Khủng hoảng ngân sách làm lung lay niềm tin của ngành công nghiệp ở Đức

Với 'lỗ hổng ngân sách' 60 tỷ euro trong kế hoạch chi tiêu năm 2024 của Chính phủ Đức, một số ngành hiện lo ngại Berlin có khả năng sẽ không thể tuân thủ cam kết tài trợ cho các dự án xanh.

Bên trong một nhà máy sản xuất thiết bị điện gió tại Cuxhaven, Tây Bắc Đức, ngày 31/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bên trong một nhà máy sản xuất thiết bị điện gió tại Cuxhaven, Tây Bắc Đức, ngày 31/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Reuters, cuộc khủng hoảng ngân sách ngày càng nghiêm trọng của Đức đang ảnh hưởng đến nền kinh tế hàng đầu châu Âu.

Đức được biết đến như một đối tác đáng tin cậy cho ngành công nghiệp, nhưng một số ngành hiện lo ngại rằng Berlin có khả năng sẽ không thể tuân thủ cam kết tài trợ cho các dự án xanh và cả những dự án khác.

Với việc tạo ra một “lỗ hổng” 60 tỷ euro (65 tỷ USD) trong kế hoạch chi tiêu năm 2024 của Chính phủ, phán quyết mới đây của Tòa án Hiến pháp đặt ra những câu hỏi lớn hơn về những khoản viện trợ cho các dự án công nghiệp lớn - lẽ ra phải được hỗ trợ bằng ngân sách công.

Các dự án này bao gồm kế hoạch của ArcelorMittal - nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới có trụ sở tại Luxembourg - chi 2,5 tỷ euro để khử cacbon cho các nhà máy thép ở Đức. Những nỗ lực của công ty phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Chính phủ [Đức] - hiện không chắc chắn.

"Chúng tôi thất vọng và trên hết là lo ngại, vì chúng tôi vẫn thiếu các quyết định tài trợ và do đó chưa thấy triển vọng cho hoạt động sản xuất công nghiệp của chúng tôi ở Đức" - Reiner Blaschek, người đứng đầu bộ phận Đức của ArcelorMittal, cho biết.

Ông Blaschek gọi việc Chính phủ không thể đưa ra giải pháp nhanh chóng cho tình trạng bế tắc ngân sách là "cực kỳ cẩu thả," nhấn mạnh những hậu quả tiềm tàng đối với Đức - quốc gia đang phải “vật lộn” để giữ vị trí là một địa điểm công nghiệp hàng đầu.

Thủ tướng Olaf Scholz trong một thông điệp video hôm 24/11 cho biết Chính phủ đang nhanh chóng xử lý lại ngân sách năm 2024 và tất cả các quyết định cần thiết sẽ được đưa ra trong năm nay.

Đối thủ đến từ Đức của ArcelorMittal là SHS Stahl-Holding-Saar cũng chưa nhận được cam kết chính thức từ Berlin về việc hỗ trợ nỗ lực đầu tư 3,5 tỷ euro nhằm cắt giảm đáng kể lượng khí thải CO2 tại các lò nung của mình.

Giám đốc Điều hành Stefan Rauber cho biết giải pháp cần được tìm ra trong vòng vài ngày chứ không phải vài tuần, và ông cần một quyết định [của Chính phủ] vào cuối năm để chương trình [đầu tư của công ty] có thể thực hiện được.

"Những gì chúng ta đang thấy ở đây đang ‘tàn phá’ nước Đức - với tư cách là một địa điểm kinh doanh toàn cầu. Và càng kéo dài thì tình hình càng trở nên tồi tệ hơn" - ông Rauber nói.

Ngoài khoản đầu tư 6 tỷ euro vào thép, các lĩnh vực khác có khả năng bị ảnh hưởng bởi phán quyết của Tòa án bao gồm 4 tỷ euro trong lĩnh vực vi điện tử và 20 tỷ euro để sản xuất pin - theo một tài liệu của Bộ Kinh tế mà Reuters đã xem.

