Khủng hoảng tại Ukraine sẽ chưa thể sớm chấm dứt kể cả Nga có thực sự lui binh

Nga vẫn có rất nhiều sự lựa chọn trong cuộc khủng hoảng với Ukraine thay vì tiến hành một cuộc tấn công quân sự nhằm vào nước láng giềng.

Lựa chọn khác của Nga

Ngày 16/2 đã qua và Nga đã không tấn công Ukraine, dù nguồn tin tình báo và các quan chức Mỹ cảnh báo rằng một hành động quân sự của Moscow có thể diễn ra vào ngày này.

Hôm 15/2, phía Nga tuyên bố bắt đầu di chuyển một số lượng binh sĩ ra khỏi biên giới giáp Ukraine sau các cuộc tập trận. Tuy vậy, tình báo phương Tây vẫn tỏ ra nghi ngờ về tuyên bố rút quân của Nga và cho biết một cuộc tấn công vẫn có khả năng xảy ra.

Các binh sĩ Nga trong cuộc tập trận ở vùng Rostov. Ảnh: Reuters

Các binh sĩ Nga trong cuộc tập trận ở vùng Rostov. Ảnh: Reuters

Giới quan sát đánh giá, ngay cả khi không xảy ra cuộc tấn công, thế trận của Nga đối với phương Tây trong vấn đề Ukraine vẫn sẽ tiếp tục rơi vào bế tắc. Ngoại giao con thoi giữa giới chức phương Tây, Nga và Ukraine vẫn chưa tạo ra được bất kỳ thỏa thuận đột phá nào.

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 15/2, Tống thống Nga Vladimir Putin cho biết, Moscow sẵn sàng thảo luận về “các biện pháp xây dựng lòng tin”, nhưng ông cũng cảnh báo phương Tây và Ukraine sẽ chịu những hậu quả nghiêm trọng nếu không đạt được một giải pháp ngoại giao.

Ngày 17/2, Bộ Ngoại giao Nga lặp lại cảnh báo rằng Moscow “sẽ buộc phải đáp trả, bao gồm cả các biện pháp kỹ thuật – quân sự”, nếu các đảm bảo an ninh của nước này không được Mỹ đáp ứng.

Cho đến khi đạt được một thỏa thuận, không thể loại trừ hoàn toàn khả Nga thực hiện tấn công quân sự, mặc dù hình thức và bản chất của cuộc tấn công sẽ khác với những gì phương Tây đang hình dung.

Ngày 15/2, Hạ viện Nga đã bỏ phiếu để yêu cầu Tổng thống Putin công nhận hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine. Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin nêu lý do của cuộc bỏ phiếu là vì “Kiev không tuân theo các thỏa thuận Minsk và cộng đồng của chúng ta sống ở Donbass cần sự giúp đỡ và hỗ trợ”.

Hai thỏa thuận Minsk mà ông Volodin đề cập đã gây tranh cãi gay gắt giữa Moscow và Kiev kể từ khi hai bên ký kết vào năm 2014 và 2015, chủ yếu liên quan đến trình tự của các thành phần chính trị và an ninh trong thỏa thuận cũng như việc bên nào đưa ra nhượng bộ trước. Các cuộc bỏ phiếu của Hạ viện Nga không mang tính ràng buộc và ông Putin không bắt buộc phải ký ban hành luật.

Tuy nhiên, ngay cả khi Tổng thống Putin từ chối ban hành luật, động thái này vẫn đóng vai trò như lời cảnh báo của Nga nếu nước này không đạt được giải pháp ngoại giao. Nếu ông Putin quyết định công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng là các quốc gia độc lập, điều này một mặt sẽ có tác động tới Nga. Mặt khác, nó sẽ là dấu chấm hết cho thỏa thuận Minsk.

Cho đến nay, Nga vẫn coi Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng là một phần của hệ thống chính trị Ukraine, ngay cả khi Moscow đã ngầm cung cấp cho các vùng lãnh thổ này hỗ trợ về an ninh và tài chính. Đó là lý do tại sao Nga giữ giới hạn các hoạt động quân sự ở những vùng lãnh thổ này trong phạm vi không chính thức.

