Khủng hoảng năng lượng tại Anh: Vì đâu đến nỗi?

Trong bối cảnh tình trạng khủng hoảng năng lượng đang diễn ra rất phức tạp, chính phủ Anh dự kiến triển khai quân đội trong vòng vài ngày tới để giúp cải thiện tình hình.

Bên cạnh đó, các công ty hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ và khách sạn cũng kêu gọi Chính phủ cho phép người lao động nước ngoài nhập cảnh vào Anh để làm việc và lấp đầy những khoảng trống việc làm nghiêm trọng trong giai đoạn hậu Brexit.

Hàng dài xe ô tô xếp hàng chờ mua nhiên liệu vào ngày 28/9 ở Wisley, Anh. (Nguồn: CNN)

Hàng dài xe ô tô xếp hàng chờ mua nhiên liệu vào ngày 28/9 ở Wisley, Anh. (Nguồn: CNN)

Do Brexit?

Bộ trưởng Kinh doanh Anh Kwasi Kwarteng khẳng định với Sky News rằng, dự kiến trong vài ngày tới, các binh sĩ sẽ được triển khai để cung cấp nhiên liệu cho người dân, hỗ trợ những người đang phải xếp hàng dài bên ngoài các trạm nạp nhiên liệu trong gần một tuần qua.

Theo Bộ trưởng Kwarteng, tổng cộng có đến 150 lái xe quân sự đã ở trong tình trạng sẵn sàng hỗ trợ và 150 người khác dự phòng, theo một nguồn tin tiết lộ. Các quan chức Bộ Quốc phòng được cho là đang phối hợp với ngành xăng dầu để tìm ra địa điểm cần hỗ trợ nhất.

Ngày 28/9, Thủ tướng Anh Boris Johnson tìm cách trấn an công chúng rằng, nước Anh có đủ nhiên liệu trong kho và tình hình đang trở lại mức bình thường.

Tại Anh, tình trạng thiếu tài xế xe bồn đã làm dấy lên lo ngại về nguồn cung, gây ra tình trạng hoảng loạn mua hàng khi một số lái xe ô tô cố gắng đổ đầy nhiên liệu vào các chai nhựa.

Sự hoảng loạn này thậm chí tạo ra mối đe dọa và bạo lực ở một số khu vực, trong khi các nhân viên y tế tuyến đầu và khu vực công cũng đang yêu cầu quyền được ưu tiên tiếp cận nhiên liệu để làm việc thiết yếu.

Tình trạng thiếu hụt tồi tệ nhất dường như đang diễn ra tại London, ở miền Đông Nam và một số thành phố khác của Anh. Trong khi đó, các vụ ẩu đả cũng đã xảy ra khi các tài xế chen lấn để mua xăng.

Hiệp hội các nhà bán lẻ xăng dầu (PRA), đại diện cho các nhà bán lẻ độc lập và chiếm khoảng 2/3 trong tổng số 8.380 trạm đổ xăng của Anh cho biết, có đến 37% số trạm cung cấp của các thành viên hiệp hội đã hết nhiên liệu.

Các nhà phê bình đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng này là hậu quả của việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 1/2021 cùng với các yếu tố như đại dịch Covid-19 và sự thiếu chủ động của chính phủ trong việc lên phương án thay thế cho hàng nghìn lái xe nước ngoài buộc phải rời khỏi Anh.

Trước đó, chính phủ Anh đã vận động để chấm dứt quyền di chuyển tự do khắp châu Âu của người lao động trong thời gian diễn ra Brexit, với hứa hẹn "giành lại quyền kiểm soát" đối với những gì họ coi là nhập cư không kiểm soát.

Tuy nhiên, cuối tuần trước, nước này đã phải đảo ngược các quy tắc nhập cảnh và miễn thị thực 3 tháng cho các tài xế xe tải nước ngoài, với hy vọng làm giảm bớt tình trạng thiếu hụt tài xế đang gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.

