Khủng hoảng nhân đạo tại Afghanistan ngày càng nghiêm trọng
Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế bày tỏ lo ngại về cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Afghanistan đang ngày càng nghiêm trọng. Xung đột kéo dài nhiều năm, đại dịch Covid-19 và những tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu là những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng này.
Theo Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, 30% trong tổng số 39 triệu người dân Afghanistan đang đối mặt tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng, trong khi 18 triệu người cần được hỗ trợ nhân đạo hoặc bảo vệ. Ủy ban này cảnh báo, các tổ chức nhân đạo chỉ có thể đưa ra các giải pháp tạm thời, cũng như không đủ khả năng ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Afghanistan.
Tổ chức Di cư quốc tế cho biết, từ đầu năm đến nay đã hỗ trợ y tế cho gần 500.000 người dân Afghanistan, đồng thời đang nỗ lực bảo đảm hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia này không bị sụp đổ trong trung hạn. Cơ quan này cùng các tổ chức nhân đạo quốc tế đang chạy đua với thời gian để cung cấp hàng viện trợ cho những người dân dễ bị tổn thương tại Afghanistan trước mùa đông tới.
Bộ Ngoại giao Pakistan tuyên bố, cửa khẩu biên giới Torkham giữa Pakistan và Afghanistan đã được mở lại. Tuyên bố nêu trên được đưa ra ngay sau chuyến thăm Afghanistan của Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Shah Mahmood Qureshi. Truyền thông địa phương đưa tin, trong khuôn khổ chuyến thăm, các bên đã thảo luận về biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác song phương.
Chi nhánh của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Afghanistan đã nhận trách nhiệm gây ra vụ nổ ngày 21/10, khiến mạng lưới truyền tải điện bị hư hỏng nặng dẫn đến tình trạng mất điện trên diện rộng ở thủ đô Kabul. Theo đó, các tay súng của tổ chức này đã đánh bom một cột điện cao thế ở Kabul. Vụ nổ làm hỏng trạm điện cao thế chuyên cung cấp điện cho thủ đô và một số tỉnh lân cận. Afghanistan chủ yếu phụ thuộc vào nguồn điện nhập khẩu từ hai quốc gia láng giềng là Uzbekistan và Tajikistan nên hệ thống truyền tải điện ở nước này thường trở thành mục tiêu tấn công phá hoại.