Khủng hoảng thiếu điện vì La Nina, mùa Đông năm nay Trung Quốc sẽ lạnh không kém châu Âu

Theo các chuyên gia, tác động kéo dài của đợt hạn hán khắc nghiệt xảy ra trên dọc khu vực sông Dương Tử từ mùa Hè có thể sẽ khiến nguồn cung cấp điện ở Trung Quốc trong những tháng tới thêm khan hiếm. Đây sẽ là một thách thức với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi mùa Đông năm nay dự kiến sẽ lạnh hơn rất nhiều do ảnh hưởng của hiện tượng khí hậu cực đoan La Nina.

Khu vực lưu vực sông Dương Tử phần lớn dựa vào nguồn điện từ thủy điện. (Nguồn: Xinhua)

Khu vực lưu vực sông Dương Tử phần lớn dựa vào nguồn điện từ thủy điện. (Nguồn: Xinhua)

Do phụ thuộc phần lớn vào nguồn thủy điện, trong tình huống xấu nhất, tỉnh Tứ Xuyên, nơi đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán và cuộc khủng hoảng thiếu điện trầm trọng trong 2 tháng qua, dự kiến sẽ thiếu hụt từ 10 đến 30% lượng điện năng trong những tháng mùa Đông.

Hạn hán, thời tiết cực đoan

Theo tờ China Water, lượng mưa thấp và lượng nước trong các hồ chứa giảm dần, thiếu than và khí đốt, cũng như những khó khăn trong việc duy trì nguồn điện sản xuất ở Tứ Xuyên sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng về nguồn cung điện.

“Triển vọng đảm bảo nguồn cung điện khi nhu cầu tăng cao vào những tháng mùa Đông khá ảm đạm”, một Báo cáo thực hiện vào cuối tháng Chín bởi Bộ phận Kinh tế và Thông tin của chính quyền tỉnh Tứ Xuyên dự báo.

Giáo sư Yuan Jiahai tại Trường Kinh tế và Quản lý thuộc Đại học Điện lực Hoa Bắc (Bắc Kinh), những dự báo của chính quyền tỉnh Tứ Xuyên là dựa trên tình huống xấu nhất, tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào mức độ lạnh giá của mùa Đông năm nay.

“Điều quan trọng là mùa Đông sắp tới sẽ lạnh đến mức nào, điều này rất khó dự báo và còn phụ thuộc vào La Nina”.

Hầu hết các khu vực trên lãnh thổ Trung Quốc sẽ có xu hướng trải qua một mùa Đông lạnh giá dưới tác động của hiện tượng thời tiết La Nina. Đây là hiện tượng nhiệt độ trên bề mặt đại dương giảm đi đôi với gió và mưa. Hiện tượng này gây ra những tác động khí hậu trái ngược với El Nino.

Theo Trung tâm Khí hậu Quốc gia, hiện tượng La Nina dự kiến sẽ tiếp tục vào mùa Đông sắp tới.

“Nếu mùa Đông năm nay kéo theo mùa khô với mức độ khô hạn hơn năm trước, cộng thêm với thời tiết đặc biệt lạnh giá làm tăng sức tải của lưới điện thì kịch bản này cần được đặc biệt lưu ý”, ông Yuan Jiahai nói thêm.

Ở lưu vực sông Dương Tử, phần lớn lượng mưa xảy ra vào mùa Hè, các hồ chứa được xây dựng để tích trữ lượng nước cân bằng theo mùa. Tuy nhiên, hạn hán khắc nghiệt vào mùa Hè năm nay đã khiến các hồ chứa phải vật lộn để giữ đủ nước cần thiết cho mùa khô cho đến mùa Xuân.

Một quan chức thuộc Sở Tài nguyên nước tỉnh Tứ Xuyên cho biết, một đợt mưa lớn ở phía Đông Bắc của tỉnh vào đầu tháng 10 đã giúp tăng dung tích trữ nước khi 20 hồ chứa nước phục vụ cho các nhà máy thủy điện đã đạt được 89% lượng nước mục tiêu.

“Dù vậy, tình hình lưu trữ nước và đảm bảo nguồn cung điện vẫn còn khá nghiêm trọng”, ông này cho hay.

