'Khủng hoảng nghĩa địa' ở Pakistan

Ngày nay, việc tìm chỗ chôn cất cho người thân đã trở thành một nhiệm vụ đầy thách thức đối với các gia đình ở Rawalpindi - một thành phố lớn thuộc Punjab, Pakistan. Nhiều người nói rằng, việc tìm một chỗ an táng cho người quá cố trong nghĩa địa khó hơn nhiều so với việc tìm một chỗ trên lối đi để ngủ.

Người Hồi giáo Pakistan thắp nến trên mộ người thân trong một nghĩa địa ở thành phố Karachi

Khó như tìm nơi án táng cho người thân

Khi cha của Asif Ali qua đời vài tháng trước, anh và gia đình đã phải đối mặt với những khó khăn trong việc tìm vị trí an táng cho cha. "Tháng 7-2018, cha tôi qua đời. Đó là thời điểm khó khăn nhất cho cả gia đình tôi. Rắc rối thực sự bắt đầu khi chúng tôi tìm kiếm một vị trí đẹp trong nghĩa địa để an táng cho cha. Mặc dù mất rất nhiều thời gian nhưng gia đình vẫn không tìm được nơi nào phù hợp. Vấn đề được giải quyết khi gia đình quyết định đưa một khoản tiền lớn cho người quản lý nghĩa trang Dhok Kala Khan Graveyard”, Asif Ali kể lại.

Kashif Mahmoood cũng cho biết, khi cha anh qua đời, do không có tiền để trả cho người đào mộ nên gia đình gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nơi an táng cho cha. May mắn thay, anh rể của Kashif Mahmoood đã vay mượn được khoản tiền lớn để đưa cho người đào mộ giúp gia đình giải bài toán khó.

Asif Ali, Kashif Mahmoood là hai trong rất nhiều gia đình ở Rawalpindi đang phải đối mặt với “cuộc khủng hoảng nghĩa địa”. Các gia đình không có lựa chọn nào khác ngoài việc buộc phải chôn cất người chết trong cùng một ngôi mộ với người khác hoặc trả tiền cho người chuyên đào mộ để có được địa điểm thích hợp.

Theo điều tra dân số năm 2017, thành phố Rawalpindi có 2 triệu người nhưng chỉ có 69 nghĩa địa. Phần lớn trong số này đều đã kín chỗ. Thời gian gần đây, một số nghĩa địa tư nhân được xây dựng bởi các gia đình giàu có trong thành phố nhưng diện tích nhỏ hẹp và không mở cửa cho tất cả mọi người.

Thời làm ăn của những “chuyên gia” đào mộ

Do không có chỗ trống trong nghĩa địa, cư dân buộc phải chôn cất người thân trong những ngôi mộ cũ của người khác. Nhưng cũng rất khó để thực hiện điều này nếu các gia đình không có sự hỗ trợ của các “chuyên gia” đào mộ. Tất nhiên, những “chuyên gia” đào mộ sẽ “luộc” các gia đình khoản chi phí không hề nhỏ.

Người đào mộ để mắt đến những ngôi mộ đã bị san bằng hoặc không có người thân viếng thăm trong thời gian dài. Họ sẽ cung cấp không gian đó cho các gia đình có nhu cầu sau khi nhận tiền. Một số người dân tiết lộ rằng, người đào mộ nhận được 15.000 đến 20.000 rupee cho một ngôi mộ, bao gồm cả việc đào đất và các dịch vụ khác kèm theo.

Nazar Muhammad là một người chuyên đào mộ thuê, làm việc thường xuyên tại Pirwadhai - một trong những nghĩa địa lớn nhất của thành phố. Anh cho biết, nghĩa địa Pirwadhai đã hết chỗ từ 30 năm trước. Giờ đây, các gia đình phải chôn cất xác chết mới bằng cách san bằng ngôi mộ cũ. “Đôi khi, chúng tôi tìm thấy cả hộp sọ người khi đào những ngôi mộ cũ và chôn chúng ở góc của ngôi mộ mới. Tất cả các nghĩa địa của thành phố đã hết chỗ và người dân không có lựa chọn nào khác ngoại trừ việc chôn cất người thân trong ngôi mộ cũ. Ban quản lý các nghĩa địa đã quyết định áp dụng lệnh cấm lát đá mộ", Nazar Muhammad nói.

Ezzat Shah làm việc tại nghĩa địa Muhalla Hukam Dad nói rằng, “không có khoảng trống trong nghĩa địa này nhưng nếu được yêu cầu, chúng tôi cho an táng ở giữa hai ngôi mộ. Các gia đình phải trả khoản phí 18.000 rupee cho sự sắp xếp này”.

Các nhà quản lý của thành phố Rawalpindi cho biết, hiện nay, việc xây dựng một nghĩa địa mới trong thành phố chưa được đề cập đến vì chính quyền đã giao diện tích đất rộng để xây dựng nghĩa trang nghệ thuật quốc gia gần Dhamial. Được biết, việc quản lý các nghĩa địa ở Pakistan sẽ được xây dựng theo hướng số hóa dữ liệu người chết và đưa lên mạng để công dân có thể xem mộ của người thân từ bất cứ nơi nào trên thế giới.

Tường Phạm (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/khung-hoang-nghia-dia-o-pakistan/797708.antd