Khủng hoảng nợ của những nước châu Phi khi tham gia BRI
Trang theafricareport.com đăng bài phân tích của Harry G. Broadman về thực trạng nợ của các nước châu Phi tham gia Sáng kiến 'Vành đai và Con đường' (BRI) của Trung Quốc.
Trang theafricareport.com đăng bài phân tích của Harry G. Broadman về thực trạng nợ của các nước châu Phi tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc.
Ông Harry G. Broadman hiện là Giám đốc điều hành và Chủ tịch Nhóm Thị trường mới nổi tại Berkeley Research Group LLC, giảng viên của Đại học Johns Hopkins; cựu Tham mưu trưởng Hội đồng Cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ; Trợ lý Đại diện Thương mại Mỹ; tác giả cuốn sách “Con đường Tơ lụa châu Phi: Biên giới kinh tế mới của Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo tác giả bài viết, với hơn một nửa trong số hơn 60 quốc gia tham gia BRI của Trung Quốc nằm ở châu Phi, thật khó để không đánh giá cao Trung Quốc vì nước này sẵn sàng đầu tư đáng kể để phát triển cơ sở hạ tầng ở Lục địa Đen.
Suy cho cùng, nhiều nước tiên tiến vẫn chưa nắm bắt được đầy đủ nhiệm vụ phải giúp các nước châu Phi phát triển thông qua các khoản đầu tư như vậy, cũng như lợi nhuận đáng kể dựa trên rủi ro có thể mang lại từ việc giúp châu lục này thu hẹp “khoảng cách cơ sở hạ tầng” lâu nay.
Cách thức nguồn tài trợ vận hành
Tuy nhiên, việc Trung Quốc tài trợ cho các dự án BRI của nước này trên khắp châu Phi (cũng như ở các thị trường mới nổi khác thuộc phạm vi BRI) chủ yếu bao gồm các khoản vay dành cho các chính phủ - với số vốn rất lớn và kèm theo điều kiện các bên ký cam kết không tiết lộ toàn bộ các điều khoản vay - trở thành nguyên nhân cho mối quan tâm sâu sắc. Việc Zambia đang phải vật lộn để trả nợ cho Trung Quốc nhận được chú ý trong vài tháng qua và là trường hợp điển hình mới nhất.
Cho dù bạn hoan nghênh hay chỉ trích BRI của Trung Quốc ở châu Phi hay ở nơi khác, đặc biệt là tác động của sáng kiến này đối với gánh nặng nợ của các nước tiếp nhận, thì điều quan trọng là phải đánh giá động cơ và hành vi của cả hai bên trong các giao dịch tài chính có chủ quyền này: bên cho vay (Bắc Kinh) và chính phủ đi vay.
Thông qua đó sẽ phần nào làm sáng tỏ các phán quyết chính sách công đáng ngờ của các nhà lãnh đạo ở châu Phi - những người đã chọn lựa việc ký kết các khoản nợ đó, bởi ngạn ngữ có câu “Muốn nhảy điệu tango cần có cặp.”
Nhiều quốc gia châu Phi (cũng như ở các thị trường mới nổi khác) có những lỗ hổng đáng kể về quản trị công - sự phân chia giữa các ưu đãi của giới tinh hoa cầm quyền và của xã hội. Những tiền đề này cần được tính đến khi đánh giá gốc rễ, ảnh hưởng và các giải pháp tiềm năng của cuộc khủng hoảng nợ BRI mới nổi của châu Phi.
Không nên ảo tưởng rằng các dự án thuộc BRI ở châu Phi là hoàn toàn dựa trên lòng tốt. Ở một mức độ nào đó, đặc điểm của BRI không khác các sáng kiến trước đó của các quốc gia khác nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các nước - mặc dù phần lớn nằm ngoài các thị trường mới nổi - có nền kinh tế bị tàn phá bởi chiến tranh. Chẳng hạn Kế hoạch Marshall của Mỹ.
Ai sẽ được lợi nhiều hơn từ BRI?