Tại tỉnh Giang Tây, nơi có hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, lượng nước trong 3.337 trong số 10.560 hồ chứa vừa và nhỏ đã xuống dưới mức tối thiểu, chính quyền địa phương cho biết hôm 11/10.

Theo Trung tâm Khí hậu Quốc gia, tính đến ngày 14/10, phần lớn các tỉnh Hồ Nam và Giang Tây - nằm ở giữa sông Dương Tử - vẫn ở trong tình trạng hạn hán từ trung bình đến cực đoan.

Theo Lin Guofa, nhà phân tích cấp cao của Công ty tư vấn Bric Agricultural Group, thời tiết cực đoan có thể ảnh hưởng đến việc gieo trồng cây vụ Đông vì cả hai tỉnh Tứ Xuyên và Giang Tây đều đang chuẩn bị cho vụ trồng hạt cải dầu và lúa mì.

Chạy đua đảm bảo an ninh năng lượng

Nhằm đối phó với những kịch bản xấu nhất, nhiều khu vực sản xuất than lớn trên khắp Trung Quốc đang nỗ lực đẩy mạnh sản lượng, đồng thời ưu tiên cung cấp nhiệt điện than từ đầu tháng Mười để chuẩn bị cho nhu cầu điện gia tăng vào mùa Đông.

Bên cạnh đó, nền kinh tế thứ hai thế giới cũng đang tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), bao gồm các trạm tiếp nhận và kho lưu trữ - động thái này diễn ra sau khi các công ty Trung Quốc ký nhiều hợp đồng nhập khẩu LNG dài hạn với các nhà cung cấp quốc tế, trong bối cảnh mối lo ngại về an ninh năng lượng ngày càng gia tăng.

Đến cuối năm 2021, Trung Quốc có 22 cảng LNG đang hoạt động, với tổng công suất tiếp nhận là 92,27 triệu tấn. (Nguồn: THX)

Đến cuối năm 2021, Trung Quốc có 22 cảng LNG đang hoạt động, với tổng công suất tiếp nhận là 92,27 triệu tấn. (Nguồn: THX)

Anne-Sophie Corbeau, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu tại Đại học Columbia (Mỹ) nhận định: “Trung Quốc là một trong những quốc gia có danh sách dài các kho cảng LNG đang được xây dựng. Trong khi một số đang được xây mới thì nhiều trung tâm trung chuyển cũng đang được mở rộng”.

Cuối tháng trước, một tàu sân bay từ Qatar đã chuyển 210.000 m3 LNG tới một bể chứa tại Cảng Năng lượng Xanh Diêm Thành ở phía Đông tỉnh Giang Tô, bắt đầu hoạt động của cơ sở dự trữ LNG lớn nhất Trung Quốc, theo chính quyền địa phương.

Cảng LNG mới là một minh chứng về việc Diêm Thành thực hiện triệt để chiến lược an ninh năng lượng của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Chiến lược do Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2014 nhằm cách mạng hóa việc tiêu thụ, cung cấp, công nghệ và hệ thống năng lượng của Trung Quốc, đồng thời tăng cường hợp tác năng lượng quốc tế. Giới chức trách nước này cũng đã nhiều lần cảnh báo về an ninh năng lượng trong hai năm qua, đặc biệt là khi nền kinh tế Trung Quốc liên tục đối mặt các cuộc khủng hoảng thiếu điện.

Theo kế hoạch 5 năm lần thứ 14 giai đoạn 2021-25 của nước này về các hệ thống năng lượng hiện đại, việc tăng cường xây dựng các cơ sở lưu trữ LNG là một trong những chìa khóa để cải thiện nguồn cung cấp năng lượng linh hoạt của Trung Quốc.

“Trung Quốc là một nước lớn có thị trường khí đốt khổng lồ - có thể tương đương với quy mô của Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2022. Vì vậy, không có gì lạ khi nước này đầu tư nhiều vào kho cảng LNG”, bà Corbeau nói.

(theo SCMP)

Hùng Tâm

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-thieu-dien-vi-la-nina-mua-dong-nam-nay-trung-quoc-se-lanh-khong-kem-chau-au-202201.html