Khủng hoảng ngành bán dẫn: Từ khan hiếm đến dư thừa
Ngành công nghiệp bán dẫn được xem là 'xương sống' của nhiều nền kinh tế, nhưng sự biến động của thị trường đã tác động nghiêm trọng tới lĩnh vực này khi nhiều hãng chip hàng đầu phải đối mặt với bài toán thua lỗ, cùng với lượng hàng tồn kho tăng cao.
Đại dịch Covid-19 từng gây gián đoạn nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng và tăng gánh nặng cho các dây chuyền sản xuất bán dẫn khi người phải làm việc ở nhà và cần mua sắm thiết bị điện tử. Nhu cầu đối với các chất bán dẫn như chip bộ nhớ của Samsung, SK Hynix và Micron tăng lên. Ngay cả nhu cầu về chip kém hiện đại hơn dùng trong các quy trình như quản lý năng lượng cũng gia tăng đáng kể.
Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt trên diện rộng các sản phẩm điện tử như bảng điều khiển trò chơi, thậm chí cả linh kiện trong máy giặt. Ngoài ra, còn thiếu hụt chất bán dẫn cho xe hơi, khiến các hãng ô tô lớn phải giảm mạnh sản lượng sản xuất. Tình trạng khan hiếm chip nói riêng và sản phẩm tiêu dùng nói chung kéo dài đến nửa đầu năm 2022.
Mặc dù các nhà phân tích nhận định, nguồn cung và cầu với một số loại chip dần trở nên cân bằng hơn trong một năm qua, song nhiều loại chip khác đang chứng kiến tình trạng khan hiếm hóa thành dư thừa.
Quá nhiều chip nhớ
Theo CNBC, hai loại chip nhớ đang thừa nhiều nhất hiện nay là NAND và DRAM, được dùng trong bộ nhớ RAM, máy tính xách tay và máy chủ trong trung tâm dữ liệu.
Tình trạng dư thừa này xảy ra sau khi các công ty bắt đầu tích trữ lượng lớn chip để tăng lượng hàng tồn kho phòng trường hợp nguồn cung khan hiếm. Tuy nhiên, sau thời kỳ đại dịch, nền kinh tế chững lại khiến nhu cầu mua sắm đối với các sản phẩm như điện thoại thông minh và máy tính xách tay giảm mạnh.
"Các nhà sản xuất thiết bị ngừng đặt hàng chip, thay vào đó là tập trung bán hết số hàng tồn kho. Điều này tác động đến toàn bộ chuỗi cung ứng, khi nhu cầu rất cao thời đại dịch bỗng nhiên biến mất", ông Peter Hanbury, chuyên gia tại công ty tư vấn Bain & Company cho biết.
Tuy nhiên, không phải tất cả các loại chất bán dẫn đều rơi vào tình trạng dư cung. Nhu cầu về chip trong lĩnh vực ô tô hiện vẫn khá cao.
Từ bùng nổ lợi nhuận đến sụt giảm doanh thu
Ngành công nghiệp bán dẫn được xem là một thị trường bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian qua, đặc biệt là thời kỳ đại dịch với doanh số bán hàng và giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành đạt mức đỉnh. Tình trạng khan hiếm chip trong đại dịch từng khiến giá linh kiện tăng mạnh và mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các nhà sản xuất bán dẫn, tiêu biểu là Samsung.
Tuy nhiên, bối cảnh thị trường đầy biến động như lạm phát và lãi suất tăng cao, người tiêu dùng và doanh nghiệp dần thắt chặt chi tiêu hơn, thay đổi thói quen mua sắm. Điều này vô tình khiến các nhà sản xuất chip gặp khó khi lượng hàng tồn kho tăng lên, trong khi số lượng người mua lại giảm xuống.
Giới chuyên gia nhận định, ngành công nghiệp bán dẫn trị giá ước tính 160 tỷ USD đang phải hứng chịu một trong những đợt suy thoái tồi tệ nhất từ trước đến nay. Những vấn đề nổi cộm với ngành bán dẫn hiện nay là dư thừa hàng tồn kho, khách hàng cắt giảm các đơn đặt hàng và giá sản phẩm giảm mạnh.
Samsung cũng như các đối thủ SK Hynix và Micron đều đang trải qua giai đoạn khó khăn. Ngày 27/7 vừa qua, Samsung cho biết, lợi nhuận hoạt động trong quý 2/2023 đã giảm tới 95% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, doanh thu của SKY Hynix cũng giảm 47,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chuyển sang thâm hụt với số lỗ ròng là 2,34 tỷ USD.
Ngay cả TSMC, xưởng đúc chip hàng đầu thế giới, cũng chứng kiến thu nhập ròng giảm 23,3% trong cùng kỳ. Đây là lần giảm lợi nhuận hàng quý đầu tiên của công ty sau 4 năm.
Trong nỗ lực tăng giá chip và giảm nguồn cung trên thị trường, thời gian qua, nhiều hãng sản xuất đã tuyên bố cắt giảm sản lượng. Samsung và các hãng chip khác đều dự đoán nhu cầu toàn cầu sẽ phục hồi trong nửa sau năm 2023.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố gần đây, TSMC cho biết họ mong đợi khách hàng tiếp tục điều chỉnh hàng tồn kho. "Sau đợt điều chỉnh năm nay, tôi nghĩ rằng sẽ có một kịch bản tăng trưởng vào nửa cuối năm cho TSMC, nhưng điều đó mạnh đến mức nào còn phụ thuộc vào môi trường vĩ mô", nhà phân tích Sze Ho Ng tại China Renaissance Securities chia sẻ với CNBC.