh tranh khi nhu cầu năng lượng tăng cao sau cú sốc của đại dịch.

Ngoài ra, ở châu Âu và Đông Á còn có sự cạnh tranh về khí đốt tự nhiên khi mùa Đông sắp tới, với nhu cầu đang đẩy giá lên cao.

GS. Thierry Bros, một chuyên gia năng lượng tại Đại học Sciences Po Paris (Pháp) cho biết, hiện nhu cầu năng lượng đã tăng trở lại trong khi nguồn cung đang bị hạn chế hơn.

Simone Tagliapietra, thành viên cấp cao của một tổ chức kinh tế có trụ sở tại Brussels giải thích: “Do các yếu tố từ cả hai phía cung và cầu, châu Âu đang chứng kiến một cơn bão hoàn hảo trong thị trường khí đốt tự nhiên".

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là do giá khí hóa lỏng đã tăng từ nhiều tháng nay theo đà tăng giá dầu mỏ trên thế giới. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng khí đốt tăng lên bởi châu Âu có mùa Đông lạnh hơn và người tiêu dùng phải sử dụng nhiều nhiên liệu hơn để sưởi ấm.

Thêm vào đó, châu Âu đang giảm sản lượng khí đốt tự nhiên trong nước. Nhà sản xuất khí đốt tự nhiên nội địa hàng đầu của châu Âu - Hà Lan - đã bắt đầu loại bỏ dần mỏ khí đốt chính, bao gồm mỏ khí Groningen vào năm 2018. Hiện tại, ở châu Âu tỷ lệ các mỏ khí đang hoạt động là 74% thay vì mức 94% vào năm ngoái.

Ngoài ra, còn có một số vấn đề về phía nguồn cung và các chính sách năng lượng của chính phủ.

Tình trạng "nghèo đói năng lượng"

GS. Stefan Bouzarovski tại Đại học ManchesteBouzarovski nhận định, có tới 80 triệu hộ gia đình trên khắp châu Âu đang phải vật lộn để giữ ấm cho ngôi nhà của họ. Nguy cơ rơi vào tình trạng "nghèo đói năng lượng" tại châu Âu cao gấp đôi nguy cơ nghèo đói nói chung.

Theo ông Bouzarovski, khoảng 20-30% dân số châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng nghèo đói nói chung, trong khi có tới 60% dân số đang phải chịu cảnh "nghèo đói về năng lượng".

Bulgaria có tỷ lệ người nghèo về năng lượng cao nhất châu Âu, với 31% dân số. Tiếp theo là Lithuania với 28%. Và con số này tại Cyprus là 21% và Bồ Đào Nha là 19%.

Dân số Thụy Sĩ ít bị tổn thương bởi vấn đề năng lượng nhất, ở mức 0,3%, tiếp theo là Na Uy, ở mức 1%.

Giá điện tăng cao đang khiến nhiều hộ gia đình có nguy cơ bị cắt điện vì họ không đủ khả năng để thanh toán hóa đơn. Thu nhập của nhiều người đã giảm vì đại dịch, trong khi hóa đơn tiền điện thì liên tiếp tăng. Trong đó, lao động trong lĩnh vực bán lẻ, khách sạn và hàng không bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng.

Theo Right to Energy Coalition, một nhóm bảo trợ bao gồm các tổ chức công đoàn, tổ chức môi trường và các tổ chức phi chính phủ cho biết, có tới 7 triệu hộ gia đình châu Âu nhận được thông báo cắt điện mỗi năm. Đại dịch còn đẩy vấn đề năng lượng trở nên tồi tệ hơn, bởi mọi người ở nhà nhiều hơn.

Các nhà quan sát cũng đang cảnh báo về khả năng xảy ra bất ổn chính trị, nếu các chính phủ châu Âu không có động thái hỗ trợ các hộ gia đình.

Ông Bouzarovski nói: "Có thể có sự gia tăng các phong trào biểu tình trên khắp châu Âu. Giá nhiên liệu tăng đã gây ra các cuộc biểu tình trên khắp Bulgaria vào năm 2013".

Pháp đã công bố khoản thanh toán một lần trị giá 100 Euro (116 USD) cho gần 6 triệu hộ gia đình để được phiếu mua năng lượng từ chính phủ. Tây Ban Nha đã tiến tới cắt giảm thuế năng lượng hộ gia đình và đánh thuế đối với một số nhà cung cấp năng lượng. Nhưng điều đó có thể vẫn chưa đủ.

Ủy viên Năng lượng châu Âu Kadri Simson cho hay, có những công cụ mà các quốc gia có thể sử dụng ngay lập tức" để giảm hóa đơn năng lượng cho người tiêu dùng như giảm thuế VAT, hỗ trợ trực tiếp cho những người nghèo nhất, viện trợ có mục tiêu và tạm thời cho các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ.

Bà Simson nói: “Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ các chính phủ tiến hành những biện pháp này".

Vai trò của Nga

Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất của EU năm 2019 và 2020. Đã có những lo ngại rằng, Nga có thể sẽ không gửi thêm khí đốt tự nhiên tới châu Âu để vận động hành lang cho đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 mới hoàn thành đi vào hoạt động.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, xuất khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga sang EU đã giảm so với năm 2019. Nga có thể làm nhiều hơn để tăng lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu, cũng như đảm bảo lượng dự trữ khí đốt mà các quốc gia này chuẩn bị cho mùa Đông tới được lấp đầy.

40 nghị sĩ của Nghị viện châu Âu gần đây đã kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) mở một cuộc điều tra về việc liệu Tập đoàn Gazprom của Nga có giữ lại khí đốt tự nhiên hay không?

Một phát ngôn viên của Điện Kremlin hồi giữa tháng 9/2021 cho biết, việc vận hành đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ "cân bằng đáng kể" giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu, làm tăng thêm nghi ngờ rằng, Nga có thể cố ý giữ lại khí đốt.

Một số chuyên gia nhận thấy, Gazprom không vi phạm hợp đồng. Tình hình có thể bớt căng thẳng hơn một khi các nhà máy điện hạt nhân hoạt động trở lại và đường ống dẫn Dòng chảy Phương Bắc 2 từ Nga sang Đức đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, nhà phân tích Graham Freedman của Wood Mackenzie nhấn mạnh, "mặc dù Nga đang vận hành các nhà máy khí đốt ở mức rất cao, nhưng có thể, quốc gia này không thể sản xuất đủ để đáp ứng nhu cầu của châu Âu".

Na Uy, quốc gia cung cấp khoảng 20% lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ ở châu Âu, đang cố gắng lấp đầy khoảng trống. Equinor, công ty năng lượng của Na Uy đã thông báo trong tuần này, họ sẽ tăng xuất khẩu bắt đầu từ tháng 10/2021. Nhưng trong ngắn hạn, các chuyên gia cảnh báo áp lực lên mặt bằng giá khó có thể giảm bớt.

(theo Euro News, CNN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-nang-luong-o-chau-au-80-trieu-ho-gia-dinh-chiu-tran-nga-co-the-giai-quyet-van-de-160584.html