Khủng hoảng Ukraine: Đức, Pháp cùng ra tay

Căng thẳng Nga - Ukraine bước vào giai đoạn quan trọng khi NATO tập trung lực lượng ở sườn phía Đông và Nga tăng quân ở biên giới Ukraine

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên đường đến thủ đô Moscow hôm 7-2, nhằm tìm kiếm các cam kết từ Tổng thống Nga Vladimir Putin giúp xoa dịu khủng hoảng Ukraine.

Hai nguồn tin thân cận với Tổng thống Macron cho biết mục đích của chuyến thăm là kéo dài thời gian và ngăn chặn diễn biến tồi tệ trong vài tháng, ít nhất là đến "Siêu tháng 4", thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử ở Hungary, Slovenia và Pháp.

Các quốc gia Đông Âu chỉ trích lập trường hợp tác của ông Macron với Nga khi cho rằng tổng thống Pháp đang đàm phán về một "trật tự an ninh mới của châu Âu".

Nhằm đối phó những chỉ trích nêu trên và thể hiện vai trò lãnh đạo châu Âu, ông Macron đã nỗ lực tham vấn các lãnh đạo phương Tây, gồm Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Sau khi rời Moscow, ông Macron sẽ có chuyến thăm thủ đô Kiev của Ukraine trong ngày 8-2.

Theo bà Tara Varma thuộc Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại (ECFR), Paris đang muốn củng cố vị thế của Liên minh châu Âu (EU), đồng thời nỗ lực tránh nguy cơ xảy ra chiến tranh bằng mọi cách.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz trao đổi với phóng viên trên chuyến bay đến Washington - Mỹ hôm 6-2 Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Đức Olaf Scholz trao đổi với phóng viên trên chuyến bay đến Washington - Mỹ hôm 6-2 Ảnh: REUTERS

Bên cạnh bước đi của tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 7-2 đã có chuyến thăm đầu tiên tới Mỹ kể từ khi ông nhậm chức. Tại Nhà Trắng, ông Scholz hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden quanh các vấn đề an ninh ở châu Âu hiện tại.

Chuyên gia Sudha David-Wilp, Phó Giám đốc văn phòng của Quỹ Marshall tại Đức, cho rằng ông Scholz không thể "ra về tay không". Chuyên gia này nói với đài DW: "Việc Đức không hành động vào lúc này dường như phủ nhận tất cả chính sách đối ngoại mà chính phủ mới của ông Scholz tuyên bố theo đuổi".

Một ngày trước khi đến Mỹ, thủ tướng Đức tỏ ý sẵn sàng điều thêm quân đến Lithuania để củng cố sườn phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông Scholtz cũng dự kiến đến Moscow và Kiev vào tuần tới để hội đàm với Tổng thống Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Các lãnh đạo châu Âu đã có hàng loạt chuyến thăm khu vực trong bối cảnh Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 6-2 cảnh báo Nga có thể tấn công Ukraine trong vài tuần, thậm chí vài ngày tới.

Theo ông Sullivan, động thái tiềm năng của Nga có thể bao gồm sáp nhập khu vực Donbass của Ukraine, hiện do phe ly khai kiểm soát, tấn công mạng hoặc tấn công toàn diện vào Ukraine. Dù vậy, vị cố vấn Mỹ cũng nhận định Nga có thể chọn con đường đối thoại để giải quyết khủng hoảng thay vì động binh.

Trong khi đó, Ukraine đã hạ thấp khả năng xảy ra cuộc tấn công từ phía Nga. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba hôm 6-2 nhấn mạnh: "Đừng tin vào những lời tiên đoán về ngày tận thế. Ukraine luôn sẵn sàng đối phó với bất cứ kịch bản nào. Giờ đây, Ukraine đã có quân đội mạnh mẽ, sự ủng hộ chưa từng có từ cộng đồng quốc tế và niềm tin của người Ukraine đối với đất nước. Đối thủ nên sợ chúng ta chứ không phải chúng ta sợ họ".

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn tổng thống Ukraine, nhận định cơ hội tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng vẫn cao hơn đáng kể so với nguy cơ leo thang căng thẳng.

Theo kênh Al Jazeera, bà Theresa Fallon, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga - Âu - Á, cho biết báo cáo mới cho thấy tình báo Mỹ tin rằng chính quyền ông Putin có thể tổ chức các cuộc tập trận hạt nhân trong khu vực trong tháng tới nhằm gửi thông điệp mạnh mẽ đến NATO.

XUÂN MAI

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/khung-hoang-ukraine-duc-phap-cung-ra-tay-20220207204122725.htm