Khủng hoảng năng lượng: Trung Quốc 'cầu cứu' Mỹ, EU tìm giải pháp khẩn cấp
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng nghiêm trọng, Trung Quốc đã tìm kiếm các hợp đồng cung cấp khí đốt từ Mỹ, còn EU nỗ lực tìm giải pháp hỗ trợ các nước thành viên.
An ninh năng lượng đã được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính phủ các nước châu Á và châu Âu, trong bối cảnh sự thiếu hụt nhiên liệu và giá khí đốt gia tăng đã dẫn đến tình trạng mất điện trên diện rộng, gây gián đoạn chuỗi cung ứng cho các thương hiệu lớn như Apple, và cản trở nền kinh tế toàn cầu hồi phục sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trung Quốc “cầu cứu” Mỹ
Tại Trung Quốc - nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, cuộc khủng hoảng năng lượng đã trở nên trầm trọng hơn trong những ngày qua khi giá than tăng cao kỷ lục do thời tiết lạnh và giá khí đốt tăng mạnh. Điều này đã khiến các công ty năng lượng lớn tìm kiếm những thỏa thuận lâu dài với các nhà cung cấp khí đốt của Mỹ.
Theo Reuters, ít nhất 5 công ty, trong đó có Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec Corp), Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) và các nhà phân phối năng lượng như Zhejiang Energy đang đàm phán những hợp đồng dài hạn với các nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ, chủ yếu là của Công ty Năng lượng Cheniere và Công ty Venture Global.
Các cuộc đàm phán này có thể dẫn đến những thỏa thuận trị giá hàng chục tỷ USD, đánh dấu sự gia tăng nhập khẩu LNG của Trung Quốc từ Mỹ trong những năm tới. Trước đó vào năm 2019 - thời kỳ đỉnh điểm của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, giao dịch khí đốt giữa hai bên đã bị đình trệ trong một thời gian ngắn.
Một thương nhân ở Bắc Kinh cho biết: “Là các doanh nghiệp quốc doanh, những công ty nói trên phải chịu sức ép giữa việc đảm bảo nguồn cung và xu hướng tăng gia trong thời gian gần đây”.
Theo một số nguồn tin, hoạt động đàm phán mua hàng của phía Trung Quốc với các nhà cung cấp Mỹ đã bắt đầu vào đầu năm 2021 và tăng tốc trong vài tháng gần đây do cuộc khủng hoảng năng lượng (dùng cho sản xuất điện, sưởi ấm) lớn nhất trong nhiều thập kỷ tại Trung Quốc. Giá khí đốt châu Á trong năm nay tăng hơn 5 lần khiến lo ngại tăng cao về sự thiếu hụt nhiên liệu trong mùa Đông.
“Đàm phán được đẩy nhanh kể từ tháng 8 khi giá giao ngay chạm mốc 15 USD/ 1 triệu btu (đơn vị đo lường khí đốt)”, một nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán cho biết.
“Sau khi trải qua sự biến động lớn của thị trường, một số bên mua hối tiếc vì không ký đủ các hợp đồng mua hàng dài hạn”, một nguồn tin khác lưu ý.
Vẫn chưa rõ các công ty Trung Quốc đang đàm phán mua LNG của Mỹ với khối lượng bao nhiêu, nhưng theo đánh giá, riêng Sinopec đã có thể nhập 4 triệu tấn/năm. Các thương nhân cho biết, Sinopec đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng với 3 đến 4 công ty để mua 1 triệu tấn khí đốt mỗi năm trong vòng 10 năm, bắt đầu từ năm 2023.
Hiện các bên mua ở Trung Quốc đang tìm kiếm những hợp đồng mua khí đốt ngắn hạn (để đáp ứng nhu cầu trong nước vào mùa Đông năm nay) và cả những hợp đồng dài hạn. Trung Quốc coi NLG là nhiên liệu cầu nối quan trọng nhằm giúp nền kinh tế tăng trưởng ổn định đến năm 2035, trước khi đạt được mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn khí thải C02 đến năm 2060.
EU tìm giải pháp khẩn cấp
Không chỉ riêng Trung Quốc, EU cũng là nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi giá khí đốt tăng cao. Khối này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng manh nha từ mùa Đông 2020 khi thời tiết giá lạnh bất thường khiến nhu cầu sưởi ấm tăng vọt, làm giảm nghiêm trọng lượng khí đốt dự trữ xuống mức đáng lo ngại.
Để bảo vệ người tiêu dùng trước giá cả nhiên liệu tăng vọt khi mùa Đông năm nay đến gần, các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ “bật đèn xanh” cho các biện pháp khẩn cấp của các nước thành viên, trong đó có việc quy định giá trần và trợ cấp. tại hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào tuần tới.
Trước đó trong tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với châu Âu rằng, Nga - nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho khu vực có thể gia tăng nguồn cung nếu được yêu cầu, để giúp giảm bớt tình trạng tăng giá khí đốt mà Moscow cho là một phần nguyên nhân xuất phát từ việc châu Âu không muốn ký các hợp đồng dài hạn.
Tuy vậy, một số chính trị gia châu Âu cáo buộc Nga đang lợi dụng việc giá khí đốt đang tăng cao bất thường, làm đòn bẩy để khởi động dự án Dòng chảy phương Bắc 2 do tập đoàn Gazprom (Nga) hậu thuẫn. Đây là dự án đường ống dẫn khí đốt xa bờ nối từ thành phố Vyborg (Nga) đến thành phố Greifswald (Đức) dọc theo biển Baltic.
Ngày 15/7 vừa qua, ông Sergiy Makogon, Tổng giám đốc nhà điều hành hệ thống truyền dẫn khí của Ukraine (GTSOU) cho biết, khối lượng khí đốt của Nga bơm qua Ukraine đến châu Âu đã giảm xuống thấp hơn so với hợp đồng vận chuyển hiện tại của họ.
“Hành vi này của tập đoàn Gazprom rất đáng chú ý vì bất chấp sự thiếu hụt đáng kể khi đốt ở EU và giá mặt hàng này đang tăng ở mức tối đa, Gazprom thậm chí không sử dụng đến công suất đã được chi trả”. Gazprom vẫn chưa đưa ra phản ứng trước bình luận này.
Ngân hàng ABN Amro của Hà Lan cảnh báo, giá khí đốt tự nhiên bán buôn ở châu Âu khó có thể trở lại mức "bình thường" trước năm 2023. Na Uy, nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai của châu Âu, đã nằm trong số những bên chiến thắng trong cuộc khủng hoảng năng lượng, với thặng dư thương mại tăng kỷ lục 28%, lên đến 6,37 tỷ USD vào tháng 9/2021 nhờ doanh thu tăng vọt từ việc bán khí đốt./.