Tình trạng thiếu hụt nhiêu liệu cũng tạo ra sự hỗn loạn tại Anh, khi một số siêu thị đã ở trong tình trạng trống kệ hàng trong vài tuần qua. Tình hình được cho là sẽ phức tạp hơn khi kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh sắp tới. Trong khi đó, việc giá bán buôn khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng vọt cũng khiến các công ty năng lượng phải đối mặt với tình trạng phá sản.

Tình hình khó trở lại bình thường

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, chính phủ cho biết họ sẽ cấp thị thực tạm thời cho 5.000 tài xế nước ngoài, một biện pháp từng bị loại trừ trước đây.

Thủ tướng Johnson nói: “Những gì chúng tôi muốn làm là đảm bảo rằng mình có mọi sự chuẩn bị cần thiết để vượt qua tình trạng này cho đến Giáng Sinh và hơn thế nữa, không chỉ trong việc cung cấp các trạm xăng dầu mà tất cả các bộ phận trong chuỗi cung ứng”.

Tuy nhiên, các hãng vận tải, trạm xăng dầu và các nhà bán lẻ nhận thấy, hiện không có giải pháp khắc phục nhanh chóng nào vì tình trạng thiếu hụt tài xế quá nghiêm trọng, trong khi việc vận chuyển nhiên liệu đòi hỏi những lao động đã được đào tạo và có giấy phép. Trong khi đó, các tài xế châu Âu cũng có thể không sẵn sàng chấp nhận một lời đề nghị cấp thị thực mà chỉ kéo dài đến ngày 24/12.

Chính vì vậy, mặc dù chính phủ cam kết sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng sau khi doanh số bán nhiên liệu tăng vọt đến 500% vào cuối tuần trước, giới quan sát nhận định, tình hình sẽ khó trở lại bình thường trong thời gian ngắn.

Steve McNamara, Tổng thư ký của Hiệp hội Lái xe taxi có giấy phép cho hay, có tới 30% tài xế lái xe taxi truyền thống (London Black Cab) không thể mua nhiên liệu hôm 28/9.

Không chỉ trong lĩnh vực nhiên liệu, việc chấm dứt quyền di chuyển tự do hậu Brexit cũng đã tạo ra tình trạng thiếu nhân viên trong các quán rượu, quán bar và nhà hàng, cũng như các cửa hàng trên phố. Điều này khiến nhiều cơ quan trong ngành khách sạn và nhà bán lẻ kêu gọi chính phủ miễn thị thực ngắn hạn cho người lao động nước ngoài.

Một lời kêu gọi tương tự cũng đã được đưa ra trong ngành công nghiệp giải trí. Giám đốc điều hành của Hiệp hội Khách sạn Anh Quốc (UKHospitality) Kate Nicholls cho rằng, nhân viên của họ vẫn đang "mắc kẹt ở nước ngoài vì các biện pháp hạn chế đi lại (liên quan đến đại dịch Covid-19)".

Bà Nicholls nói với Sky News, chính phủ nên "đơn giản hóa các quy tắc nhập cư vào lúc này để cải thiện tình hình, đồng thời tinh giản bộ máy hành chính để thu hút lao động".

Trong khi đó, thương hiệu thời trang Next của Anh cũng đưa ra những cảnh báo tương tự về "tình trạng thiếu lao động theo mùa", tương tự như các tài xế xe tải và xe bồn.

Hãng này nói: "Vì lợi ích của nền kinh tế Anh rộng lớn hơn, chúng tôi hy vọng chính phủ sẽ có cách tiếp cận quyết đoán hơn đối với cuộc khủng hoảng nhân lực đang diễn ra trong các nhà kho, nhà hàng, khách sạn, nhà chăm sóc và nhiều ngành công nghiệp".

(theo AFP, Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-nang-luong-tai-anh-vi-dau-den-noi-160297.html