Khủng hoảng nhân sự ngành nightlife ở Singapore

Sau 2 năm, các hộp đêm ở Singapore cuối cùng cũng được mở cửa trở lại từ ngày 19/4 nhưng nhanh chóng phải đối mặt nhiều khó khăn, đặc biệt về nhân lực, theo SCMP.

Ngày 20/4, Zouk, club nổi tiếng nhất nhì Singapore, chỉ mở cửa một nửa sức chứa trong khi hộp đêm Marquee vẫn chưa thông báo ngày trở lại. Vấn đề không phải ở nhu cầu của khách, mà là nhân lực.

Khi Singapore nới lỏng các biện pháp phòng dịch, cho phép nhiều hoạt động kinh doanh mở cửa trở lại, từ club, karaoke đến việc cho nhà hàng, quán bar bán đồ có cồn sau 22h30.

Điều này khiến các cơ sở kinh doanh phải bắt đầu thuê nhân sự trở lại. Nhiều nơi không thể tuyển dụng đủ người để đáp ứng nhu cầu của đám đông đang phấn khích quay lại vui chơi.

Marquee, tọa lạc tại khu Marina Bay Sands sang trọng, đang tuyển dụng 17 vị trí, từ DJ, nhân viên phụ trách ánh sáng, người dẫn chương trình VIP, pha chế đến thu ngân.

Andrew Li, giám đốc điều hành Zouk Group, cho biết club đã được đặt kín bàn trong một tháng và có một hàng dài danh sách khách phải chờ trong bối cảnh bùng nổ nhu cầu. Nơi này không kịp thuê đủ nhân viên cho ngày mở lại như dự kiến.

 Đám đông bên ngoài hộp đêm Zouk tại Singapore. Nơi này và nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ đang gặp bài toán khó về nhân lực khi được mở cửa lại. Ảnh: Bloomberg.

Đám đông bên ngoài hộp đêm Zouk tại Singapore. Nơi này và nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ đang gặp bài toán khó về nhân lực khi được mở cửa lại. Ảnh: Bloomberg.

Không kịp chuẩn bị

Ngày 4/4, các hộp đêm mới nhận được thông báo có thể mở cửa trở lại sau 2 tuần.

"Khó có thể tìm đủ các vị trí nhân sự do tình trạng khan hiếm lao động trên thị trường", Li nói, cho biết thêm các nhân viên khối hành chính đã được điều động để hỗ trợ trong tuần đầu club mở lại.

Ông cũng cho biết thêm tập đoàn cũng sẽ điều động nhân sự từ các nhà hàng, quán bar trực thuộc để lấp tạm thời các vị trí và thu hẹp giờ mở cửa cho đến khi giải quyết được cuộc khủng hoảng nhân lực.

Ronald Kamiyama, cho biết các nhà hàng chủ yếu bán đồ ăn Italy trực thuộc Cicheti Group đã rất nhộn nhịp kể từ khi đảo quốc sư tử cho phép mọi người dùng bữa theo nhóm 10 người thay vì 5 như trước.

Kamiyama cho biết anh liên tục tuyển dụng và đã thuê khoảng 10 nhân sự trong những tháng gần đây.

 Hộp đêm Marquee nổi tiếng đang thiếu nhiều nhân lực sau dịch. Ảnh: @marqueesingapore.

Hộp đêm Marquee nổi tiếng đang thiếu nhiều nhân lực sau dịch. Ảnh: @marqueesingapore.

“Tôi tin rằng Singapore có rất nhiều cửa hàng, nhà hàng mới, và các khách sạn cũng đang tuyển dụng nhiều nhân viên phục vụ, nhân viên bếp. So với trước đây, việc tuyển dụng khó hơn một chút, khá cạnh tranh”, Kamiyama cho hay.

Desmond Chin, quản lý quán bia thủ công Taproom, cho biết anh nhận được rất nhiều phản hồi cho các thông báo tuyển dụng, nhưng “khoảng 90% ứng viên không đến buổi phỏng vấn”.

Các nhà hàng cũng gặp khó khăn bởi hạn ngạch về số lượng lao động nước ngoài họ có thể thuê. Cứ với 10 lao động địa phương, chủ cơ sở kinh doanh có thể thuê 1 lao động nước ngoài thuộc nhóm S Pass (người có tay nghề bậc trung, phải kiếm được ít nhất 2.500 SGD/tháng) cũng như 5 lao động Malaysia hoặc Bắc Á có giấy phép lao động (Work Permit). Các cơ sở có 5 lao động người địa phương chỉ được thuê 2 lao động nước ngoài.

Chin và Kamiyama cho biết không dễ để thuê được nhân viên địa phương. Nhiều người không thích chia ca làm việc, số khác bị cho thôi việc trong đại dịch đã chuyển sang công việc có lương cao hơn, các ca làm thêm phù hợp với sinh viên song nhóm này lại có xu hướng tránh làm việc vào cuối tuần và ngày lễ.

 Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ tại Singapore chưa thể hoạt động hết công suất do thiếu nhân lực. Ảnh: Bloomberg.

Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ tại Singapore chưa thể hoạt động hết công suất do thiếu nhân lực. Ảnh: Bloomberg.

“Lao động nhóm S Pass và Work Permit thực sự muốn có việc làm. Họ học về dịch vụ khách hàng và đi học ở các trường quản lý. Thật không may, do các quy định, chúng tôi cần thuê được các lao động địa phương trước khi có thể thuê họ. Vì vậy, chúng tôi vẫn đang tìm người".

Một lá thư được đăng trên tờ The Straits Times vào tháng trước đã kêu gọi chính phủ Singapore ngừng phân loại ngành F&B theo lĩnh vực dịch vụ áp dụng hạn ngạch để các doanh nghiệp có thể thuê thêm người nước ngoài.

“Các cơ sở F&B như quán cà phê, quán ăn đang đối mặt tình trạng thiếu nhân lực. Nhiều người Singapore không muốn làm việc trong lĩnh vực này do thời gian làm việc kéo dài và điều kiện làm việc kém thoải mái", người viết thư Yeo Thye Lye cho biết.

“Nhiều nhà điều hành F&B không có lựa chọn nào khác ngoài việc phụ thuộc vào lao động nước ngoài. Chúng tôi không yêu cầu tăng mạnh hạn ngạch lao động nước ngoài mà là phân bổ sao cho hợp lý".

Hiện, trong khi nhân viên của Zouk Group đảm nhiệm nhiều vai trò, Cicheti Group cho biết đang thuê người chỉ làm ca đêm thay vì chia ca như thường lệ từ 10h30 đến 14h30 chiều, sau đó 17h cho đến khi đóng cửa.

Taproom's Chin đã rút ngắn thực đơn đồ ăn vì anh chỉ có 5 nhân viên trong khi cần tới 7 người. Anh không yêu cầu quá cao khi tuyển dụng.

"Tôi chào đón bất cứ ai muốn làm việc, bất kể khả năng ra sao. Ngay cả khi họ không phù hợp lắm với công việc, tôi cũng đành mắt nhắm mắt mở vì cần nhân lực".

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khung-hoang-nhan-su-nganh-nightlife-o-singapore-post1313538.html