Những yếu tố chính của BRI làm nổi bật những thủ pháp ngụy trang thô sơ nhất để Bắc Kinh theo đuổi những động cơ “bất thành văn” (nhưng không khó đoán), bao gồm cả những yếu tố mang lại lợi ích cho Trung Quốc hơn là đối với các nước tiếp nhận.
BRI là phương tiện để Trung Quốc xuất khẩu công suất dư thừa và người lao động dôi dư từng làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước (SOE) vốn đầy trì trệ và giống như nguồn sống đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc. BRI cũng cho phép Bắc Kinh tiếp cận nguồn nguyên liệu thô ở nước ngoài để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc.
Đồng thời, người đứng đầu Trung Quốc Tập Cận Bình đã lấp lửng về thực hiện BRI, cho thấy những mâu thuẫn rõ ràng của sáng kiến này. Điểm nổi bật nhất là việc đồng thời triển khai các dự án trên diện rộng ở nhiều quốc gia. Điều này rất khác biệt với cách thức Trung Quốc thực hiện cải cách kinh tế kể từ năm 1978: từng bước, hợp tác và thông qua thử nghiệm. Đây là những chiến thuật quan trọng được Bắc Kinh sử dụng trong nhiều thập kỷ để khuyến khích dân chúng tin tưởng và ủng hộ các cải cách. Trên thực tế, tham vọng chính trị của Tập đối với BRI thiếu “màu sắc Trung Quốc.”
Bằng chứng hạn chế này của Tập Cận Bình bộc lộ rõ ràng nhất ở châu Phi. Số liệu gần đây nhất cho thấy các chương trình BRI hiện diện ở 36 (hoặc 2/3) quốc gia châu Phi. Điều này cho thấy thực tế rằng thông qua BRI, Trung Quốc đang tập trung vào việc cố gắng định hình sự phát triển kinh tế của châu Phi theo hình ảnh của chính mình.
Châu Phi nghĩ gì?
Nhiều người châu Phi mà tác giả có dịp tiếp xúc trên lục địa này trong vài thập kỷ qua đánh giá cao sự sẵn sàng đầu tư của Trung Quốc. Nhưng phần lớn trong số đó đang nghi ngờ động cơ thực sự đằng sau BRI. Những người hoài nghi không tin vào cách giải thích rằng BRI chỉ đơn giản là một phương tiện để Bắc Kinh thực thi “quyền lực mềm.”
Ngày càng đông đảo người dân châu Phi thực sự phẫn nộ rằng các quyết định liên quan đến lựa chọn và thiết kế dự án, cấu trúc lao động được tuyển dụng và các điều khoản tài chính cho các dự án của Trung Quốc, chỉ phục vụ cho lợi ích của giới tinh hoa chính trị của lục địa này. Do đó, họ hoàn toàn chính xác khi đánh giá BRI làm trầm trọng thêm sự phân tầng chính trị và xã hội ở lục địa.
Các điều khoản tài trợ nợ giữa các chính phủ châu Phi và Chính phủ Trung Quốc được coi là đặc biệt nghiêm trọng. Hiện tại, các quốc gia châu Phi nợ Trung Quốc nhiều nhất là Angola (25 tỷ USD), Ethiopia (13,5 tỷ USD), Zambia (7,4 tỷ USD), Cộng hòa Congo (7,3 tỷ USD) và Sudan (6,4 tỷ).
Những tác động tiêu cực từ sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc
Một điểm rất đáng quan tâm là các thực thể cho vay của Trung Quốc, vốn thuộc sở hữu của chính phủ nước này, không tiết lộ các điều khoản cho vay đối với các nước châu Phi. Điều tồi tệ hơn nữa là các nhà lãnh đạo chính phủ châu Phi cũng đồng ý với điều khoản này. Xét cho cùng, các điều khoản cho vay của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) dành cho các nước châu Phi - tất cả đều là các tổ chức phi thương mại - thường xuyên được công khai.
