Khủng hoảng S-400 và F-35 đẩy mối quan hệ Mỹ - Thổ đến bờ vực

Mối quan hệ đồng minh Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ toàn diện nếu các nỗ lực đối thoại giữa các bên không đạt được tiếng nói chung, cũng như Ankara tiếp tục triển khai công nghệ tên lửa S-400 của Nga (được cho là đối thủ của tiêm kích F-35) trong quân đội nước này.

Tên lửa S-400 được cho là kì phùng địch thủ của máy bay F35 hiện nay. (Nguồn: International Interest)

Tên lửa S-400 được cho là kì phùng địch thủ của máy bay F35 hiện nay. (Nguồn: International Interest)

Lầu Năm Góc "mệt mỏi" vì S-400

Theo hãng thông tấn Nga TASS, quân đội Nga trong tuần này đã tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật cho các hệ thống tên lửa đất đối không S-400 miền Nam Astrakhan. Được biết, Nga sử dụng các loại máy bay tàng hình mang tên lửa Strizh-M, Favorit Kaban và tên lửa mục tiêu tầm thấp Armavir để tạo môi trường huấn luyện chiến đấu giả định, đặc biệt mô phỏng các cuộc tấn công của tiêm kích F-35. Kết quả là, tất cả các mục tiêu được chỉ định đều bị bắn hạ một cách tinh nhạy theo yêu cầu kiểm tra.

S-400 Triumf là hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa hiện đại nhất có thể phát hiện và tiêu diệt máy bay, tên lửa hành trình và đạn đạo tấn công các mục tiêu ở phạm vi lên đến 400km, gấp 6 lần tốc độ ánh sáng, độ cao 30.000m và cũng có thể phóng siêu tên lửa đánh chặn 40N6.

S-400 cũng được cho là hệ thống phòng thủ duy nhất có khả năng đối đầu với máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do Mỹ sản xuất. Những chiếc F-35 được thiết kế với công nghệ tàng hình phức tạp như sơn hấp thụ radar, vật liệu và các đường góc cạnh của thân máy bay, giúp chúng giảm nhiệt, xóa dấu vết và phát xạ điện từ để trốn tránh hệ thống radar.

Được cho là khắc tinh của của F35, tên lửa S-400 có khả năng xác định và theo dõi máy bay tàng hình và mục tiêu siêu thanh, cũng như có thể gần như vô hiệu hóa các tính năng nổi bật nhất của F-35. Đó là một trong những lý do khiến Mỹ đứng ngồi không yên khi Tổng thống Nga Vladimir Putin xuất khẩu rộng rãi S-400. Mỹ thậm chí đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các nước mua hệ thống phòng thủ này, trong đó bao gồm cả đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ.

Mong manh liên minh Mỹ-Thổ-NATO

Sau khi Mỹ thẳng tay gạt bỏ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào “Chương trình máy bay chiến đấu F-35” vì đã mua hệ thống tên lửa S-400 chiến lược của Nga, Quốc hội Mỹ dự đoán sẽ tiến hành các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với Ankara. Tất cả những đòn trừng phạt này sẽ đẩy mối quan hệ liên minh Mỹ-Thổ đến bờ vực. Điều đó càng làm cho Mỹ và phương Tây lo ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “dứt khoát quay lưng” với NATO để theo đuổi các mối quan hệ đối tác thay thế.

Các chiến thuật của F-35 có thể bị bắt bài nếu triển khai chung với tên lửa S-400 trên bầu trời Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: International Interest)

Các chiến thuật của F-35 có thể bị bắt bài nếu triển khai chung với tên lửa S-400 trên bầu trời Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: International Interest)

Giới chuyên gia nhận định, mặc dù thỏa thuận quân sự mang tính “chọc ngoáy” như S-400 có thể coi là tín hiệu báo trước cho sự ra đời một liên minh nồng ấm Nga-Thổ sắp tới, thế nhưng kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, Ankara luôn đứng bên kia chiến tuyến đối nghịch với Nga rõ nét trong các cuộc chiến ở Syria, Libya, thậm chí cả xung đột Azerbaijan và Armenia.

Vậy nên, nhiều ý kiến cho rằng, mối quan hệ Mỹ-Thổ vẫn còn nhiều cơ hội hàn gắn thông qua các thỏa thuận từ các hoạt động đối ngoại. Cụ thể, trước mắt, là các bên tăng cường tham gia vào các dự án đối thoại liên minh Mỹ-Thổ-NATO giữa viện Carnegie Europe từ phía Mỹ và Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại và Kinh tế (EDAM) của Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp tổ chức.

Cái giá của S-400 có quá đắt với Thổ?

Từ quan điểm quân sự, hành động mua sắm tên lửa S-400 của Ankara sẽ gây ra những trở ngại kỹ thuật tối kỵ đối với việc vận hành các vũ khí quân sư của Mỹ-NATO, cụ thể là hoạt động của máy bay chiến đấu tàng hình F-35 trong không phận Thổ Nhĩ Kỳ.

Thời điểm hiện tại và trong tương lai, có thể Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không trực tiếp tham gia vào các hoạt động bảo trì sơ cấp hệ thống tên lửa S-400, vì Nga vẫn chưa chuyển giao công nghệ và các thuật toán vận hành, cũng như bản thiết kế của S-400 cho Ankara quản lí.

Từ đây dấy lên e ngại rằng trong trường hợp chuyển giao công nghệ và thỏa thuận hợp tác toàn diện về tên lửa S-400 không thành công, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khó lòng kiểm soát hệ thống SAM chiến lược của Nga trên đất của mình. Thậm chí đã xuất hiện nghi vấn rằng liệu hệ thống này có phải là “gián điệp” ngầm chuyển các thông tin tình báo quân sự của NATO cho Moscow hay không. Điều này được giới quân sự Mỹ đánh giá là mối nguy hại khủng khiếp cho các hạm đội Mỹ trên khắp toàn cầu.

Mặc dù Ankara đã nhiều lần kêu gọi thành lập một ủy ban chung để đảm bảo an ninh cho dữ liệu F-35, nhưng trớ trêu thay, nước này lại sẵn sàng thử nghiệm các cảm biến của S-400 (có thể là hệ thống nhận dạng đồng minh- kẻ thù IFF hoặc hệ thống gây mù radar) trên các máy bay F-16 và F-4 do Mỹ sản xuất, vốn được coi là đóng vai trò “nòng cốt” trong lực lượng Không quân Thổ Nhĩ Kỳ. Có thể nói, Thổ Nhĩ Kỳ đã đi một nước cờ táo bạo đẩy Lầu Năm Góc vào thế ngồi trên lửa.

Nếu NATO miễn cưỡng triển khai F-35 hoặc tiến hành các cuộc tập trận chung trong không phận Thổ Nhĩ Kỳ song song với đối thủ S-400, người ta e rằng các chiến thuật của NATO sẽ thường xuyên bị S-400 bắt bài. Bên cạnh đó, việc mua tên lửa S-400 đồng nghĩa với việc Ankara mất quyền sở hữu vũ khí tàng hình F-35 từ đồng minh Mỹ. Nhưng có lẽ quan trọng hơn, thất bại của đối thoại Mỹ-Thổ sau thương vụ S-400/F-35 không chỉ gây rạn nứt sâu sắc mối quan hệ đồng minh, mà còn đặc biệt khiến Ankara chuyển hướng tăng cường mua thêm sản phẩm quốc phòng từ Nga hoặc các quốc gia khác.

(theo National Interest và Eur Asian Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-s-400-va-f-35-day-moi-quan-he-my-tho-den-bo-vuc-123453.html