Nếu Điện Kremlin công nhận hai nước cộng hòa tự xưng nêu trên là các quốc gia độc lập, về mặt lý thuyết, điều này có thể mở ra cánh cửa cho sự hiện diện quân sự chính thức hơn của Nga tại các vùng lãnh thổ này. Điều cần làm là yêu cầu chính thức của các lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng về việc Moscow can thiệp để bảo vệ công dân Nga.

Trong trường hợp vẫn xảy ra một cuộc tấn công quân sự của Nga nhằm vào Ukraine, mọi việc sẽ chỉ giới hạn trong các lãnh thổ hiện có của các khu vực do phe ly khai kiểm soát, và có thể sẽ không liên quan đến các cuộc tấn công trên bộ hoặc chiếm đóng lãnh thổ do Kiev kiểm soát. Điều này sẽ cho phép Nga có khả năng nói rằng họ không tấn công Ukraine về mặt kỹ thuật mà là can thiệp vào các quốc gia độc lập mới được công nhận theo yêu cầu của người dân và lãnh đạo của họ.

Foreign Policy nhận định rằng sự can thiệp của Nga vào các vùng lãnh thổ ly khai cũng sẽ phù hợp hơn với khuôn khổ hành động quân sự của Moscow khi ít hoặc không gặp phải sự phản kháng nào từ người dân địa phương, đồng thời chi phí quân sự và kinh tế có thể sẽ thấp hơn nhiều so với một cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine.

Khủng hoảng tại Ukraine chưa thể chấm dứt?

Giai đoạn ngoại giao trong cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine vẫn đang diễn ra để giải quyết các vấn đề theo thỏa thuận Minsk. Các quan chức Nga và châu Âu đều cho rằng một số giải pháp đàm phán vẫn có thể đạt được để hạ nhiệt căng thẳng và ngăn chặn một cuộc tấn công.

Lính Ukraine tham gia tập trận gần Kharkiv, Ukraine hôm 10/2. Ảnh: AP

Lính Ukraine tham gia tập trận gần Kharkiv, Ukraine hôm 10/2. Ảnh: AP

Ngoài ra, Mỹ và các nước phương Tây khác đã cảnh báo rằng bất kỳ hành động quân sự nào của Nga nhằm vào Ukraine đều có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt và hạn chế kinh tế nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu Nga có động thái quân sự tại các vùng lãnh thổ ly khai, các biện pháp trừng phạt chắc chắn sẽ nhẹ hơn nhiều khi Nga tấn công Ukraine.

Mặc dù vậy, điều rõ ràng là Nga khó có thể “trắng tay” trong cuộc khủng hoảng này. Trong khi nhiều chuyên gia giải thích việc tập trung lực lượng giáp biên giới Ukraine và các cuộc tập trận quy mô lớn của Nga là dấu hiệu cho thấy Moscow đang lên kế hoạch tấn công công Kiev, một giả thuyết khác cho rằng những động thái như vậy là một phần của quá trình đàm phán rộng hơn của Nga với phương Tây.

Khả năng Nga có thể công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng là các quốc gia độc lập là động thái cho thấy Nga không hài lòng với cách Ukraine diễn giải Thỏa thuận Minsk và vì vậy, ông Putin muốn phương Tây thúc đẩy quá trình đó. Bên cạnh đó, dường như đây là tín hiệu cho thấy Tổng thống Putin muốn đàm phán về một khuôn khổ an ninh mới và toàn diện hơn cho Ukraine và châu Âu.

Câu hỏi cuối cùng được đặt ra là Tổng thống Putin sẽ có động thái gì nếu ông không nhận được bất kỳ sự nhượng bộ nào từ phương Tây sau tất cả các cuộc đàm phán?

Việc công nhận Donetsk và Lugansk là một trong những lựa chọn thay thế cho một cuộc tấn công và chiếm đóng quân sự quy mô lớn nhằm vào Ukraine, mặc dù vẫn tiềm ẩn nguy cơ hành động quân sự có thể thay đổi mô hình trong bối cảnh bế tắc giữa Moscow và phương Tây. Trong khi một quá trình ngoại giao vẫn đang được tiến hành để tránh leo thang căng thẳng, điều này có thể sớm chuyển hướng nếu không đạt được tiến triển./.

Mai Trang/VOV.VN (biên dịch) Theo Foreign Policy

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/khung-hoang-tai-ukraine-se-chua-the-som-cham-dut-ke-ca-nga-co-thuc-su-lui-binh-post925221.vov