Khủng hoảng ở Myanmar: ASEAN thể hiện vai trò trung tâm
Hiệp hội các quốc gia ĐNÁ tuyên bố rõ ràng sau cuộc đảo chính ngày 1/2 ở Myanmar rằng, ASEAN sẽ không còn biện hộ cho hành vi của nước này. Nhưng thay vì cô lập chính quyền, các nhà ngoại giao trong khu vực chỉ ra rằng, Hiệp hội muốn phối hợp để khôi phục quá trình dân chủ ở Myanmar.
Bài liên quan
Myanmar: Quân đội tấn công người biểu tình chống đảo chính
Ngoại trưởng Myanmar tới Thái Lan đàm phán giải quyết khủng hoảng
Thêm 2 người thiệt mạng khi cảnh sát Myanmar nổ súng vào đoàn biểu tình
Hành động của ASEAN
Ngay sau cuộc đảo chính diễn ra, các quốc gia Đông Nam Á đã bày tỏ sự quan ngại về diễn biến và tình hình phức tạp tại Myanmar. Đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, tuân thủ các nguyên tắc dân chủ và chính phủ hợp hiến, duy trì đối thoại nhằm tìm giải pháp cho các thách thức, để không làm trầm trọng thêm tình trạng, duy trì hòa bình và an ninh; ủng hộ mạnh mẽ đối với quá trình chuyển đổi dân chủ, tiến trình hòa bình và phát triển kinh tế toàn diện của Myanmar.
Một số quốc gia như Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines đã bày tỏ quan ngại mạnh mẽ hơn, trong đó Singapore mô tả hành động bắn người biểu tình của lực lượng an ninh Myanmar là "không thể chấp nhận được".
Những tuyên bố cho thấy sự quan tâm và hy vọng của các quốc gia trong khu vực trong việc sớm giải quyết xung đột tại Myanmar. Cũng dễ hiểu bởi nếu nỗ lực tập thể thất bại, điều đó sẽ gây tổn hại rất lớn đến uy tín và vai trò trung tâm của ASEAN trong mắt cộng đồng quốc tế. Hơn thế nữa, nó sẽ khiến quốc tế đánh mất hy vọng về bất kỳ quy trình hòa giải nào để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Myanmar.
Mặc dù hiến chương của ASEAN không có bất kỳ điều khoản nào về việc trục xuất một quốc gia thành viên, nhưng nhóm 10 quốc gia đang có một số đòn bẩy. Hình thức cao nhất, nó có thể gây áp lực buộc Myanmar phải rời ASEAN tạm thời.
Tuy nhiên, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN - với sự thúc giục của Indonesia - đang chuẩn bị thảo luận về tình hình với hy vọng tạo được sự đồng thuận, nhưng thời gian không còn nhiều. Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á biết rằng họ phải đạt được một thỏa thuận trước khi các cuộc đối đầu giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh ở Myanmar trở nên bạo lực hơn và mất kiểm soát.
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi ngày hôm qua (25/2) đã hội đàm với Singapore và Brunei, chủ tịch ASEAN hiện tại, và hôm thứ Tư đã có cuộc gặp với người đồng cấp Thái Lan, Don Pramudwinai, tại Bangkok.
Phát ngôn viên đối ngoại của quân đội Myanmar, Wunna Maung Lwin, cũng đến Bangkok hôm thứ Tư để gặp Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và ông này đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Indonesia Marsudi và người đồng cấp Thái Lan Don Pramudwinai, để thảo luận về tình hình hiện tại ở Myanmar.
Cuộc gặp này mang lại triển vọng cho một cuộc họp không chính thức của ASEAN về tình hình, đồng thời chuẩn bị cơ sở cho một cuộc họp ngoại trưởng đặc biệt của ASEAN sẽ được tổ chức vào tuần tới tại Jakarta, để đưa ra một chương trình nghị sự cụ thể cũng như có thể công bố bất kỳ tuyên bố chung nào.
Trong một tuyên bố do chủ tịch đương nhiệm của khối, Brunei, đưa ra vào ngày 2 tháng 2, một ngày sau cuộc đảo chính, ASEAN bày tỏ mong đợi Myanmar sẽ cam kết tuân thủ các nguyên tắc hiến chương của ASEAN.
Nhà lãnh đạo Brunei, Sultan Hassanal Bolkiah, đã đồng ý với đề nghị của Indonesia và Malaysia về một cuộc họp đặc biệt của các ngoại trưởng ASEAN, với chủ đề chính là đối phó với đại dịch COVID-19, ngoài ra cũng đề cập đến tình hình của Myanmar.
Thái Lan được cho là sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc thảo luận của nhóm, khi mà lãnh đạo cuộc đảo chính của Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing đã gửi thư cá nhân cho Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, đề nghị hỗ trợ ủng hộ nền dân chủ Myanmar.
Thái Lan bày tỏ hy vọng rằng cuộc khủng hoảng Myanmar có thể được giải quyết một cách "hòa bình", vì lợi ích của người dân. Nước này cũng đảm bảo với chính quyền Myanmar rằng tình trạng của hàng triệu công nhân Myanmar ở Thái Lan sẽ được bảo vệ, miễn là họ tuân thủ luật pháp.