Theo tài liệu này, phán quyết của của Tòa án cũng ảnh hưởng đến các “thỏa thuận bảo vệ khí hậu” nhằm giúp ngành công nghiệp tự bảo vệ mình trước những biến động về giá điện - những khoản này trước đây được ước tính là 68 tỷ euro.

“Đầu tư không đủ”

Đức từ lâu đã bị chỉ trích vì đầu tư không đủ vào cơ sở hạ tầng kinh tế quan trọng - IMF năm nay lặp lại lời kêu gọi Berlin tạo thêm dư địa tài chính để đầu tư vào tương lai của đất nước.

Các nhà phê bình cho rằng việc hạn chế nợ được quy định trong Hiến pháp, đặt ra những giới hạn rất nghiêm ngặt về số nợ mới có thể gánh, là “có phần độc đoán” khi hạn chế không gian cho những khoản đầu tư như vậy.

Quyết định của Tòa án ngăn chặn việc tái sử dụng số tiền chưa sử dụng từ đại dịch COVID-19 để những khoản đầu tư xanh đã làm dấy lên nghi ngờ về số phận của các phương tiện tài trợ ngoài ngân sách khác và các kế hoạch chi tiêu trong tương lai từ năm 2024 trở đi.

Những nhận xét trong ngành công nghiệp phản ánh mối lo ngại rộng rãi rằng [phán quyết của Tòa án] sẽ hạn chế khả năng của Đức trong việc tuân thủ các cam kết tài trợ cho các dự án mở rộng lớn bao gồm một số dự án của Intel, TSMC và Infineon.

Tình trạng bất ổn về ngân sách đang tạo ra loạt vấn đề mới trong lúc Đức đang “đấu tranh” để “giành mối” đầu tư tại các địa điểm ở châu Á và Mỹ, đồng thời đối mặt với nguy cơ các hãng công nghiệp lớn chuyển địa điểm ra nước ngoài.

 Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Herten (Đức). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Herten (Đức). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) của Mỹ đã cung cấp cho các công ty khung pháp lý rõ ràng, bao gồm cả lĩnh vực hydro mới ra đời - một lĩnh vực then chốt cho những nỗ lực của Đức nhằm trung hòa carbon trong nền công nghiệp của mình.

"Nếu có ấn tượng rằng đi theo con đường này với các công ty Đức là không an toàn thì các nhà sản xuất sẽ tìm đến IRA và các dự án khác ở Mỹ, đơn giản là vì an ninh đầu tư ở đó" - Bernhard Osburg, Giám đốc Điều hành của Thyssenkrupp Steel Europe, cho biết.

Ngoài những nỗi lo về tác động của “lỗ hổng ngân sách” đối với các dự án trong ngắn hạn, ngày càng có nhiều lo ngại rằng [tình hình ngân sách hiện tại] có thể làm suy yếu khả năng của Đức trong việc đồng tài trợ cho quá trình chuyển đổi dài hạn các ngành công nghiệp của nước này.

Một số người lo rằng kế hoạch giảm giá điện cho ngành công nghiệp - nỗ lực chính nhằm hỗ trợ các công ty hóa chất nặng như BASF và Wacker Chemie [duy trì khả năng] cạnh tranh - cũng có thể bị “trật bánh.”

"Các ngành công nghiệp quan trọng ở Đức như hóa chất hay sản xuất thép cần giá năng lượng ‘kinh tế’” - Oliver Blume, Giám đốc Điều hành của nhà sản xuất ôtô hàng đầu châu Âu Volkswagen, nói với Frankfurter Allgemeine Zeitung. "Chúng ta hiện đang kém cạnh tranh hơn trên quy mô toàn cầu."./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/khung-hoang-ngan-sach-lam-lung-lay-niem-tin-cua-nganh-cong-nghiep-o-duc-post910088.vnp