Tác giả bài viết đề cập đến vấn đề này bởi nhiều người khác nhầm lẫn khi gọi các thực thể Trung Quốc thực hiện các khoản vay này cho các chính phủ châu Phi và các thị trường mới nổi khác - các ngân hàng chính sách của Bắc Kinh, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu - là các chủ nợ “tư nhân.”
Các thực thể này của Trung Quốc hoàn toàn khác biệt các ngân hàng thương mại tư nhân toàn cầu. Cần định danh các thực thể này của Trung Quốc là các chủ nợ “chính thức.”
Thực trạng còn xấu hơn nữa khi sự hiện diện của Trung Quốc khiến giới tinh hoa các nước ở châu Phi rời bỏ pháp quyền và từ bỏ các hợp đồng đã có từ trước với các nhà đầu tư nước ngoài đương nhiệm theo hướng có lợi cho Bắc Kinh. Điều này không chỉ dẫn đến các tranh chấp đầu tư lớn và tốn kém, mà còn có tác động lâu dài đến việc làm giảm uy tín và môi trường đầu tư trong nước để thu hút vốn đầu tư từ các quốc gia khác.
Djibouti là ví dụ điển hình. Djibouti đã phớt lờ các quy tắc của trọng tài quốc tế về giải quyết tranh chấp đầu tư bằng cách đơn phương bãi bỏ thỏa thuận nhượng quyền khai thác cảng 30 năm đối với Cảng container Doraleh (Doraleh Container Terminal) mà quốc gia Sừng châu Phi này đã ký năm 2006 với DP World (DPW) của UAE và nhượng quyền kiểm soát cổ phần của DPW cho China Merchants.
Sau khi thua một số vụ kiện về vấn đề này, trong đó có vụ kiện tại một tòa án bao gồm các thành viên do các bên cùng lựa chọn dưới sự bảo trợ của Tòa án Trọng tài Quốc tế London, Djibouti hiện đang đưa vụ việc ra một tòa án địa phương, cho rằng theo luật trong nước, các quy định về nhượng bộ liên quan đến trọng tài quốc tế là bất hợp pháp ở Djibouti.
Điểm mấu chốt
Trên khắp thế giới, các quan chức chính phủ vốn được người dân tôn kính nhất là những người thành công rực rỡ trong việc mở ra các cải cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước và để lại những di sản đáng ghen tị với tư cách là những nhà lãnh đạo chính phủ vĩ đại. Đó cũng là những người luôn tìm kiếm cơ hội để tạo sự tự tin bằng cách thực hiện các hành vi minh bạch.
Do đó, bất kỳ quan chức châu Phi nào cũng cần thể hiện với những người cho vay chính thức của Trung Quốc rằng đối tác châu Phi sẽ làm ăn với Trung Quốc trong khuôn khổ BRI trên cơ sở của những quan chức chính phủ theo đánh giá ở trên.
Rõ ràng, tác giả bài viết không hề ngây thơ khi nghĩ rằng sẽ là một nhà lãnh đạo hiếm hoi của một quốc gia châu Phi - hoặc của nhiều thị trường mới nổi - sẵn sàng làm điều này. Nhiều doanh nhân châu Âu hoặc Mỹ cũng ngây thơ hoặc quá nhút nhát khi không chống lại các điều kiện thương mại phi lý do các chính phủ nước ngoài áp đặt hoặc áp dụng mức giá siêu cạnh tranh (đôi khi dưới hình thức đòi hối lộ) của các chính phủ nước ngoài - Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác.
Tuy nhiên, bí mật nhỏ của BRI là Bắc Kinh đang khao khát sáng kiến này thành công hơn nhiều so với những nước tiếp nhận tiềm năng.
Các nhà lãnh đạo chính phủ châu Phi - cũng như nhóm các bên liên quan rộng lớn hơn của mỗi quốc gia - do đó, thay vì cư xử như những người đi cầu xin, cần mạnh dạn bày tỏ mối quan tâm và thương lượng một cách nghiêm túc với Trung Quốc về các điều khoản và mục tiêu của BRI./.