Brunei, nước đang giữ vai trò Chủ tịch ASEAN kêu gọi các bên ở Myanmar hòa giải - Ảnh: THE SCOOP
Trách nhiệm vai trò trung tâm của ASEAN
Sáng kiến của ASEAN đặt cơ hội vào cuộc để giải quyết cuộc khủng hoảng và mang theo kỳ vọng về một lộ trình chi tiết cho sự trở lại nền dân chủ trong vòng một năm ở Myanmar.
Tình hình tại Myanmar vẫn đang căng thẳng khi những cuộc biểu tình diễn ra liên tiếp tại khắp các thành phố và thị trấn. Phong trào phản đối cuộc đảo chính cũng bác bỏ lời hứa tổ chức cuộc bầu cử mới của quân đội, yêu cầu khôi phục chính phủ do Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi lãnh đạo, người hiện đang bị giam giữ. Điều này có thể châm ngòi cho những cuộc đụng độ lớn giữa lực lượng an ninh và những người biểu tình.
Chính quyền quân sự tại Myanmar đang chịu nhiều sức ép. Để tiếp tục đối thoại với các nước láng giềng trong khu vực, chính quyền nước này biết rằng họ phải nỗ lực để giảm bớt căng thẳng trong nước và chú ý đến lời khuyên của ASEAN.
Điều này bao gồm các yêu cầu rằng chính quyền phải cam kết tuân thủ ba nguyên tắc chính: không bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa, một quá trình chuyển đổi dân chủ thông qua đối thoại và đàm phán, và tôn trọng Hiến chương ASEAN, tôn trọng nguyên tắc trung tâm của ASEAN trong hợp tác khu vực và giải quyết hòa bình tranh chấp thông qua đối thoại và hợp tác.
Đổi lại, ASEAN sẽ xác nhận điều tra thêm về các cáo buộc của các nhà lãnh đạo quân đội Myanmar về gian lận danh sách cử tri trong cuộc bầu cử tháng 11 năm 2020. Điều này có thể bao gồm một lực lượng đặc nhiệm điều tra với các thành viên được lựa chọn do quân đội chỉ định, bao gồm các quan chức từ ASEAN.
Sau cơn bão Nargis năm 2008 khiến khoảng 84.000 người chết ở Myanmar, ASEAN đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thu xếp hỗ trợ nhân đạo cho quốc gia khi đó đang bị cô lập. Lần này, chính quyền phải được thuyết phục rằng lợi ích của chính họ, cũng như của người dân Myanmar, sẽ được phục vụ tốt nhất bằng cách cho phép ASEAN và các tổ chức quốc tế được lựa chọn, giúp tạo ra một thỏa hiệp ngăn chặn việc áp đặt các lệnh trừng phạt quốc tế.
Việc tiếp tục tham vấn giữa ASEAN và các đối tác đối thoại quan trọng cũng sẽ là cần thiết để thiết lập các ngưỡng có thể chấp nhận được để quay trở lại nền dân chủ.
Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan nói rằng, các lệnh trừng phạt sẽ chỉ làm tổn thương những người dân thường, phản ánh quan điểm chung của ASEAN. Nhưng chính quyền quân sự Myanmar cần lưu ý rằng ASEAN có thể hết kiên nhẫn. Singapore đã đưa ra tín hiệu về một đường lối cứng rắn hơn sau cái chết của một số người biểu tình.
Kết quả là, chính quyền phải hành động nhanh chóng để ngăn chặn sự phẫn nộ ngày càng tăng và phong trào bất tuân dân sự, vốn đang có đà phát triển từng ngày. Mặc dù chính quyền vẫn khẳng định rằng họ đã thể hiện sự kiềm chế tương đối trong việc phản ứng lại các cuộc biểu tình, nhưng khả năng bạo lực đang tăng lên.
Nếu chính quyền vẫn không khoan nhượng và tiếp tục đàn áp có hệ thống và truy tố những người biểu tình ôn hòa, ASEAN có thể buộc phải khiển trách Myanmar. Nếu điều đó xảy ra, bất kỳ hành động nào được thực hiện, nó sẽ đại diện cho một động thái chưa từng có trong lịch sử 54 năm của tổ chức và là một hành động cuối cùng.
Có thể nói, tình hình tại Myanmar hiện tại được xem là bài kiểm tra mạnh mẽ đối với những tuyên bố của Hiệp hội các nước ASEAN, mà gần nhất là Tuyên bố Chủ tịch Cấp cao lần thứ 37 ngày 12/11/2020 trong năm Việt Nam làm Chủ tịch.
Theo đó, các nhà Lãnh đạo ASEAN cam kết tiếp tục nỗ lực duy trì đà xây dựng Cộng đồng ASEAN, đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; đặc biệt cam kết củng cố đoàn kết và thống nhất, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, dung nạp, dựa trên luật lệ, đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực; củng cố liên kết kinh tế, kết nối khu vực, nâng cao bản sắc ASEAN…
Rõ ràng, các quốc gia Đông Nam Á đang ngày càng thể hiện tiếng nói mạnh mẽ, như chính những gì hiệp hội đang nỗ lực: Khủng hoảng của Myanmar cũng chính là khủng hoảng của ASEAN!