Khủng hoảng nhà ở toàn cầu: Hơn 1,6 tỷ người không có mái ấm đạt chuẩn

Trong bối cảnh đô thị hóa tăng tốc và áp lực lạm phát, cuộc khủng hoảng nhà ở toàn cầu đang ngày càng trầm trọng. Ước tính có tới 1,6 tỷ người trên thế giới chưa tiếp cận được nhà ở đạt chuẩn, trong khi giá nhà liên tục vượt xa thu nhập.

Rào cản lớn nhất đối với tăng trưởng đô thị bền vững hiện nay là tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở

Rào cản lớn nhất đối với tăng trưởng đô thị bền vững hiện nay là tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở

Thiếu hụt nguồn cung nhà ở

Với dự báo hơn hai phần ba dân số toàn cầu sẽ sinh sống tại các đô thị vào năm 2050, các thành phố đang đối mặt với áp lực chưa từng có trong việc đảm bảo số lượng và tính bền vững của nguồn cung nhà ở. Mục tiêu Phát triển Bền vững số 11 của Liên Hợp Quốc là làm cho các khu vực dân cư trở nên toàn diện, an toàn, linh hoạt và bền vững. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa những mục tiêu này đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát tăng cao và chính sách tài khóa thắt chặt đang làm hạn chế khả năng đầu tư của khu vực công.

Một trong những rào cản lớn nhất đối với tăng trưởng đô thị bền vững hiện nay là tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở. Nguyên nhân không chỉ đến từ việc ngày càng có nhiều người chuyển đến sinh sống tại các khu vực đô thị, mà còn do giá nhà ở tăng nhanh hơn nhiều so với mức thu nhập của người dân.

Một nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trên 200 thành phố toàn cầu cho thấy 90% trong số đó bị xếp vào nhóm “khó tiếp cận do khả năng chi trả” khi giá một căn nhà trung bình cao hơn gấp ba lần thu nhập bình quân hàng năm.

Khi các thành phố tiếp tục mở rộng, chính quyền địa phương và trung ương cần đảm bảo rằng hệ thống hạ tầng và dịch vụ công không bị quá tải. Trường học, bệnh viện, đường sá, mạng lưới giao thông công cộng và cả nhà ở đều cần phát triển đồng bộ để đáp ứng nhu cầu gia tăng này. Các đô thị được phát triển một cách có định hướng và toàn diện có thể mang lại nhiều lợi ích cho xã hội toàn cầu.

Tái định vị nhà ở

Để giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở hiện nay, các giải pháp với quy mô lớn và dài hạn trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Vốn tư nhân, đặc biệt từ các nhà đầu tư tổ chức, có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách này. Tuy nhiên, tư duy chính sách nhà ở mang tính ngắn hạn kéo dài dai dẳng đã hạn chế sự tham gia của khu vực tư.

Chúng ta có thể học hỏi từ những mô hình thành công trên thế giới. Cụ thể, Singapore là một ví dụ điển hình về việc chính phủ can thiệp mạnh mẽ để đảm bảo nhà ở công chất lượng cao, giúp người dân có thu nhập thấp vẫn có thể sở hữu nhà. Với mục tiêu xây dựng 50.000 căn nhà ở công mới mỗi năm trong giai đoạn 2025–2027, Singapore đã chứng minh quyết tâm chính trị là yếu tố tiên quyết.

"Thông qua việc phân tích xu hướng dân số và thu nhập, hệ thống nhà ở công tại Singapore đã trở thành một bộ máy vận hành hiệu quả", ông Alan Cheong, Giám đốc Điều hành Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Singapore chia sẻ.

Ngược lại, tại London, dù có mục tiêu xây dựng 88.000 căn nhà mới mỗi năm, thành phố chỉ hoàn thành 35.850 căn trong năm 2024. Số lượng dự án nhà ở tư nhân được khởi công đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010, do chi phí xây dựng tăng, chi phí vay cao và các nút thắt trong quy định.

Thượng Hải đã hoàn thành khoảng 127.000 căn nhà mới trong năm 2024, cho thấy xu hướng phát triển ổn định tại Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách vẫn đang tập trung thúc đẩy tăng trưởng thu nhập và củng cố niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường bất động sản.

Đến năm 2050, 10 thành phố đông dân nhất thế giới sẽ là nơi sinh sống của gần 374 triệu người, kéo theo nhu cầu khổng lồ về nhà ở. Để tài trợ cho việc xây dựng nhà ở và hỗ trợ phát triển đô thị bền vững, gia tăng nguồn vốn công và tư là cần thiết.

"Thông thường, một dự án phát triển bất động sản nhà ở sẽ có chu kỳ đầu tư khoảng 5 năm. Tuy nhiên, các chủ đầu tư thường thích phân bổ nguồn vốn của họ trong khoảng thời gian dài hơn, có thể lên đến 20 năm hoặc hơn", ông Richard Valentine-Selsey - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Nhà ở Châu Âu, Savills nhận định.

Một giải pháp đầy hứa hẹn có thể là tái định vị nhà ở như một loại cơ sở hạ tầng quốc gia. Khi nhà ở được coi trọng về mặt chiến lược giống như các mạng lưới giao thông hoặc năng lượng, nó sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư dài hạn.

Một số quốc gia như Singapore, Áo, Đan Mạch và Hà Lan đã áp dụng cách tiếp cận tích hợp này, đưa nhà ở vào trong quy hoạch hạ tầng quốc gia song song với các dịch vụ tiện ích và xã hội. Điều này mang lại sự ủng hộ chính trị, hỗ trợ lâu dài từ Chính phủ và giảm chi phí phát triển nhà ở, đồng thời hỗ trợ khả năng chi trả cao hơn và tích hợp các mục tiêu rộng lớn hơn như khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Dĩ nhiên, việc tái định vị nhà ở như một hạ tầng quốc gia không phải là phương thức toàn diện để giải quyết khủng hoảng nhà ở toàn cầu. Tuy vậy, đó lại là một bước cần thiết để tiếp cận các nguồn vốn mới và gắn kết hoạt động đầu tư dài hạn phù hợp với nhu cầu dài hạn.

Trong kỷ nguyên đầy áp lực dân số, cộng với áp lực về khả năng chi trả và tính bền vững, việc tái định nghĩa này có thể là cần thiết đối với các thành phố đang tìm cách xây dựng nhà ở với quy mô và tốc độ cần thiết để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Hải Yến

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/khung-hoang-nha-o-toan-cau-hon-16-ty-nguoi-khong-co-mai-am-dat-chuan-167514.html